Mang võ cổ truyền đến gần với học sinh

Tuy chỉ là bài tập ngắn, khá đơn giản được kết hợp tập luyện trong các giờ ra chơi, nhưng việc đưa môn võ cổ truyền vào trường học đã giúp học sinh ở Lâm Hà hiểu hơn về những giá trị truyền thống của dân tộc cũng như tăng cường sức khỏe, thể chất.

Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và bài võ cổ truyền trên nền nhạc Dòng máu Lạc Hồng. Ảnh: H.Thắm

Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và bài võ cổ truyền trên nền nhạc Dòng máu Lạc Hồng. Ảnh: H.Thắm

Những giờ ra chơi dường như đã trở nên sôi động, hấp dẫn hơn với hơn 850 học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. 45 động tác cơ bản, khi mềm mại uyển chuyển, lúc dứt khoát trên nền nhạc Dòng máu Lạc Hồng dần trở nên quen thuộc. Thầy Nguyễn Bách Nam, giáo viên phụ trách tập luyện cho biết, ban đầu khi đi vào triển khai đồng bộ trong nhà trường đã gặp phải một số khó khăn nhất định. Võ cổ truyền cũng là một trong những nội dung khá mới, nhiều em học sinh ở địa bàn các xã vùng sâu của huyện Lâm Hà chưa có điều kiện tiếp cận.

“Chính tay mình phải uốn nắn, hướng dẫn từng động tác một sau đó lại chia thành từng nhóm nhỏ để tập riêng. Học xong động tác rồi mới tiến hành ráp nhạc nền điều chỉnh di chuyển cho đúng nhịp nhanh, chậm. Nói chung là phải tập từng chút một nhưng điều thuận lợi là các em là người trẻ, tiếp thu nhanh nên chỉ trong vòng khoảng 5 tuần là đã có thể nhuần nhuyễn”, thầy Bách Nam chia sẻ.

Ông Bùi Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT về việc triển khai đưa võ cổ truyền vào trường học đã nhận được sự đồng tình của cả Ban giám hiệu, học sinh, phụ huynh. Điều kiện thuận lợi để trường Huỳnh Thúc Kháng là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai hoạt động này là giáo viên thể dục là người có chuyên ngành về võ thuật. Chính vì thế khi hướng dẫn các em học sinh, thầy Nam luôn theo sát, tỉ mỉ. Theo thầy Sơn, sau những giờ học căng thẳng, học sinh được thư giãn, vận động với võ cổ truyền cũng chính là cách để giải tỏa tinh thần, thoải mái bước vào giờ học tiếp theo. Nhờ có hoạt động này mà số lượng thành viên trong CLB võ cổ truyền của trường cũng tăng lên đáng kể, góp thành tích vào Hội khỏe Phù Đổng các cấp.

“Môn võ cổ truyền thể hiện tinh hoa dân tộc, khí phách và cốt cách con người Việt Nam. Tôi mong muốn giúp các em học sinh có thêm tình yêu đối với môn võ truyền thống của dân tộc. Tập các bài quyền tuy đơn giản nhưng cũng là cách để rèn luyện sức khỏe, từ đó giúp các em khám phá bản thân nhiều hơn. Mình không đặt nặng việc bắt buộc các bạn phải yêu thích môn võ này bởi bản thân mỗi người có điểm mạnh, yếu khác nhau nhưng trước hết là học ở đây một tinh thần thượng võ, rèn luyện sức khỏe”, thầy Nguyễn Bách Nam cho biết thêm.

Quan sát các em học sinh tập luyện, chúng tôi như cảm giác đây là một bài biểu diễn với quy mô lớn, kín cả sân trường. Không ít em học sinh rất thần thái, chú tâm trong từng động tác. Em Lò Thị Thái An (lớp 10A1) chia sẻ: Thay vì ngồi nghịch điện thoại hay nói chuyện trong lớp thì chúng em cũng thấy thoải mái hơn khi tập bài quyền này. Bản thân em đã học Vovinam được hơn 5 năm. So với võ cổ truyền thì các động tác có khác nhau nhưng em vẫn học rất nhanh, di chuyển đúng nhịp. Võ thuật giúp em rèn luyện sức khỏe cũng như nâng cao kỹ năng tự bảo vệ tốt hơn.

Cũng như vậy, ghi nhận tại Trường Tiểu học Đinh Văn III, cho thấy dù ở lứa tuổi còn rất nhỏ nhưng hầu hết các em học sinh tỏ ra vô cùng hào hứng và thích thú. Cô Nguyễn Thu Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc lồng ghép bài quyền võ cổ truyền để thay thế các động tác thể dục cũng là cách giúp học sinh cảm thấy đỡ nhàm chán hơn. Dường như việc tập võ phù hợp với lứa tuổi của những cô cậu học trò tinh nghịch nên các em tỏ ra vô cùng yêu thích và luôn luôn chờ đón. Dù mới đưa vào triển khai nhưng cũng tạo được hiệu quả, giúp học sinh rèn luyện sức khỏe.

Theo Phòng Giáo dục Lâm Hà, sau khi Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên thì từ năm học 2019 - 2020 đã triển khai ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

HỒNG THẮM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/thethao/201912/mang-vo-co-truyen-den-gan-voi-hoc-sinh-2979869/