Mất cân bằng giới tính khi sinh: Nhiều thanh niên có nguy cơ khó lấy được vợ

Tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đang ngày một tăng cao. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến năm 2034, Việt Nam sẽ có khoảng 1,5 triệu nam thanh niên không lấy được vợ.

Mất cân bằng giới tính, nhiều thanh niên có nguy cơ khó lấy được vợ. Ảnh: Internet

Mất cân bằng giới tính, nhiều thanh niên có nguy cơ khó lấy được vợ. Ảnh: Internet

Tại Phú Yên, tình trạng mất cân bằng giới tính cũng đang diễn ra, nhiều thanh niên lớn tuổi vẫn độc thân. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu không kết hôn, lúc về già, họ sẽ không có người bầu bạn, không có con cháu quây quần giúp đỡ, yêu thương.

Ngoài 30 tuổi vẫn ở vậy nuôi thân

Theo Bộ Y tế, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước, nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra cả thành thị và nông thôn. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tại Việt Nam, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn mức cao, 112 bé trai/100 bé gái. Từ đó dẫn đến việc nam giới trẻ tuổi sẽ bị thừa so với nữ giới.

Tổng cục DS-KHHGĐ nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính là nhiều gia đình muốn sinh con trai để nối dõi. Mặc dù các cơ quan chức năng, tổ chức, xã hội đã và đang đẩy mạnh việc tuyên truyền về bình đẳng giới, tuy nhiên đâu đó vẫn còn không ít người có tư tưởng thích sinh con trai để nối dõi. Điều này gây ra rất nhiều hệ lụy như mất cân bằng giới tính, áp lực, căng thẳng cho chính người phụ nữ.

Tại Phú Yên, tình trạng mất cân bằng giới tính cũng đang diễn ra. Năm 2023, tỉ số giới tính khi sinh là 107,9 bé trai/100 bé gái, giảm 0,14 điểm phần trăm so với năm trước. Các chuyên gia ngành Y tế cho rằng, một trong những hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính là nhiều nam giới phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời.

“Gia đình tôi có 3 anh em (2 trai, 1 gái), tôi là con trai đầu nên khá áp lực chuyện lập gia đình. Ba má tôi hối chuyện cưới vợ từng ngày. Tôi cũng nhờ mai mối để lập gia đình. Nhà cửa đàng hoàng, tài chính cũng khá nhưng tôi vẫn chưa tìm được bạn đời”, anh T.V.Đ (33 tuổi), ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An) tâm sự.

Nhiều bà mẹ cũng đứng ngồi không yên vì lo con trai ế vợ. Nhà có 2 người con, trong đó có một người con trai duy nhất nhưng chưa lập gia đình, bà Nguyễn Thị Phương (67 tuổi, ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân) không khỏi sốt ruột.

“Con gái tôi đã lập gia đình và có cháu rồi nhưng thằng con trai duy nhất, 33 tuổi vẫn ởvậy nuôi thân. Ở quê tuổi đó đã yên bề gia thất mà con tôi vẫn chưa lập gia đình nên tuổi già tôi rất lo. Con gái thì hiếm mà thanh niên chưa vợ thì nhiều, tôi tính trong thôn có 5 đứa trai cùng trang lứa với nó chưa vợ”, bà Phương chia sẻ.

Không có con cháu quây quần yêu thương

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Anh Khoa, giảng viên Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những lý do khiến nam giới kết hôn muộn có thể vì áp lực tài chính. “Nam giới vốn dĩ là trụ cột của gia đình, từ đó ảnh hưởng đến quyết định kết hôn của họ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số trường hợp không muốn kết hôn vì họ chưa sẵn sàng bước vào hôn nhân. Vì khi đã kết hôn, nam giới phải có nhiều trách nhiệm hơn với gia đình hai bên và bạn đời của mình”, ông Khoa cho hay.

Còn theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Trường đại học Văn Lang, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nam giới ế vợ, khó kết hôn và mất cân bằng giới tính chỉ là một trong số đó. Hiện nay, do tỉ lệ nam giới và nữ giới đã mất sự cân bằng nên việc lựa chọn đối tượng kết hôn cũng mang tính cạnh tranh rất cao. Như thế, muốn tăng cơ hội tiến tới hôn nhân thì bản thân mỗi người nam cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng và thái độ thật tốt.

Việc nam giới khó kết hôn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội. Bà Lưu cho biết một trong những vai trò của hôn nhân là để duy trì nòi giống và tái cấu trúc xã hội. Cho nên việc người trẻ không kết hôn, trước mắt sẽ gây khó khăn cho xã hội về việc đảm bảo nguồn lao động trẻ trong tương lai. Không kết hôn, có thể lúc về già, họ sẽ không có người bầu bạn, không có con cháu quây quần giúp đỡ, yêu thương.

Theo Sở Y tế, trong thời gian đến, việc đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên (103-105 bé trai/100 bé gái) còn nhiều thách thức cho công tác dân số. Theo ông Huỳnh Lê Xuân Bích, Phó Giám đốc SởY tế, thời gian đến, sở chỉ đạo các địa phương thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về công tác dân số trong tình hình mới đã được UBND tỉnh phê duyệt đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả. Theo đó, tỉnh duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số; chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, đặc biệt là chất lượng dân số.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/321944/mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh--nhieu-thanh-nien-co-nguy-co-kho-lay-duoc-vo.html