Mạnh tay với quảng cáo thuốc lá trực tuyến
Theo một thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có 1,1 tỷ người hút thuốc trưởng thành trên toàn thế giới. Mỗi năm có ít nhất 8 triệu người tử vong do thuốc lá, trong đó có 1 triệu người không hút thuốc.
Những tác hại mà thuốc lá gây ra đối với phổi của người hút và không hút thuốc là như nhau. Do đó, Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đã đánh giá rất cao việc Indonesia cấm quảng cáo thuốc lá trực tuyến, coi đây là nỗ lực bảo vệ những người trẻ tuổi không bị phơi nhiễm với thuốc lá.
Tại Indonesia, có khoảng 66 triệu người hút thuốc, trong đó khoảng 66% là nam giới ở độ tuổi trưởng thành. Mỗi năm, hơn 230.000 người Indonesia tử vong do sử dụng thuốc lá, chiếm khoảng một nửa số ca tử vong do thuốc lá ở khu vực ASEAN.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Nila F. Moeloek cho biết tỷ lệ người trẻ tuổi hút thuốc (10 - 18 tuổi) ở nước này đã tăng từ 7,2% năm 2013 lên 9,1% năm 2018. Một nghiên cứu được thực hiện trong năm ngoái bởi London School of Public Relations tại 5 thành phố trên đảo Java của Indonesia cho thấy 10% số người không hút thuốc ở tuổi vị thành niên sẽ có xu hướng hút thuốc sau khi xem quảng cáo thuốc lá trên Internet. Hầu hết thanh thiếu niên được tiếp xúc với quảng cáo thuốc lá trên ứng dụng xem video YouTube, trang mạng chia sẻ hình ảnh Instagram, các trò chơi trực tuyến... Vì vậy, bằng cách chặn quảng cáo thuốc lá trên Internet, Indonesia kỳ vọng có thể giảm tỷ lệ hút thuốc, nhất là ở trẻ em.
Trên thực tế, các nhà sản xuất thuốc lá có rất nhiều chiêu trò để đưa thuốc lá đến gần với giới trẻ và người tiêu dùng. Như ở Mỹ, theo một nghiên cứu của hiệp hội y khoa nước này (AMA), khoảng 50% số video clip hip hop đình đám nhất được sản xuất ở xứ cờ hoa trong 5 năm qua có lồng các hình ảnh hút thuốc.
AMA cho rằng các video clip âm nhạc này là “môi trường” lý tưởng cho việc quảng cáo các loại thuốc lá như thuốc lá thường, thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá có thành phần cần sa. Tình trạng quảng cáo thuốc lá theo kiểu như vậy đang gia tăng ở Mỹ. Tính trong cả 5 năm qua, có khoảng 49 tỷ lượt người đã xem những video clip này.
Kể từ năm 2010, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã đề ra quy định bắt buộc các nhà sản xuất video clip âm nhạc khai báo trước về các hình ảnh liên quan tới sản phẩm thuốc lá mà họ được trả tiền để đưa vào nội dung clip. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với thuốc lá điện tử và không được phổ biến công khai. Các chuyên gia khuyến cáo các nhà lập pháp cần có các quy định mới phù hợp với thực tế đang diễn ra để kiểm soát tình trạng quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức, đặc biệt trong các video clip âm nhạc dành cho giới trẻ.
Trước thực trạng quảng cáo thuốc lá đáng lo ngại trên, Giám đốc Điều hành SEATCA, ông Ulysses Dorotheo, đã kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới, nhất là trong khu vực ASEAN, nên thiết lập và thực thi mạnh mẽ lệnh cấm quảng cáo thuốc lá trên tất cả các nền tảng truyền thông xã hội và kỹ thuật số. Chỉ khi các chính phủ cùng chung nhận thức, quyết liệt vì một thế giới không khói thuốc, cuộc chiến chống thuốc lá mới hy vọng có những bước chuyển đáng kể.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/manh-tay-voi-quang-cao-thuoc-la-truc-tuyen-599956.html