Mạnh dạn đầu tư để phát triển kinh tế

Mô hình trồng sầu riêng của gia đình bà Hoàng Thị Hiền ở thôn Tân Lập, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh). Ảnh: NGỌC LY

Với lợi thế về đất đai và khí hậu, mấy năm gần đây, huyện Sông Hinh không ngừng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống của nhân dân, đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện đang khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch và nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều mô hình hiệu quả

Hiện nhiều nông dân ở Sông Hinh, đặc biệt là các hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, lựa chọn các loại cây, con giống có tiềm năng, lợi thế trong sản xuất, chăn nuôi để đầu tư. Gia đình bà Hoàng Thị Hiền ở thôn Tân Lập, xã Ea Ly mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích trồng cây cà phê kém hiệu quả sang chuyên canh hơn 90 gốc sầu riêng giống Monthong và Ri.6 hạt lép. Sau 7 năm trồng, đến nay, gia đình bà đã bắt đầu có thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm.

Bà Hoàng Thị Hiền cho biết: “Vườn cây sầu riêng của gia đình tôi đang phát triển khá tốt và cho thu hoạch 2 năm nay. Không chỉ trồng sầu riêng, gia đình tôi đang đầu tư trồng thêm các loại cây ăn quả khác. Việc phát triển mô hình chuyên canh trồng các loại cây ăn quả nói trên đã cho thu nhập ổn định, gia đình không còn khó khăn như mấy năm trước”.

Mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Sông Hinh đã đầu tư phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu. Ông Ma Nít ở xã Ea Bia là người đi đầu buôn Ma Sung nuôi bò lai, xây dựng chuồng trại để nuôi heo đàn. Mô hình nuôi heo của Ma Nít vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa mang lại giá trị kinh tế cao.

Không chỉ phát triển kinh tế của gia đình, ông Ma Nít còn hướng dẫn bà con trong buôn cách làm ăn, sẵn sàng giúp đỡ một số hộ khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Ông Ma Nít cho biết: Đến nay, ngoài chăn nuôi bò, heo, gia đình tôi còn trồng 2,5ha sắn, 2ha mía, 4 sào lúa nước và đã mua được cả máy cày, máy tuốt lúa để phục vụ sản xuất. Hàng năm, gia đình tôi thu nhập trung bình 150 triệu đồng từ trồng trọt, chăn nuôi nói trên.

Trước đây, gia đình chị Nay Hờ Đom ở buôn Ma Sung, xã Ea Bia cũng khó khăn như nhiều bà con khác trong buôn. Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, chị Nay Hờ Đom luôn trăn trở tìm hướng thoát nghèo. Để có cái ăn, cái mặc và nuôi con, hai vợ chồng chị đã không ngại gian khó, chăm chỉ khai hoang để trồng bắp, sắn, mía, các loại cây ăn quả và chăn nuôi bò.

Nhờ cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn, mô hình sản xuất của gia đình Nay Hờ Đom mang lại hiệu quả kinh tế cao và ngày càng phát triển với thu nhập trung bình hơn 150 triệu đồng mỗi năm. Chị Nay Hờ Đom chia sẻ: “Hồi trước khó khăn lắm, nhưng nay biết cách làm ăn nên gia đình đã có cuộc sống ổn định. Gia đình tôi đang canh tác hơn 10ha sắn, mía, bắp và nuôi 35 con bò, vài chục con heo đen, thu nhập tương đối ổn định, vui lắm”.

Tiếp tục nhân rộng

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Khoảng 5 năm trở lại đây, ở huyện Sông Hinh có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao. Là một địa phương trước đây chủ yếu canh tác cây lúa rẫy, đến nay diện tích lúa nước 2 vụ lên hơn 1.740ha; đặc biệt một số vùng khó khăn ở các xã như Ea Lâm, Ea Trol người dân rất phấn khởi khi có ruộng sản xuất lúa nước.

Cây công nghiệp ngắn ngày, trước đây ở địa phương chủ yếu trồng mè, đậu đỏ… thì nay đã chuyển đổi sang trồng khoảng 10.000ha sắn và gần 5.000ha mía. Ngoài ra, Sông Hinh luôn xác định cây công nghiệp dài ngày là mục tiêu chính trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên đến nay trên địa bàn có khoảng 4.000ha cây cao su và khoảng 700ha cà phê, tiêu, mắc ca và ca cao...

Huyện Sông Hinh cũng xác định phát triển vùng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao là mục tiêu lâu dài. Đến nay nhiều mô hình trồng cây ăn quả giống mới, giá trị cao đang phát triển mạnh như bưởi, cam, quýt, sầu riêng, bơ booth, mít thái, dừa, xoài… với diện tích khoảng 1.200ha. Hiện nay, một số mô hình đã cho kết quả tốt, người dân thu nhập bình quân khoảng 500 triệu đồng/ha/năm.

Trong chăn nuôi, bên cạnh việc duy trì số lượng và nâng cao chất lượng đàn bò, huyện đã đầu tư hơn 1,3 tỉ đồng để xây dựng 11 mô hình nuôi heo đen sinh sản bán heo sữa; 11 mô hình nuôi heo sinh sản; 10 mô hình chăn nuôi dê, cừu; 10 mô hình nuôi cá nước ngọt… và các mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả, huyện đang triển khai nhân rộng.

Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Những năm gần đây, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã chịu khó học hỏi, mạnh dạn đầu tư để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Huyện Sông Hinh tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, với quyết tâm đảm bảo lương thực, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hiệu quả. Huyện cũng đang tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông nội đồng, thủy lợi nhỏ và kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến nông, lâm sản để giải quyết sản phẩm đầu ra của bà con.

Sông Hinh đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng các mô hình nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

NGỌC LY - NGỌC NHƯ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/249100/manh-dan-dau-tu-de-phat-trien-kinh-te.html