Mật ong mùa cà phê trổ bông

Người nông dân Lâm Hà đã biết tận dụng mùa cà phê trổ bông để nuôi đàn ong cho mật ngon. Mật ong hoa cà phê có mùi vị đặc trưng của cà phê trở thành loại thực phẩm bổ dưỡng của vùng đất này.

Với hơn 1.000 thùng nuôi ong đem lại thu nhập đáng kể cho ông Mai Văn Cường.

Với hơn 1.000 thùng nuôi ong đem lại thu nhập đáng kể cho ông Mai Văn Cường.

Từ nhiều năm nay, cứ vào khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán đến cuối tháng Giêng, những người nuôi ong lấy mật lại chuyển ong vào vùng Nam Tây Nguyên để khai thác mật từ hoa cà phê. Chỉ cần một cơn mưa hay khi người dân tưới nước là tất thảy đều bung hoa trắng toát, phát mùi thơm quyến rũ thu hút ong đến hút mật. Theo ông Mai Văn Cường ở thôn Hai Bà Trưng, xã Nam Hà người có thâm niên 25 năm với nghề nuôi ong lấy mật, trong năm có nhiều loại cây để ong lấy mật như: cà phê, cây cao su, cây keo, cây bạch đàn, và nhiều loài hoa khác… nhưng mật ong từ hoa cà phê cho chất lượng nhất. Ông Cường hiện có gần 1.000 thùng ong được đặt nhiều nơi, gần các rẫy cà phê vào vụ hoa nở. Với kinh nghiệm nuôi và tiêu thụ sản phẩm ong mật, ông có thể phân biệt sự khác nhau giữa mật ong hoa cà phê với các loại mật ong từ loài hoa khác. Do đó, mật ong hoa cà phê luôn được người nuôi dành riêng để bán với mức giá cao hơn và hiệu quả kinh tế cũng tăng theo. Ông cho biết, một đàn ong (1 thùng) sẽ cho ra khoảng 4 - 5 kg mật, khi trời nắng đẹp thì chất lượng mật vừa già vừa ngon. Mật ong từ hoa cà phê có vị chua chua, ngọt ngọt, thơm thơm đặc trưng của cà phê. Hiện tại, sản phẩm mật ong của ông cung cấp cho Công ty TNHH Mật ong Sài Gòn Bee để đưa đi tiêu thụ trong nước và xuất đi Đài Loan.

Nhờ thời tiết thuận lợi nên chất lượng hoa cà phê tại Lâm Đồng nói chung và Lâm Hà nói riêng được những người nuôi ong đánh giá cao. Nuôi ong ở Lâm Hà có sản lượng mật cao, mật có độ dẻo quánh và hương thơm đặc trưng hơn hẳn các vùng khác. Vì vậy, vào dịp này, tại các vùng chuyên canh cà phê trên địa bàn, người dân đã bố trí nuôi ong tại nhiều địa điểm để “đánh mật”. Là một người có thâm niên 10 năm trong nghề khai thác ong mật, anh Nguyễn Văn Bảy, thôn Đan Phượng, xã Tân Hà, có hơn 300 thùng mật ong lấy mật. Anh Bảy cho biết: “Qua nhiều năm theo nghề nuôi ong lấy mật, nên tôi phải chọn vùng trồng cà phê cho mật nhiều để chuyển ong đến. Thường thì tôi đến Tân Hà để “đánh mật”, vì nơi này chỗ nào cũng đặt thùng ong được”.

Mật ong hoa cà phê là loại mật ong nguyên chất nhất. Bởi vào lúc hoa nở rộ, những thùng ong được đặt ngay tại rẫy cà phê và trong thời gian thu hoạch mật không phải cho ong ăn thêm bất cứ thứ gì.

Cũng theo anh Bảy có khí hậu thuận lợi, cây cà phê trong giai đoạn phân hóa mầm hoa còn sung mãn, hoa to nên cung cấp cho đàn ong lượng phấn hoa, mật hoa lớn. Từ đó, việc khai thác mật hoa cà phê luôn thu được khối lượng lớn, bù lại cho người nuôi ong những tốn kém khi vận chuyển đàn ong qua hàng trăm km đến địa điểm lấy mật. Mỗi lít mật ong anh bán tại chỗ là 100.000 đồng, ngoài ra anh còn bán phấn hoa để làm mỹ phẩm. Với 300 thùng ong hiện có, mỗi mùa hoa anh cũng thu về bình quân trên 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

“Mật ong khai thác từ phấn hoa cà phê được người tiêu dùng ưa chuộng. Do đó, ngoài bán cho các công ty, người dân trong vùng cũng tìm đến mua, nên chúng tôi quay mật ra được bao nhiêu thì bán hết bấy nhiêu”, anh Bảy cho biết.

Ông Trương Quốc Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, ngành nuôi ong lấy mật đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều nông dân Lâm Hà. Hiện tại, trên địa bàn huyện có khoảng 30.962 đàn ong (mỗi đàn tương ứng một thùng nuôi) với năng suất 619 tấn, trải đều trên tất cả các xã. Nhiều nhất là tại xã Nam Hà hơn 30 hộ với 11.978 đàn, sản lượng 240 tấn. Nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn đang ngày một phát triển, thời gian qua, các cấp, các ngành đã triển khai các lớp tập huấn, chương trình giúp người dân ứng dụng công nghệ nuôi ong, sơ chế sản phẩm mật ong, phấn hoa theo hướng xuất khẩu. Bên cạnh đó, các hộ nuôi ong cũng được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình nuôi ong để hạn chế tạp chất.

Các chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi ong của địa phương đã giúp người nuôi ong nâng cao kiến thức nuôi dưỡng, phòng trị bệnh, chăm sóc, nhân đàn, quản lý các đàn ong giống và khai thác các sản phẩm của mật ong, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.

Vào cuối mùa khô Tây Nguyên, khi mùa hoa cà phê không còn, những người nuôi ong như ông Cường, anh Bảy sẽ di chuyển đàn ong đến vùng đất mới. Đó là mùa hoa nhãn cuối tháng 3 ở Hưng Yên, vải Bắc Giang, hoa keo ở Quảng Trị để mang về những sản phẩm mật đặc trưng, gắn với từng loài hoa, cây cỏ.

H.YÊN - N.NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202002/mat-ong-mua-ca-phe-tro-bong-2989988/