Mất rừng làm trầm trọng thêm suy giảm đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu

Từ năm 1990 đến 2020, khoảng 420 triệu ha rừng đã bị chặt phá để sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Theo đó, mức độ mất rừng đáng báo động, làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.

420 triệu ha rừng bị chặt phá từ năm 1990 đến 2020

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp tổ chức Phiên họp bên lề Hội nghị Toàn cầu lần thứ 4, về sản xuất và thương mại sản phẩm nông sản không gây mất rừng, chiều 25/4.

Nông nghiệp là một trong những động lực lớn nhất của nạn phá rừng trên toàn cầu. Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp LHQ (FAO), khoảng 420 triệu ha rừng đã bị chặt phá để sử dụng vào mục đích nông nghiệp từ năm 1990 đến 2020. Nhu cầu từ EU đóng góp khoảng 10% trong số đó.

Trong khi đó, phá rừng và suy thoái rừng là nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.

Theo bà Kin Yii Young, Cố vấn kỹ thuật cao cấp khu vực của UNDP cho biết, mức độ mất rừng đáng báo động, làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Hệ thống nông nghiệp của thế giới ngày càng mở rộng diện tích để sản xuất lương thực đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng trên toàn cầu, nhất là khi thị trường thực phẩm toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong 50 năm tới.

Bà Kin Yii Young cũng chỉ ra, khoảng 80% nạn mất rừng toàn cầu là kết quả của việc mở rộng và quản lý kém đất nông nghiệp để sản xuất các mặt hàng như gia súc, gỗ, dầu cọ, đậu nành, ca cao và cà phê.

 Khoảng 420 triệu ha rừng đã bị chặt phá để sử dụng vào mục đích nông nghiệp từ năm 1990 đến 2020.

Khoảng 420 triệu ha rừng đã bị chặt phá để sử dụng vào mục đích nông nghiệp từ năm 1990 đến 2020.

Một báo cáo khác của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) từ tháng 4.2021 chỉ rõ, EU là một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới những sản phẩm có liên quan đến nạn phá rừng nhiệt đới và phát thải khí. Điều này đề cập đến lượng khí thải hoặc nạn phá rừng phát sinh từ hàng hóa được sản xuất ở một nơi trên thế giới và được tiêu thụ ở một nơi khác.

Báo cáo tương tự cho thấy, 8 nền kinh tế lớn nhất của EU, bao gồm Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh (sử dụng số liệu trước Brexit), chiếm 80% nạn phá rừng của EU thông qua việc sử dụng và tiêu thụ “hàng hóa có nguy cơ từ rừng”.

Trong khi đó, giảm phá rừng và suy thoái rừng sẽ làm giảm phát thải khí nhà kính. Báo cáo đặc biệt của Ủy ban liên chính phủ (IPCC) về biến đổi khí hậu và đất đai ước tính, 23% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu do con người gây ra từ năm 2007 đến 2016 đến từ nông nghiệp, lâm nghiệp và các mục đích sử dụng đất khác.

Nếu không có luật, các đánh giá tác động cho thấy, việc tiêu thụ và sản xuất hàng hóa mà EU nhắm tới sẽ dẫn đến 248.000 ha rừng bị phá vào năm 2030, một diện tích tương đương với diện tích rừng kết hợp của Thụy Sĩ và Hà Lan. Điều này tương đương với 110 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm vào năm 2030.

Thông qua dự luật bảo vệ rừng

Rừng chiếm khoảng 31% diện tích đất toàn cầu và là môi trường sống quan trọng của hàng triệu loài. Do vậy, rừng được coi là ngôi nhà thiên nhiên của con người và của mọi giống loài.

Mới đây, Nghị viện châu Âu vừa thông qua dự luật với đa số áp đảo, yêu cầu các công ty làm trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, sản xuất ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ phải chứng minh sản phẩm của họ không có nguồn gốc từ đất có được do phá rừng hoặc đất gây suy thoái rừng, nếu không sẽ có nguy cơ bị phạt nặng.

Theo đó, dự luật mới, có tên chính thức là Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR), nhằm vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ, cũng như các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất bằng các sản phẩm đó, chẳng hạn như da, sô cô la, giấy in hay đồ nội thất.

Dự luật nêu rõ, các công ty sẽ phải gửi báo cáo “thẩm định” cho thấy họ đã thực hiện các bước thích hợp để xác minh nguồn gốc sản phẩm của mình, đồng thời tuân thủ các quy định địa phương của các quốc gia về nhân quyền và tác động đối với người bản địa.

Bên cạnh đó, pháp luật sẽ phân loại các quốc gia xuất khẩu dựa trên rủi ro phá rừng của họ. Các quốc gia có rủi ro thấp sẽ có quy trình thẩm định đơn giản hơn, trong khi các quốc gia có rủi ro cao hơn sẽ phải trải qua các cuộc kiểm tra gắt gao.

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) tháng 11/2021, lãnh đạo của hơn 100 quốc gia đã đạt được thỏa thuận ngăn chặn và đảo ngược nạn phá rừng vào năm 2030. Lãnh đạo của hơn 30 tổ chức tài chính cũng đã cam kết “loại bỏ đầu tư vào các hoạt động liên quan đến phá rừng”.

Tại Việt Nam, chính sách bảo vệ và phát triển rừng bền vững, hướng tới mục tiêu chống biến đổi khí hậu đang được triển khai. Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, phủ xanh đất trống, đồi trọc trong giai đoạn 2021-2025 được triển khai trên cả nước đã và đang đạt nhiều kết quả khả quan, với mục tiêu đến năm 2050, lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất dự kiến sẽ giảm 70% lượng phát thải và tăng 20% lượng hấp thụ CO2 so với kịch bản phát triển thông thường.

Phiên họp bên lề nằm trong khuôn khổ Dự án ‘Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông" (iLandscape) do Liên minh châu Âu tài trợ, thông qua UNDP, có kinh phí 5 triệu Euro.

Dự án hướng tới bảo vệ 25.000 ha rừng tự nhiên sẽ được bảo vệ, giảm lượng phát thải tương đương khoảng 3 triệu tấn CO2, đồng thời cải thiện sinh kế cho 35% dân số trong 2 tỉnh, đặc biệt là người dân tộc ít người và phụ nữ; và nâng cao tính bền vững trong sản xuất với mục tiêu các hàng hóa chính tăng 25% giá trị.

Lan Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/mat-rung-lam-tram-trong-them-suy-giam-da-dang-sinh-hoc-va-bien-doi-khi-hau-77074.html