Mãi xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân

Cách đây 68 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị cán bộ y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Bức thư được đăng trên Báo Nhân Dân ngày 27/02/1955. Thư của Người chỉ có 386 chữ nhưng thể hiện sự chỉ đạo sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược cho ngành Y tế Việt Nam. Từ ý nghĩa bức thư của Người, ngày 06/02/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quyết định lấy ngày 27/02 hàng năm làm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Kể từ đó, ngày 27/02 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Y tế.

3 chỉ đạo mang tính chiến lược trong bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một là, “đoàn kết là sức mạnh”, vì “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích”. Cùng chung một mục đích là “phục vụ nhân dân” cho nên, dù công việc và địa vị khác nhau, song đội ngũ cán bộ ngành Y tế cần phải “đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành Y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh, chị, em giúp việc”.

Hai là, “lương y phải như từ mẫu”. Y đức là phẩm chất tốt đẹp, giá trị cốt lõi của những người làm trong ngành Y tế; biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm phục vụ, tình thương yêu, chăm sóc bệnh nhân (BN). Là một nghề liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người, người thầy thuốc không chỉ phải giỏi về chuyên môn mà còn phải có đạo đức nghề nghiệp, “chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Người nhấn mạnh rằng: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”, cho nên những người làm nghề y “cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh, em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.

Ba là, “xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân”, Chính phủ phải “xây dựng một nền y học của ta” - nền y học “phải dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng”; “chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh tư liệu

Ngành Y tế Long An thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thực hiện sự chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, sự quản lý, điều hành của UBND tỉnh, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đều nỗ lực, phấn đấu, luôn đoàn kết, sẻ chia kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau về chuyên môn, phương tiện điều trị để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thực hiện lời thề Hippocrates và đạo đức người thầy thuốc như Bác Hồ từng căn dặn, noi theo tấm gương mẫu mực về chuyên môn và đạo đức nghề y của bác sĩ Vũ Đình Tụng, Trần Hữu Tước, Giáo sư - bác sĩ Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di, Đặng Thùy Trâm, Tôn Thất Bách,... cùng thầy thuốc, y tá, y sĩ, hộ lý, lương y trong đội ngũ những người “anh hùng áo trắng” đi trước, đội ngũ những người làm việc trong ngành Y tế của tỉnh học tập, noi theo, kế thừa, phát huy phẩm chất, trí tuệ ấy vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Trong mọi thời điểm, lời dạy của Người về đoàn kết, sự sẻ chia, chăm lo cho BN luôn được thể hiện trong công tác khám, chữa bệnh, trong từng phiên trực cấp cứu. Mỗi người, tùy vị trí công tác và chuyên môn đã luôn giữ gìn y đức, nỗ lực học tập để nâng cao y thuật, tận tụy vì sức khỏe nhân dân. Ở những thời khắc quyết định, đã có những thầy thuốc tình nguyện hiến máu để kịp thời cứu chữa cho BN. Ở các bệnh viện tuyến huyện hay cơ sở y tế của tỉnh cũng đã có những thầy thuốc giúp đỡ tiền để BN được khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người dân nghèo,... Đặc biệt, ở thời điểm bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai, những thầy thuốc của tỉnh đã góp mặt vào đội ngũ “chiến sĩ áo trắng” gánh trên vai sứ mệnh cao cả là chữa bệnh cứu người. Họ luôn nhận thức được nhiệm vụ của mình trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, với trách nhiệm đầy vinh dự và tự hào vì đã đóng góp cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Hơn 2 năm qua, cuộc sống của đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế hoàn toàn bị ảnh hưởng, họ rời xa gia đình lên đường phòng, chống dịch. Có những thời điểm cuộc chiến chống dịch dường như không có hồi kết. Nhiều y, bác sĩ, tình nguyện viên gần như không nghỉ. Họ vui khi BN khỏi bệnh và đau buồn khi chứng kiến BN không qua khỏi. Rõ ràng là không thể đong đếm hết những khó khăn, hy sinh, vất vả của đội ngũ y tế phải gồng mình vượt qua trong cuộc chiến giành lấy sự sống cho người dân.

Thực hiện sự chỉ dẫn của Người, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh, chỉ đạo toàn ngành Y tế tỉnh nhà nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, nhiệm vụ rất đặc biệt và cao quý trong xã hội. Ngành Y tế đã được mở rộng cơ sở chăm sóc sức khỏe từ tỉnh đến cơ sở. Hệ thống bệnh viện các tuyến đều được quan tâm đầu tư, tạo thành chỉnh thể liên hoàn, hỗ trợ nhau để ngày càng nâng cao hơn chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nhiều chứng bệnh nguy hiểm đã được điều trị hiệu quả, nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng ở Bệnh viện Đa khoa Long An và các bệnh viện tuyến cơ sở.

Mạng lưới y học cổ truyền tiếp tục phát triển. Có sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Đông y và Tây y, đã chữa thành công rất nhiều loại bệnh, ngày càng tạo được sự tin tưởng trong nhân dân đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Thuốc Tây chữa được nhiều bệnh nhưng cũng có bệnh chữa không được mà thuốc ta chữa được; thuốc ta chữa được nhiều bệnh nhưng cũng có bệnh chữa không được mà thuốc Tây chữa được. Bên nào cũng có cái ưu điểm, hai cái ưu điểm cộng lại thì chữa được bệnh tốt cho đồng bào, cho nhân dân, phục vụ cho xây dựng chủ nghĩa xã hội, do đó, “thầy thuốc Tây phải học Đông y, thầy thuốc ta cũng phải học Tây y”. Đó chính là sự kết hợp giữa y học dân tộc và y học hiện đại, phát huy những vốn quý cổ truyền của Đông y với Tây y, tạo nên sự phát triển vượt bậc của y học Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Đã 68 năm trôi qua, lời dạy của Người vẫn là kim chỉ nam cho ngành Y tế cả nước nói chung, tỉnh Long An nói riêng. Những thành tựu quan trọng trong phát triển mạng lưới y tế, dự phòng bệnh tật, khám, chữa bệnh cho nhân dân, từng bước củng cố, tăng cường mạng lưới y tế cơ sở và đổi mới phương thức hoạt động, năng lực dự báo, giám sát và phòng, chống dịch bệnh của các cơ sở y tế dự phòng, phòng và khống chế được các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được cả nước ghi nhận. Đồng thời, đạo đức nghề, phong cách, thái độ phục vụ và trình độ chuyên môn của đội ngũ những người công tác trong ngành Y tế tỉnh nhà được chú trọng, nâng cao, xuất hiện nhiều tấm gương y, bác sĩ tận tụy chăm sóc, cứu chữa người bệnh được xã hội trân trọng ghi nhận.

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam là dịp để chúng ta tri ân những cống hiến thầm lặng của đội ngũ thầy thuốc đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Sự hy sinh của các y, bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch đã để lại hình ảnh tốt đẹp trong lòng nhân dân, bạn bè, góp phần quan trọng đẩy lùi dịch bệnh trong cả nước, tạo nên sức lan tỏa, tiếp thêm niềm tin cho nhân dân và chính họ đã góp phần phản chiếu hệ giá trị Việt Nam ra cộng đồng thế giới.

Nhân Ngày truyền thống của Ngành Y tế Việt Nam 27/02, kính chúc đội ngũ thầy thuốc nói chung và của tỉnh Long An nói riêng luôn nhiều sức khỏe, tràn đầy nghị lực, niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước, của tỉnh nhà; luôn ra sức nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khám, chữa bệnh, bảo đảm quy trình chuyên môn, phục vụ BN nhiệt tình, trách nhiệm; xây dựng, giữ gìn hình ảnh ngành Y tế, nâng cao y đức, mãi xứng đáng với sự yêu mến, tin tưởng của Đảng và nhân dân./.

Phòng TTTT&LLCT (Ban TGTU)

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/mai-xung-dang-voi-niem-tin-cua-dang-va-nhan-dan-a150412.html