Mất nhà, ôm nợ vì hợp đồng công chứng giả
Tài sản đang thế chấp tại ngân hàng vẫn bị đem ra mua bán bởi hợp đồng công chứng giả mạo. Có dấu hiệu tiếp tay từ phía ngân hàng...
Trong đơn gửi đến Báo Người Lao Động mới đây, bà Nguyễn Thị Mỹ (ngụ quận 6, TP HCM) bức xúc về việc căn nhà của bà đang thế chấp tại ngân hàng, bỗng dưng bị đem ra bán.
Giả chữ ký, dấu vân tay
Theo bà Mỹ, cuối năm 2019, bà thế chấp căn nhà số 1051/4C Hậu Giang, phường 11, quận 6, TP HCM tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Chi nhánh Tân Bình (Vietcombank Tân Bình) để vay 15 tỉ đồng. Trong quá trình vay, bà Mỹ luôn trả nợ gốc và lãi đúng hạn. Đến tháng 9-2023, bà rao bán căn nhà nói trên để tất toán số tiền vay của Vietcombank.
Bất ngờ, khi làm thủ tục bán nhà, bà Nguyễn Thị Mỹ phát hiện có một hợp đồng công chứng đặt cọc 11 tỉ đồng để mua căn nhà của bà. Hợp đồng này được ký ngày 29-11-2021 tại Phòng Công chứng số 7 (quận 6, TP HCM) với nội dung bên đặt cọc là ông Nguyễn Hoàng Lam Đô, bên nhận đặt cọc là bà Nguyễn Thị Mỹ, giá trị mua căn nhà là 25 tỉ đồng (!?).
Lập tức, bà Mỹ thông báo cho Vietcombank Tân Bình biết vụ việc. Đồng thời, đề nghị Vietcombank Tân Bình cùng tố cáo đến công an, song đơn vị này từ chối.
Quá hoang mang, tháng 10-2023, bà Mỹ nộp đơn tố cáo vụ việc đến Công an quận 6. Qua giám định, Công an quận 6 kết luận có người giả mạo chữ ký, dấu vân tay điểm chỉ bà Nguyễn Thị Mỹ trên hợp đồng đặt cọc mua bán nhà, số công chứng 13704, quyển số 11/2021 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 29-11-2021.
Ngân hàng lập lờ
Trong lúc bà Mỹ đề nghị Vietcombank Tân Bình làm rõ chuyện giả mạo hợp đồng đặt cọc mua bán nhà thì đơn vị này liên tục yêu cầu bà Mỹ thanh toán tiền vay gốc và lãi. Tháng 11-2023, bà Mỹ báo với Vietcombank Tân Bình bà dừng trả nợ cho đến khi vụ việc được sáng tỏ.
"Ngay sau đó, khoản vay của tôi bị Vietcombank Tân Bình chuyển nhóm nợ và đến nay đã trở thành nợ xấu, ảnh hưởng rất lớn đến công việc tại các công ty tôi làm đại diện pháp luật" - bà Mỹ bức xúc.
Ngày 24-4, trả lời phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Sơn, Giám đốc Vietcombank Tân Bình, xác nhận toàn bộ vụ việc của bà Nguyễn Thị Mỹ là có thật. Đồng thời thừa nhận ngày 19-10-2021, ngân hàng có gửi văn bản đến Phòng Công chứng số 7 cho phép thực hiện hợp đồng đặt cọc mua bán nhà. Việc này thực hiện theo đề nghị của ông Phan Hùng Cường - người từng có quan hệ tình cảm, không đăng ký kết hôn với bà Nguyễn Thị Mỹ. Theo ông Sơn, ông Cường cũng là người được bà Mỹ ủy quyền toàn quyền các giao dịch liên quan đến căn nhà do bà đứng tên và đang thế chấp tại Vietcombank Tân Bình.
Ngân hàng căn cứ vào bản photocopy giấy ủy quyền ông Cường cung cấp để phát hành văn bản gửi Phòng Công chứng số 7 cho phép thực hiện hợp đồng đặt cọc mua bán nhà của bà Mỹ.
Tuy nhiên, theo tài liệu phóng viên thu thập được vào tháng 10-2020, bà Mỹ và ông Cường đã hủy giấy ủy quyền.
Điều đáng nói là văn bản của Vietcombank Tân Bình gửi Phòng Công chứng số 7 có nội dung "…theo đề nghị của bà Nguyễn Thị Mỹ, ngân hàng chúng tôi đồng ý cho bà được tiến hành các thủ tục đặc cọc mua bán nhà".
Như vậy, ông Nguyễn Tuấn Sơn nói rằng Vietcombank Tân Bình đồng ý theo đề nghị của ông Cường mà sao văn bản của ngân hàng lại ghi theo đề nghị của bà Nguyễn Thị Mỹ (!?).
"Tôi chưa bao giờ đề nghị ngân hàng đồng ý cho việc đặt cọc mua bán nhà. Vietcombank Tân Bình đã tự ghi khống tên tôi vào văn bản gửi phòng công chứng để tiếp tay cho người làm hợp đồng giả mạo" - bà Mỹ khẳng định.
Hiện bà Nguyễn Thị Mỹ đã có đơn tố giác gửi đến Công an TP HCM, VKSND TP HCM kiến nghị điều tra hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Có dấu hiệu hình sự, cần xem xét khởi tố
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức - Đoàn Luật sư TP HCM, kết quả giám định của Công an quận 6 đã xác định chữ ký, chữ viết và vân tay trên hợp đồng đặt cọc không phải của bà Nguyễn Thị Mỹ, có thể khẳng định là có người giả mạo. Vì vậy, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cần phải điều tra, xác minh. Cần phải làm rõ 4 dấu hiệu bất thường sau đây:
Thứ nhất, sổ hồng căn nhà của bà Mỹ đang thế chấp tại Vietcombank Tân Bình, nên muốn ký hợp đồng đặt cọc và được công chứng chấp thuận thì bắt buộc phải có bản chính. Cần làm rõ người giả mạo bà Mỹ làm sao có được bản chính sổ hồng bà Mỹ đang thế chấp tại Vietcombank Tân Bình để mang đi công chứng?
Thứ hai, trường hợp không có bản chính sổ hồng mà vẫn được ký công chứng hợp đồng đặt cọc thì cần làm rõ quy trình tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng. Nếu làm sai thì công chứng phải chịu trách nhiệm.
Thứ ba, toàn bộ giấy tờ nhân thân của bà Mỹ đều là giấy tờ cũ, địa chỉ nơi cư trú ở Quảng Nam, thực tế bà Mỹ đang cư trú ở TP HCM. Như vậy, hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề. Bộ hồ sơ có quá nhiều điểm bất thường như thế, sao lại lọt qua được cửa công chứng?
Thứ tư, về việc Vietcombank Tân Bình "đồng ý cho đặt cọc mua bán tài sản", bà Mỹ khẳng định không yêu cầu Vietcombank Tân Bình phát hành văn bản như vậy gửi Phòng Công chứng số 7. Vậy trách nhiệm của Vietcombank Tân Bình phải được làm rõ.
Tóm lại, cơ quan pháp luật cần vào cuộc làm sáng tỏ trách nhiệm của các bên bị tố giác. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án để điều tra theo quy định.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mat-nha-om-no-vi-hop-dong-cong-chung-gia-196240513203024028.htm