Mang ấm no cho những phụ nữ giữ ''lửa nghề''

Một ngày giữa tháng 10, theo chân Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh, chúng tôi đến thăm gia đình chị Hoàng Thị Biểu - người dân tộc Tày làm kinh tế giỏi tại Thôn 4. Chị được ví như 'cánh chim đầu đàn' giúp chị em phụ nữ quanh vùng có thu nhập ổn định nhờ nghề đan sọt.

Không chỉ phát huy nghề đan sọt, chị Biểu còn tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho chị em hội viên phụ nữ trong vùng

Không chỉ phát huy nghề đan sọt, chị Biểu còn tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho chị em hội viên phụ nữ trong vùng

Trò chuyện với chúng tôi, chị Biểu nói rằng, người dân thường gọi thôn này là thôn “sọt” bởi nghề đan sọt đã gắn bó với người dân xã Đạ Kho từ xưa đến nay. Những người già trong thôn cũng chỉ biết từ bé đã được truyền nghề, chứ không ai khẳng định được chính xác nghề này đã có từ khi nào. Giờ đây, người trẻ họ còn giữ, còn làm, một phần để có thu nhập trang trải cuộc sống, phần nữa đây cũng là cách bà con trong vùng gìn giữ nghề truyền thống qua nhiều năm.

“Hơn hai mươi năm gắn bó với nghề đan sọt, vợ chồng tôi cũng tích góp được ít vốn liếng để mở rộng diện tích khuôn viên nơi làm, mua máy móc… Sau khi thành thạo tay nghề, nhận thấy nhiều chị em trong thôn có thời gian nhàn rỗi nhưng không thể đi làm xa do còn lo cho gia đình, con cái; phần nữa là trước đây, chị em trong vùng đều biết cách đan nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu vì mua bán phải qua trung gian, giá thành thấp, nên vợ chồng tôi có ý tưởng nhận thêm nhiều nguyên liệu để tạo điều kiện cho các chị em khác cùng làm để có thêm thu nhập. Đến nay, xưởng của vợ chồng tôi nhận 7 - 8 chị em hội viên trong vùng đến làm công”, chị Biểu cho hay.

Theo vợ chồng chị Biểu, nghề đan sọt không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì. Ngoài sự chịu khó cũng cần sự khéo léo của chị em. Việc đan các sản phẩm này yêu cầu cao về chất lượng, không chỉ đan đúng mà còn cần đan đẹp.

Nguồn nguyên liệu chủ yếu thu mua trong Nhân dân. Tuy lợi nhuận không cao, nhưng đây lại là nghề cho thu nhập ổn định. Do nguồn hàng ổn định, đảm bảo công việc hàng ngày nên chị em trong thôn cũng yên tâm. Sản phẩm sau khi hoàn thành được xuất bán cho các vựa bán rau, hoa, củ, quả ở Đức Trọng.

Trung bình mỗi ngày, một người đan được khoảng 25 - 40 sọt tre, tương đương với mức thu nhập từ 100.000 đến 150.000 đồng. Do làm ăn theo sản phẩm nên ai có tay nghề cao, lâu năm, thạo việc sẽ có thu nhập nhiều hơn người khác. Mức thu nhập hàng tháng dao động từ 3 - 4,5 triệu đồng/1 người.

Công việc tận dụng được thời gian nhàn rỗi để làm nên phù hợp và được chị em hưởng ứng. Một trong số những người gắn bó với nghề đan sọt và tham gia vào xưởng chị Biểu từ những ngày đầu là chị Nông Thị Kim (48 tuổi).

Chị Kim tâm sự: “Gần 20 năm với nghề đan sọt, để có thu nhập ổn định, năm 2005, tôi xin vào làm nhân công cho vợ chồng chị Biểu. Ngày trước, làm nông chỉ bận rộn những lúc mùa màng, thời gian nhàn rỗi cũng nhiều, tuy nhiên, tôi lại không thể đi làm xa, gần nhà thì không có việc làm. Sau khi làm việc tại xưởng của chị Biểu, trung bình mỗi ngày, tôi cũng có thu nhập từ 130.000 đồng trở lên. Điều quan trọng là công việc này nhẹ nhàng, lại có thể tranh thủ lúc rảnh rỗi nên rất hợp với chị em ở nông thôn như chúng tôi”.

Được biết, ban đầu, đan lát không phải là công việc chính của người dân nơi đây, bởi vốn dĩ bà con trong thôn chủ yếu làm nông, họ tận dụng thời gian rảnh sau mùa vụ để đan sọt, tạo ra những vật dụng trong gia đình. Tuy nhiên về sau, sản phẩm này được ưa chuộng, người tìm mua rất nhiều, nên từ đó hình thành nhu cầu mua bán trên thị trường và chuyên biệt hóa trong sản xuất. Cứ như vậy, nghề đan sọt truyền thống tại Thôn 4 đã gắn bó với đời sống của bà con và dần trở thành thu nhập chính trong gia đình.

Chị Triệu Thị Thơm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đạ Kho cho biết: “Hiện nay, Thôn 4 có trên 20 hội viên phụ nữ làm nghề đan sọt tre. Tuy nhiên để nói về quy mô lớn và thành xưởng thì chỉ có khoảng 5 hộ gia đình trong thôn đang tập hợp thành cụm để làm ra thành phẩm. Hầu hết những hội viên phụ nữ tham gia làm đã gắn bó với nghề từ hơn 5 năm trở lên. Một trong số đó, có hộ gia đình chị Hoàng Thị Biểu - đây được coi là hội viên phụ nữ tiên phong trong việc nhận nhân công làm việc tại xưởng. Do được đầu tư máy móc chuyên dụng để vót tre nhanh, số lượng sản phẩm của chị được bán hết mỗi ngày. Chính quyền địa phương nhận thấy, việc chị làm xưởng và thuê người dân trong thôn đến làm vừa tạo được sự gắn bó, đoàn kết, vừa giúp đỡ chị em hội viên có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo”.

THÂN THU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202210/mang-am-no-cho-nhung-phu-nu-giu-lua-nghe-3141200/