Malaysia mở cửa lại nền kinh tế: Giai đoạn khó khăn (Phần 1)

Thành công trong cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã mang lại bầu không khí lạc quan cho Malaysia.

Người dân di chuyển trên phố ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân di chuyển trên phố ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ đầu tháng Năm, quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế khi mở cửa trở lại nền hoạt động kinh tế, xác định đây là ưu tiên cốt yếu khi việc ngừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu khiến nước này thiệt hại tới 550 triệu USD mỗi ngày.
Những thống kê mới nhất về thị trường lao động chỉ ra phần nổi của tảng băng trôi. Tỷ lệ thất nghiệp hàng tháng tăng 0,6% lên mức 3,9% vào tháng 3/2020, mức cao nhất trong 10 năm qua và điều này cũng có nghĩa là khoảng 112.000 người Malaysia đã bị mất việc làm.
Cuộc khảo sát gần đây của Cục Thống kê nước này cho thấy 68% doanh nghiệp có doanh thu bằng 0 trong thời gian áp dụng lệnh giới hạn đi lại (MCO) và gần 70% doanh nghiệp sẽ không tồn tại được hai tháng trong khi cho nhân viên nghỉ phép có lương.
Đáng chú ý, đối với các lĩnh vực phải đối mặt với sự gián đoạn kéo dài, tình trạng này thậm chí khó khăn hơn, điển hình là ngành du lịch đã mất tới 23,5% tổng số việc làm. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giảm mạnh trong quý I/2020 khi sự sụt giảm nghiêm trọng trong vốn đầu tư và xuất khẩu.
* Củng cố nền kinh tế
Chính phủ Malaysia đã tìm cách củng cố nền kinh tế với gói kích thích trị giá 250 tỷ RM (60 tỷ USD), tập trung vào lĩnh vực công cộng.

Trọng điểm của gói kích thích kinh tế là giải quyết các nhu cầu trước mắt, cung cấp tiền mặt và giảm chi phí cho các doanh nghiệp và nhóm công dân dễ bị tổn thương, trợ cấp một phần tiền lương, hỗ trợ trả chậm các khoản vay và các hệ thống tài chính.
Với giá trị lên tới 17% GDP, nếu được thực hiện đầy đủ, gói kích cầu này có thể là huyết mạch trong ngắn hạn có giá trị lớn đối với nền kinh tế Malaysia cũng như thị trường việc làm.

Các biện pháp được triển khai từ một đến sáu tháng trước khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, cuộc sống sinh hoạt của người dân trở lại bình thường trong mối lo ngại về chi phí phát sinh khi kéo dài các biện pháp nhằm tái mở cửa nền kinh tế.
Trọng tâm của gói kích cầu là đưa các hoạt động xã hội trở lại như trước với điều kiện thực hiện các biện pháp kiểm dịch nhằm giảm nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh mà bỏ qua sự chuyển đổi cơ bản sang tình trạng bình thường mới mà tất cả các nền kinh tế đang phải đối mặt. Trong đó, các chính sách thấu đáo sẽ thúc đẩy và tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi này.
* Lấy lại niềm tin đang mất dần
Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của các chính sách kinh tế trong giai đoạn này là giải quyết niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đang suy giảm.
Trước nguy cơ mất việc làm, người tiêu dùng sẽ tránh chi tiêu tùy ý và doanh nghiệp sẽ trì hoãn đầu tư, thậm chí khôi phục sản xuất nếu họ dự đoán việc đóng cửa vẫn thường xuyên diễn ra và kéo dài trong điều kiện phong tỏa.
Một chuyên gia kinh tế Malaysia chia sẻ trên Twitter rằng sau một tháng phong tỏa đất nước, hầu hết các doanh nghiệp tại quốc gia Đông Nam Á đều gặp khó khăn, người dân “bồn chồn” và cuộc sống trở thành một vòng xoáy của “hy vọng, tuyệt vọng và thất vọng cay đắng”.
Nỗ lực làm giảm bớt sự sợ hãi này không chỉ đòi hỏi các quy trình vận hành hiệu quả và lành mạnh trong thời gian khi dịch bệnh bùng nổ mà còn cần các biện pháp can thiệp có mục tiêu tốt hơn và hiệu quả hơn khi các điểm nóng xuất hiện.
Do đó, quá trình áp dụng MCO cần tiếp tục được cải tiến nhằm giảm thiểu các khu vực bị cô lập và tối đa hóa sự tiêu tốn thời gian trong xét nghiệm và cách ly.
* Lấy an toàn là ưu tiên hàng đầu
Sự khác biệt giữa hoạt động kinh doanh thiết yếu và không thiết yếu vốn phù hợp với mục đích ban đầu của MCO cần phải phát triển để phân biệt giữa an toàn và không an toàn để vận hành nền kinh tế.
Các doanh nghiệp an toàn nhưng không thiết yếu cần phải quán triệt nguyên tắc có thể hoạt động, song cần đảm bảo yêu cầu tăng cường vệ sinh, giãn cách xã hội và sắp xếp công việc tại nhà mà không phải đối mặt với việc đóng cửa đột ngột trong hình thức phong tỏa toàn quốc khác.
Đáng chú ý, chỉ với quy trình hoạt động nghiêm ngặt hơn là chưa đủ, chính phủ và chính quyền các bang cần đưa ra các dự báo rõ ràng về việc đối phó với các đợt lây nhiễm trong tương lai.
* Tái cân nhắc các biện pháp kiểm soát đi lại về địa lý
Cách tiếp cận thông minh hơn về mặt địa lý cũng sẽ củng cố một phản ứng nhiều sắc thái hơn. Kiểm soát chặt chẽ biên giới thông thường giữa các bang tại bán đảo Malaysia đã trở thành các tuyến ngăn chặn trực tiếp với các lợi ích y tế hạn chế và chi phí kinh tế nghiêm trọng.
Khu vực Kuala Lumpur lớn hơn, gồm hai vùng lãnh thổ liên bang và bang Selangor, là hệ sinh thái kinh tế được xây dựng trên cơ sở đi lại xuyên biên giới giữa các bang/vùng lãnh thổ này của người tiêu dùng cũng như công nhân, chưa kể đến việc kết nối kinh doanh.

Thực trạng này cũng đúng với các liên kết Johor-Singapore, mặc dù đây là biên giới quốc tế và cũng là nhân tố kèm thêm nhiều thách thức.
Thực tế cư dân của nhiều khu vực như Petaling Jaya, Damansara và Ampang không thể di chuyển về phía trung tâm Kuala Lumpur nhưng có thể tự do đi lại đến các vùng biên giới xa xôi cách đó hơn 100 km là không phù hợp với mục tiêu kinh tế cũng như y tế.
Việc không khuyến khích hoạt động tương tác và di chuyển nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 có thể đạt được mà không cần duy trì các hạn chế về biên giới, trong khi mở lại lộ tuyến đi lại giữa Malaysia và Singapore (và các nước láng giềng khác tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh) cần là một phần trong kế hoạch đối phó với đại dịch./.

Mạnh Tuân (TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/malaysia-mo-cua-lai-nen-kinh-te-giai-doan-kho-khan-phan-1/157892.html