Mảnh vỡ tên lửa hạng nặng của Nga rơi không kiểm soát xuống Trái Đất

Mảnh vỡ tên lửa đẩy hạng nặng của Nga đã rơi trở lại bầu khí quyển Trái đất và đáp xuống Thái Bình Dương vào sáng sớm nay theo giờ VN.

Tên lửa đẩy hạng nặng Angara-A5 được phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk tại khu vực Arkhangelsk, Tây Bắc nước Nga từ ngày 27/12/2020. Đây là vụ thử nghiệm tầng tên lửa mới có tên Persei.

Tới ngày 5/1, Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ thông báo mảnh tên lửa Nga đã quay trở lại bầu khí quyển Trái đất vào 14h08 giờ MST.

Tên lửa đẩy hạng nặng Angara-A5 chuẩn bị được phóng từ cơ sở Plesetsk, Arkhangelsk vào ngày 24/12/2020. Ảnh - AP

Tên lửa đẩy hạng nặng Angara-A5 chuẩn bị được phóng từ cơ sở Plesetsk, Arkhangelsk vào ngày 24/12/2020. Ảnh - AP

Theo ông Holger Krag, người đứng đầu Văn phòng Mảnh vỡ Không gian của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, đáng lẽ tên lửa của Nga sẽ nằm trong không gian trong hàng ngàn năm nhưng gặp trục trặc, dẫn tới không thể tái khởi động và rơi trở lại bầu khí quyển Trái Đất.

Đến sáng nay 6/1, thông báo trên mạng xã hội Twitter, nhà thiên văn học kiêm chuyên gia theo dõi vệ tinh Jonathan McDowell ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonia xác nhận Persei đã rơi ở vị trí 121 độ kinh tây và 14 độ vĩ nam ở Nam Thái Bình Dương, nằm ở vùng biển trống phía Đông vùng Polynesia (Pháp).

Mảnh vỡ tên lửa Nga có trọng lượng khoảng 4 tấn khi không có nhiên liệu, nhẹ hơn so với tên lửa Long March 5B có trọng lượng 20 tấn của Trung Quốc rơi xuống Trái Đất hồi tháng 5, theo ông Krag.

Ông Krag cảnh báo, mỗi năm sẽ có trung bình 100-200 tấn rác thải không gian rơi trở lại bầu khí quyển Trái đất một cách không kiểm soát.

Hiện mới ghi nhận một trường hợp bị mảnh vỡ thiết bị vũ trụ va phải là một phụ nữ sinh sống tại Texas vào năm 2017 nhưng người này may mắn sống sót sau sự việc.

Hoàng Anh (Theo CNN)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/manh-vo-ten-lua-hang-nang-cua-nga-roi-khong-kiem-soat-xuong-trai-dat-d538320.html