Mất khứu giác do COVID-19 có liên quan đến tổn thương não

Ảnh minh họa. Nguồn: Esquire.com

* Mối liên quan giữa COVID-19 và khả năng sinh sản của nam giới

Rối loạn khứu giác là triệu chứng đặc trưng để nhận biết khi mắc COVID-19. Một nghiên cứu được công bố ngày 11/4 trên JAMA Neurology chỉ ra rằng COVID-19 có thể gây tổn thương cho người bệnh ở phần não bộ có liên quan đến khứu giác.

Đây được cho là lời giải thích hợp lý về chứng mất khứu giác kéo dài sau khi mắc COVID-19 mà 1,6 triệu người Mỹ hiện nay đang mắc phải.

Theo nghiên cứu trên, những người mắc bệnh COVID-19 có nguy cơ cao bị tổn thương các mạch máu và sợi trục thần kinh - các phần của tế bào thần kinh truyền tín hiệu đến các tế bào khác - trong hệ khứu giác của họ, cũng như vùng não bộ có chức năng nhận biết mùi hương.

Nghiên cứu được thực hiện đối với 23 bệnh nhân COVID-19 đã qua đời và một nhóm đối chứng gồm 14 người đã qua đời mà không mắc COVID-19.

Kết quả cho thấy ở các bệnh nhân mắc COVID-19, tình trạng thoái hóa sợi trục thần kinh có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn tới 60%, trong khi tổn thương các vi mạch máu nghiêm trọng hơn khoảng 36%.

Các bệnh nhân COVID-19 cũng cảm nhận rõ về tình trạng rối loạn khứu giác. Tuy nhiên, những người có các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng lại không có dấu hiệu bị tổn thương các tế bào thần kinh và các mạch máu cực nhỏ ở vùng khứu giác.

Theo tác giả của nghiên cứu, các tổn thương sợi trục thần kinh quan sát được ở một số bệnh nhân cho thấy tình trạng mất khứu giác do COVID-19 gây ra có thể diễn biến nghiêm trọng và thậm chí không thể phục hồi.

Hiện chưa rõ COVID-19 gây mất khứu giác của bệnh nhân bằng cách nào. Giới khoa học cho rằng tình trạng này có thể trực tiếp do căn bệnh COVID-19 gây ra hoặc là hệ quả gián tiếp của các triệu chứng như viêm mũi.

Trong khi một giả thuyết cho rằng virus xâm nhập các tế bào thần kinh liên quan khứu giác thông qua màng nhầy, thì cũng có bằng chứng đối lập về việc liệu virus có thể lây lan sang các loại tế bào thần kinh này hay không.

Trong nghiên cứu được đăng trên JAMA Neurology, các nhà nghiên cứu kết luận tổn thương khứu giác không phải do virus SARS-CoV-2 trực tiếp gây ra mà có thể do tình trạng viêm nhiễm sau khi mắc COVID-19 gây ra trong hệ khứu giác.

Theo Nghiên cứu về triệu chứng COVID-19 - một sáng kiến sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh để thu thập dữ liệu sức khỏe của khoảng 4,7 triệu người ở Vương quốc Anh và Mỹ, mất khứu giác là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của COVID-19, ảnh hưởng đến 60% số bệnh nhân từ 16 đến 65 tuổi.

Đối với những bệnh nhân bị mất khứu giác lâu dài, các phương pháp điều trị đang được thử nghiệm khá đa dạng, như đặt miếng bọt biển làm ẩm huyết tương lên mũi, hay dùng camostat mesylate - một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm tuyến tụy.

Tuy nhiên, rất khó để đưa ra kết luận chắc chắn về hiệu quả của các phương pháp điều trị này, do cơ chế ức chế mùi của COVID-19 chưa được hiểu rõ và ở nhiều trường hợp, tình trạng mất mùi do COVID-19 có thể tự cải thiện theo thời gian.

Các nhà khoa học hy vọng rằng những nghiên cứu về tác động của COVID-19 đối với khứu giác cũng có thể làm sáng tỏ cách thức khác mà căn bệnh này ảnh hưởng đến não.

* Trong một nghiên cứu khác, rất nhiều người bình phục sau khi mắc COVID-19 đang gặp phải các triệu chứng lâu dài như sương mù não hoặc các vấn đề tim mạch. Không chỉ vậy, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy virus có thể làm giảm khả năng sinh sản.

Mới đây, các nhà nghiên cứu Ấn Độ vừa công bố kết quả phân tích protein trong tinh dịch của những người đàn ông đã bình phục sau khi mắc COVID-19. Kết quả cho thấy ngay cả mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ hoặc trung bình cũng có thể làm thay đổi lượng protein liên quan đến chức năng sinh sản của nam giới.

Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Ấn Độ và Bệnh viện Jaslok nêu rõ mặc dù virus SARS-CoV-2 chủ yếu ảnh hưởng đến hệ hô hấp, virus và phản ứng của cơ thể, song virus này cũng gây tổn hại tới các mô khác.

Bằng chứng gần đây cho thấy mắc COVID-19 có thể làm giảm khả năng sinh sản của nam giới và virus SARS-CoV-2 đã được tìm thấy trong các cơ quan sinh sản của nam giới.

Để có thể hiểu rõ việc mắc COVID-19 có thể ảnh hưởng lâu dài đến hệ sinh sản của nam giới hay không, các nhà khoa học đã quyết định so sánh mức protein trong tinh dịch của những người đàn ông khỏe mạnh và những người từng mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ hoặc trung bình.

Cụ thể, họ đã phân tích mẫu tinh dịch của 10 người đàn ông khỏe mạnh và 17 người đàn ông vừa bình phục COVID-19. Không ai trong số những người đàn ông, trong độ tuổi từ 20-45, có tiền sử vô sinh trước đó. Kết quả cho thấy lượng protein và khả năng di chuyển của tinh trùng giảm đáng kể ở những người đàn ông bình phục khỏi COVID-19 và so với những không mắc COVID-19, những người bình phục có ít tinh trùng có hình dạng bình thường hơn.

Khi phân tích các protein trong tinh dịch bằng phương pháp sắc ký lỏng khối phổ, các nhà khoa học đã tìm thấy 27 protein ở mức độ cao và 21 protein ở mức độ thấp ở những người đã bình phục khỏi COVID-19 so với nhóm đối chứng.

Nhiều protein này tham gia chức năng sinh sản. 2 trong số các protein liên quan đến chức năng sinh sản, gồm semenogelin 1 và prosaposin, có trong tinh dịch của những người đã bình phục COVID-19 với hàm lượng thấp hơn 50% so với nhóm đối chứng.

Các nhà nghiên cứu khẳng định những phát hiện này cho thấy virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe sinh sản của nam giới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nêu rõ do đây là nghiên cứu sơ bộ, nên vẫn cần có thêm những nghiên cứu sâu hơn để làm rõ hơn những phát hiện này.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/273217/mat-khuu-giac-do-covid-19-co-lien-quan-den-ton-thuong-nao.html