Mắt đêm

Gian thờ không thắp điện. Chỉ có thứ ánh sáng leo lét hắt ra từ hai cây nến cháy dở. Bà ngồi lặng hàng giờ trên cái nệm tròn, tay lần tràng hạt, miệng không ngừng đọc làu làu bài chú Đại bi. Những câu kinh Phật thoát ra từ tâm có khiến bà nhẹ lòng hơn không? Mọi đau khổ, bất hạnh của kiếp người sẽ được hóa giải chăng?

Bà chẳng biết nữa nhưng ngày nào bà cũng tụng kinh niệm Phật. Bởi, bà tin đứa con trai duy nhất chưa từng rời xa bà. Nó đã hứa chăm sóc bà cả đời này. Nó nói bà có tuổi rồi nên nghỉ ngơi, dưỡng già, không cần buôn thúng bán thùng nữa. Từ ngày chồng mất, bà vò võ ở vậy mấy mươi năm, ngược xuôi chạy chợ nuôi con khôn lớn.

Lần nào từ đơn vị về, nó cũng ôm vai bà thủ thỉ sẽ tìm một cô con dâu ngoan hiền cho mẹ. Bà cố nhớ đã bao lâu rồi nó chưa ghé qua nhà. Ngày nó học hết cấp ba, bà muốn nó thi vào trường kỹ thuật nhưng thằng bé quyết tâm lắm. Nó muốn được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh.

Bà tụng kinh đến khi mờ nhòe hai mắt, đầu gối mỏi nhừ mới chịu đứng dậy. Bà nghe loáng thoáng có tiếng cười giòn tan dưới cổng nhà. Bà bước đến mở cửa sổ. Trăng lấp ló đầu hồi thả những chùm sáng nhỏ trên tán cây bưởi trước sân. Gió nhè nhẹ thổi đưa hương hoa bưởi thoang thoảng trong không gian tĩnh lặng.

Cái Liên ngước lên thấy mẹ, gấp gáp gọi thật to, bảo bà ở yên trên gác như thể sợ bà mắt mờ chân chậm, đi không nổi, đứng không vững. Thấp thoáng phía sau, dáng người thanh niên cao lớn dắt xe máy vào cổng. Bà sững người. Thằng con trai của bà đó chăng? Cái giọng khàn khàn gọi mẹ vang lên. Bà quýnh quáng mừng, nước mắt tự dưng chảy. Bà vội lần bước xuống được hai bậc thang thì đôi bàn tay rắn chắc đỡ lấy bà. Bà đưa tay khẽ khàng vuốt lên gương mặt khôi ngô rồi ôm chặt nó. Nó vẫn cao lớn như trước nhưng da dẻ sạm đen đi nhiều.

Bà trách nó trực gì triền miên đến nỗi không tranh thủ về thăm mẹ, thăm em. Thằng nhỏ cười, xin lỗi mẹ rối rít. Bà ngồi xuống ghế. Hôm nay hai đứa về đông đủ bà phải nói, nói cho hết mong mỏi của bà. Bao giờ thì hai anh em chúng bây mới yên bề gia thất để mẹ yên lòng? Bà muốn bế cháu rồi, muốn được nghe tiếng trẻ con bi bô, muốn căn nhà lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười. Bà thèm, thèm lắm cảnh mấy mẹ con, bà cháu ngày ngày sum vầy.

Nghe bà nói, hai anh em nhìn nhau tủm tỉm cười. Bà nghiêm mặt. Lạ thật đấy, chúng bây cứ coi chuyện dựng vợ gả chồng như chuyện chơi. Cái Liên ôm vai mẹ. Thằng con trai nắm tay bà thủ thỉ. Bà ngỡ ngàng nhìn hai đứa nó. Sao cơ? Cái điều bà vừa nghe như sét đánh ngang tai. Giời cao, đất dày ơi! Tim bà ức nghẹn. Bà cứ thế chìm dần trong mớ hỗn độn.

*

Ngày có quyết định chuyển chuyên nghiệp, lòng Kiên xốn xang. Thứ cảm xúc vừa vui sướng, vừa lạ lẫm của chàng thanh niên nuôi ước mơ trở thành chiến sĩ Công an. Kiên thắt chặt dây giày. Hôm qua mới được phát quân trang, giày mới mà đi rộng quá. Thắt kiểu gì vẫn rộng, thế này làm sao mà chạy nhanh được. Có tiếng quát lớn. Là chỉ huy tiểu đội. "Nhanh lên! Còn làm gì mà chưa ra tập trung. Lính cơ động chậm như sên thế thì cơ động thế nào được".

Cương gặp Kiên lần đầu tiên ở Trung đoàn Cảnh sát cơ động thành phố. Hai anh em cùng một đại đội. Cậu chàng hơn Cương hai tuổi nhưng lính tuổi quân, dân tuổi đời. Kiên nhập ngũ sau Cương một năm. Phải gọi anh Cương đấy. Kiên gật gật. Cương hay trêu đùa Kiên da trắng thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ thế kia hợp đút chân gậm bàn chứ vào lính cơ động chống được mấy bữa. Môi trường cơ động phải khổ luyện, phơi nắng phơi sương, tập chiến thuật, võ thuật rền rã, trực cả tháng về nhà một lần. Kiên mỉm cười, lại gật. Cương đến phát bực, gắn luôn cho Kiên cái biệt danh Kiên "gật". Nói gì hắn cũng chỉ gật gù. Anh em trong đại đội cười ồ lên. Cái thằng Cương cậy lính cũ bắt nạt lính mới đây mà.

Minh họa: Hà Huy Chương

Minh họa: Hà Huy Chương

Cương thấy không hợp được người mới đến như Kiên. Lính cơ động nhất định phải ăn to nói lớn, nhìn người phải rắn rỏi, khỏe mạnh. Chứ nói gì cũng ậm ừ thì không được rồi, chẳng làm nên trò trống gì. Cương khác hẳn Kiên. Da bánh mật, rám nắng gió thao trường. Cương mạnh mẽ, quyết đoán. Ở cùng một đại đội, sinh hoạt chung, ăn chung, ngủ chung, Cương mới dần dà hiểu và quý mến con người Kiên. Đâu cứ phải ồn ào, ầm ĩ mới là mạnh mẽ. Con người ta trải qua thử thách, trải qua rèn luyện mới ngày càng trưởng thành, mới thấy được những điều đáng quý tiềm ẩn bên trong con người.

Cương và Kiên thân nhau từ khi nào chẳng biết. Hai đứa coi nhau như anh em một nhà, có chuyện gì cũng chia sẻ cùng nhau. Cương vẫn ghen tị với Kiên có một mái ấm gia đình đúng nghĩa. Một người mẹ hết mực yêu thương, một đứa em gái ngoan ngoãn luôn chờ đợi Kiên. Cương không còn gia đình. Bố mẹ Cương mất trong một tai nạn giao thông năm Cương mười lăm tuổi. Cương ở cùng bà ngoại. Ngày Cương nhập ngũ cũng là ngày bà rời xa Cương về với đất. Cương khát khao có một gia đình chờ đợi Cương về ăn cơm sau biết bao ngày trực. Cương cắm chốt ở đơn vị ngày qua tháng, tháng qua năm. Có lẽ, chỉ Kiên mới biết một chỉ huy tiểu đội mạnh mẽ, quyết đoán, giọng lúc nào cũng sang sảng lại là cái thằng Cương hay tủi thân nghĩ ngợi, thích một mình gặm nhấm những nỗi buồn sâu thẳm.

Đơn vị là nhà của Cương, anh em đồng nghiệp là người thân của Cương. Vậy, Kiên sẽ là ruột thịt với Cương. Gia đình của Kiên cũng là gia đình của Cương. Cương nhớ rõ lắm như mới ngày hôm qua thôi. Những lời chân tình của Kiên vẫn còn vang vang đâu đây bên tai.

Bóng nắng đu đưa trên đầu. Gió lướt qua, lá cờ đỏ bay bay trong gió. Cương cố lắng tai nghe trong tiếng gió giọng thủ thỉ của Kiên, hơi thở của Kiên, nhìn qua bóng nắng ánh mắt ngầu đỏ mà đầy kiêu hãnh của Kiên giữa một vùng tối sáng lập lòe. Cương nhớ lắm từng điệu bộ, cử chỉ của Kiên. Kiên chưa từng ra đi. Kiên vẫn ở đâu đây, cùng cười, cùng khóc với Cương, nhìn thấu những nỗi buồn của thằng con trai ngoài hai mươi tuổi không gia đình. Kiên đến đập vào vai Cương mà rằng thằng quỷ lại bị gái bỏ rồi phải không. Người yêu đầu của Kiên chê lính cơ động nghèo, ba cọc ba đồng, không đủ nuôi vợ con. Kiên chia tay không luyến tiếc. Với Kiên, cái nghề mình đã chọn là thiêng liêng, cao quý. Những người không trân trọng đâu cần Kiên phí tâm sức. Lính cơ động tìm người yêu nhọc hơn phạt phơi nắng, khó hơn diễn tập phương án tác chiến.

Đến cô người yêu thứ ba chia tay Cương, Kiên cười sằng sặc nói Cương tán gái ở đâu xa xôi, Kiên để dành đứa em gái cho Cương đấy. Cương có bản lĩnh làm em rể Kiên không? Nếu tán em gái Kiên phải xác định nghiêm túc, phải qua cửa ông anh là Kiên. Muốn qua cửa Kiên dễ ẹc, chỉ cần giặt quần áo, giặt tất, đánh giày cho Kiên chứ quần áo, tất của lính gần tuần mới giặt có lần, hôi lắm, giày lâu không đánh xi, đi mòn vẹt cả rồi. Ừ, vậy để Cương đầu tư vào ông anh xem có kết quả gì không. Hai thằng cùng cười một trận đã đời. Lính cơ động quý mến nhau bởi cái tình, vô tư, thoải mái trêu đùa nhau chứ riêng về cái khoản chịu khó Kiên hơn Cương là cái chắc rồi. Nhìn cái dáng Kiên cặm cụi là quần áo diễn tập phẳng phiu đủ biết Kiên chu đáo thế nào. Anh em trong phòng vẫn nói chuyện với nhau đứa con gái nào lấy được Kiên thì sướng phải biết.

Mẹ Kiên coi Cương như con trai trong nhà. Lần nào hai đứa về là y rằng bà với con gái chuẩn bị biết bao món ngon. Bà bảo lính cơ động tập luyện vất vả, phải ăn mạnh vào mới đủ sức khỏe. Cương nhớ món nộm vó cần ngon trứ danh của bà, thèm cái miếng bánh đúc, cái vị tương bần từ tay bà làm. Bà gói ghém đủ thứ đồ để hai thằng đem vào đơn vị. Lần đầu tiên sau ngày những người thân yêu rời xa Cương, Cương tìm lại được thứ cảm giác thân thương, gần gũi. Mỗi lần bước vào căn nhà hai tầng đã bạc màu, Cương thấy bình yên lắm. Thời gian đầu, Cương coi Liên như đứa em gái. Liên không quá xinh xắn nhưng tính cách mạnh mẽ, hoạt bát, hay nói, hay cười. Cái cười rất duyên, sáng bừng cả gương mặt góc cạnh cá tính. Con bé khá giống tính Cương.

Có lần Liên choàng tay ôm vai bá cổ Cương, ghì xuống nhõng nhẽo đòi cuối tháng đi dã ngoại cùng các anh. Kiên lườm nó suồng sã, không giống con gái gì hết. Cứ vồ vập thế đàn ông chạy mất dép, ai thèm yêu. Cương cười ngoác miệng. Cái Liên coi Cương như người nhà, người anh giống như Kiên mới hành động vô tư vậy. Cương thoải mái đón nhận những tình cảm quá đỗi chân thành. Mấy anh em đã lên kế hoạch sẵn sàng cho chuyến đi một ngày một đêm. Cương ngóng từng ngày.

Kiên tỏ vẻ dửng dưng làm Cương đâm bực. Đợt huấn luyện tác chiến nâng cao của năm nay còn vài ngày nữa là kết thúc rồi. Hai đứa đã đề xuất lãnh đạo đồng ý cho nghỉ một ngày. Tập luyện quanh năm ngày tháng cũng cần phải xả hơi chứ. Kiên trầm ngâm nói rằng mấy lần không trực, về nhà rồi, chưa kịp ăn cơm thì đơn vị gọi triệu tập gấp tham gia chuyên án. Dấn thân vào nghiệp nhà binh là thế. Lính cơ động kỷ luật thép, tính chiến đấu cao, được đào tạo bài bản, chính quy, tinh nhuệ. Khi có công việc đột xuất phải có mặt kịp thời, nhất định không được chậm trễ.

Cương không nhịn cười được. Cái thằng Kiên "gật" thư sinh trắng ởn hồi chân ướt chân ráo mới vào mà giờ trưởng thành gớm, nói chuyện như đang trong buổi diễn tập. Tiểu đội trưởng như Cương xin chào thua. Hết giờ rèn luyện rồi cứ nói chuyện bình thường cho Cương nhờ. Kiên cũng cười tươi rói. Phải xem xét lại tác phong điều lệnh của tiểu đội trưởng. Cả tối ấy, Kiên ngồi đàn ghi-ta hát cho mọi người nghe. Kiên hát hay, cây văn nghệ của đơn vị đấy. Cương thích nhất bài "Đồng đội", đòi Kiên hát đi hát lại. Anh em đơn vị xúm xít vây quanh nghe Kiên hát. Đời lính vui thế, đơn giản thế thôi.

Cuối tháng đó, chuyến đi đã không diễn ra như kế hoạch. Gần đến ngày nghỉ, đơn vị thông báo trực đột xuất. Cương không muốn nghĩ tiếp nữa. Cương ngồi thụp xuống bãi cỏ, ớn lạnh. Một cảm giác đau đớn dữ dội xâm chiếm cả cơ thể. Cương nghe rõ tiếng đại đội trưởng quát lớn yêu cầu chỉ huy tiểu đội dàn đội hình chuẩn bị diễn tập.

Nhưng, trước mắt Cương những kí ức đau thương dội về.

Tiếng còi báo động réo liên hồi. Tiếng chỉ huy hô qua loa. Tiếng bước chân chạy rầm rầm khắp các hành lang, bước nhanh lên hai cái xe thùng đã đậu sẵn trên sân chào cờ. Toàn bộ Trung đoàn Cảnh sát cơ động được trang bị công cụ hỗ trợ tham gia triệt phá chuyên án ma túy quy mô lớn của Công an thành phố.

Đêm nhợt nhạt, lành lạnh. Trăng mờ, lẫn vào mây.

Các đối tượng buôn ma túy manh động, liều lĩnh. Chúng có vũ khí sẵn sàng bắn trả lực lượng Công an. Khi được lệnh xuất kích, tiểu đội của Cương dò đường tiến về phía trước. Tiếng lá khô dưới chân lạo xạo. Rất nhiều đạn bắn ra. Người trúng đạn là Cương nếu như không có một bàn tay đẩy Cương ra. Viên đạn găm trúng ngực Kiên. Ngay sau đó một loạt tiếng súng nổ rền rĩ xé toạc đêm. Các tổ mật phục từ bốn phía đồng loạt tiến lên.

Cương hét không thành tiếng, đỡ lấy thân hình cao lớn ngã vào vòng tay Cương. Trăng đêm tím bầm, lừng lững nhô ra từ những vằn mây. Máu đã chảy ướt đầm ngực áo Kiên. Cương áp sát vào cơ thể đang lạnh dần của Kiên, nghe Kiên thủ thỉ. Cương sẽ thay Kiên thực hiện mọi mơ ước dang dở. Kiên mỉm cười trìu mến nhìn Cương cùng anh em đồng đội rồi từ từ nhắm mắt.

Cương luôn tự dằn vặt mỗi lần nghĩ đến Kiên. Giá như có phép màu nào đó đừng để vết thương trên ngực Kiên rỉ máu. Giá như Cương có thể làm ấm lại cơ thể lạnh ngắt của Kiên. Kiên còn mẹ già. Cương không muốn nhìn mẹ mãi đau khổ. Cương từng rất quen với tiếng còi báo động giữa đêm. Từ sau cái ngày định mệnh ấy, mỗi lần nghe tiếng còi báo động đều khiến Cương rùng mình. Buổi tập luyện phải tạm dừng. Đại đội trưởng vẫy Cương vào trong lán ngồi nghỉ, vỗ vai động viên. Cả đơn vị ai cũng biết Cương vẫn ám ảnh bởi sự ra đi của Kiên. Nhưng, chuyện đã qua mấy năm rồi. Cương phải mạnh mẽ hơn.

*

Giữa hàng dài xe cộ, giữa lố nhố người đông đúc, bà gặp cái dáng dong dỏng cao lớn ngay phía trước, gần lắm. Bà nhìn rất rõ những vệt chàm dài sau gáy. Đúng là thằng con trai của bà. Nó mặc bộ quân phục màu xanh, trên vai có những ngôi sao sáng lấp lánh. Bà tấp tởi quẩy quang gánh chạy theo. Bà càng gọi nó càng chạy nhanh hơn. Kiên à! Nó không ngoảnh lại, bước gấp gáp lên cái xe thùng, đi khuất.

Bà rơi cả quang gánh, đứng chơ vơ giữa đường. Ngay lúc ấy, tiếng gọi mẹ trầm trầm vang lên sau lưng. Bà quay nhìn. Ngực thằng Kiên đầm đìa máu. Bà hốt hoảng. Đau lắm phải không con? Để mẹ lau khô vết máu, đắp lành vết thương cho con. Từ nhỏ tới lớn, mỗi lần con không cẩn thận bị đứt tay, sứt cái móng chân, bong chút da thôi là lòng mẹ quặn thắt. Nhưng, thằng bé không nói năng chi, chỉ cười rất tươi. Bà muốn ôm chặt nó nhưng nó vẫy tay chào mẹ. Kiên ơi! Bà khuỵu xuống.

Sương khói mờ ảo chờn vờn quanh. Bà tưởng chừng kiệt sức thì lại có giọng nói khàn khàn gọi mẹ. Bà khấp khởi mừng: "Kiên đó hả con?". Bà đến gần hơn, muốn nhìn thật rõ. Vẫn là cái dáng cao lớn nhưng không có những vết chàm dài sau gáy. Chàng trai trẻ với nước da rám nắng, gương mặt vuông chữ điền quay lại, ôm bà thật chặt, nói: "Mẹ ơi! Con sẽ thay Kiên chăm sóc mẹ". Là thằng Cương đấy ư? Cái thằng nhỏ bà vẫn thương như đứa con máu mủ. Bà hiểu ra rồi. Bà vừa đập vào lưng nó vừa khóc nấc.

Liên bước vào phòng bệnh, thấy mẹ vẫn thiêm thiếp ngủ. Thi thoảng bà quờ tay rồi nói mê man. Liên ứa nước mắt thương mẹ. Liên đặt cặp lồng cháo còn bốc hơi nghi ngút xuống kệ tủ rồi lau mồ hôi rịn đầy trên trán mẹ. Cả ngày chạy đi chạy lại giữa bệnh viện và cơ quan, cô mệt rã rời. Mẹ mắc chứng tâm thần, lúc nhớ, lúc quên. Quên nhiều hơn là nhớ. Nhưng, như thế Liên thấy tốt hơn. Khi nhớ, mẹ nhất định ôm ảnh anh Kiên gào khóc không thôi, rũ rượi, quằn quại. Liên không thể chịu đựng được cái cảm giác đau đớn ấy. Khi quên, mẹ ngồi cả ngày tụng kinh niệm Phật. Mẹ hỏi bao giờ thằng Kiên về, bao giờ nó cho mẹ bồng cháu. Mỗi lần nhìn thấy anh Cương, mẹ vui hẳn lên. Mẹ luôn miệng nói thằng Kiên của mẹ đây rồi. Mấy năm nay, Liên hiểu Cương đã thay anh Kiên chăm sóc mẹ con Liên.

Liên nhớ trước ngày anh Kiên hy sinh, chuyến đi dã ngoại đã không thực hiện được. Liên hụt hẫng nói sẽ chẳng bao giờ lấy một anh lính cơ động, chỉ trực suốt ngày, không có thời gian dành cho bản thân. Mẹ động viên Liên con gái lớn rồi không nên nhõng nhẽo, phải hiểu cho công việc của các anh. Là Liên dỗi, nói vậy thôi chứ thực lòng Liên mến Cương từ lần đầu tiên gặp. Hai đứa tính chuyện sửa nhà, tổ chức đám cưới. Nhưng, nhìn mẹ, Liên đau lòng quá. Liên nghĩ rồi. Đợi Cương đến Liên sẽ nói chuyện. Cứ để mẹ nghĩ Cương là anh Kiên đi, cả đời này. Còn hạnh phúc của hai đứa... thì sao? Liên cố ngăn đi những giọt nước mắt trực trào trên má. Liên mải nghĩ, không để ý Cương đã đến bên cô từ lúc nào. Liên se sẽ gục trên cánh tay rắn chắc của Cương, muốn nói hết những chất chứa trong lòng. Cương tranh thủ ghé qua thăm mẹ, gặp Liên một lát rồi về đơn vị. Đêm nay Trung đoàn Cảnh sát cơ động phải tăng cường lực lượng. Anh lại đi chuyên án gì thế, có nguy hiểm không? Liên hỏi. Cương cười. Chỉ là đi tuần tra thôi. Cương không thể để Liên lo lắng. Dẫu có bất cứ hiểm nguy gì, người lính cũng sẵn sàng đối mặt.

Bà mở mắt mấy lần. Cái dáng người cao lớn, vạm vỡ nhưng không có những vết chàm dài sau gáy đứng bên giường bệnh. Bà nghe hết. Bà biết hết. Bà không muốn làm chúng nghĩ ngợi nhiều hơn. Bà nuốt nước mắt vào trong. Hai đứa nó nhất định hạnh phúc. Thấy hai đứa ngó sang, bà giả vờ nhắm mắt.

Cương dặn Liên gắng chăm sóc mẹ rồi quay người định bước đi thì giọng nói nghèn nghẹn lướt qua tai: "Cương!". Cương ngồi thụp xuống, nắm chặt tay mẹ, thấy lòng mình nhẹ bẫng. Đôi bàn tay mẹ gầy guộc, nhăn nheo, nổi đầy gân xanh. Bà kéo tay Liên đặt trên tay Cương. Liên cười mà nước mắt tràn mi. Những bàn tay đang nắm chặt bàn tay.

Ngoài kia gió rít vù vù. Cương đã đi khuất, lẫn vào dòng người xe hối hả. Phía sau khung cửa sổ, có ánh nhìn tràn đầy yêu thương của hai người phụ nữ trông theo. Trăng lên. Một đêm trăng mờ ảo, lành lạnh, lẫn vào mây. Nhưng, thành phố thì rực sáng ánh đèn...

Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Bích

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/mat-dem-i744419/