Mát rượi chiều Tây Nguyên
Tháng Bảy Tây Nguyên, nắng vàng nhè nhẹ. Ông Bình ngồi bên hiên nhà. Nghe lũ ong vo ve bay ngang vườn. Mùi hoa cà phê thoang thoảng. Cảm giác thư thái len vào cơ thể. Nhẹ bẫng.
Tháng Bảy ùa về như cơn gió. Ông đang miên man nhớ về những tháng ngày bom đạn chiến trường. Mảnh đất này, thấm đượm những gian lao tuổi trẻ.
Chàng trai Hà thành tình nguyện lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 17 tuổi. Hồi ấy, khi bạn bè cùng trang lứa viết đơn gia nhập quân đội thì ông đang ngồi trên ghế nhà trường. Năm lần bảy lượt tình nguyện xin gia nhập quân đội nhưng chưa được. Những ngày đấu tranh tư tưởng cùng gia đình, cuối cùng bố ông bảo:
- Đi được về được, chiến trường không phải nơi để đùa giỡn tuổi thanh xuân, đi là để phụng sự Tổ quốc.
Ông cúi đầu vâng dạ. Những tháng ngày ngọn lửa trong ông hừng hực cháy. Dọc những tuyến đường vào Tây Nguyên, ông nghe bạn bè xì xào về những chiến công hiển hách, vang dội mà quân đội ta giành được. Tuy nhiên, cũng có những mất mát đau thương nơi đầu súng ngọn gió. Không khí của toàn đất nước đang rừng rực đấu tranh chống trả quyết liệt. Ông được biên chế vào lực lượng quân đội của huyện Sơn Hòa, Phú Yên. Rồi cứ thế theo vòng xoáy chiến đấu quyết liệt. Có những ngày vác súng chạy dọc sườn núi, vai nặng trĩu. Bị địch bao vây, cả bọn ngồi chung nhau trong hầm tối như bưng. Mùi cơ thể từng đứa bốc ngào ngạt. Thỉnh thoảng một đứa la lên á ối vì bị kiến vàng đốt. Nhưng trung đội vẫn kiên cường, duy trì sĩ số.
Đợt tập kích, Mỹ ném bom, ông nhớ mình đứng trên đồi dốc thoai thoải, hoa sim tím buổi chiều đầy lãng mạn. Chợt đì đùng vang xa tận phía con sông. Rồi thấy bóng thằng Hào tung lên trong gió, rớt xuống ngay căn cứ điểm. Lần đầu tiên thấy bạn hy sinh, ông giật mình thảng thốt. Chiến tranh không phải để đùa giỡn. Hôm qua đây, mấy đứa còn nằm trên võng, kể cho nhau nghe về quê nhà. Thằng Hào, thằng Minh quê Phú Thọ. Hai đứa gần nhà nhau. Ngày nhập ngũ cũng đi với nhau một lần. Thằng Chiến ở Hải Phòng. Ninh, Tân, Luận ở Lâm Đồng. Có hai đứa đồng hương với ông đó là Phú và Nhật. Thằng Hào còn đùa, nhảy lên võng thằng Phú đòi tụt quần nó. Vậy mà trong phút chốc, ông và các đồng đội đã thấy nó nằm im bất động. Chỉ kịp đắp cho bạn nấm mồ.
Ông cùng đồng đội trải qua những tháng ngày chiến tranh khốc liệt. Hôm đó, đang lúi húi rửa chân bên suối thì ông bắt gặp một cụ già, đi lấy măng. Cụ bảo chiến thắng Sơn Hòa đã giúp bà con trở về, tiếp tục cày xới làm ăn. Công lao của các chú bộ đội, chúng tôi chẳng bao giờ quên được. Rồi ông cụ ngập ngừng:
- Nhà có hai cô con gái, đến tuổi lấy chồng rồi, một cô làm y tá phục vụ trạm y tế xã, tiếp nhận bộ đội bị thương. Một cô là giáo viên tiểu học. Ông muốn các chú bộ đội ghé nhà chơi.
Ông Bình cùng các đồng đội đứng ngây người ra. Những đồng chí khác mặt đỏ lựng. Các chàng trai tuổi trẻ khi nhắc đến tình yêu cứ như chạm vào dây thần kinh xấu hổ. Nhưng rồi cả lũ đồng thanh hứa, chiến đấu xong sẽ ghé lại nhà cụ.
Chuyện nên duyên thế mà có thật. Chàng trai Hà thành ở lại Tây Nguyên kết duyên với cô gái hiền dịu.
Ngày hai người gặp nhau không phải là ngày cả đội rủ nhau về nhà ông cụ mà chính là ngày ông bị bom Mỹ ném trúng. Chiếc chân lìa khỏi cơ thể, bay mất, khi tỉnh dậy, ông thấy mình nằm trên giường bệnh, xung quanh một màu trắng xóa. Cơn đau ập đến, ông thò tay sờ xuống chân, cảm giác xa lạ, nhẹ bẫng và xót xa dâng lên lồng ngực. Ông nhớ lại tiếng thét của thằng Phú: "Nằm xuống Bình ơi!". Đó cũng là câu cuối cùng ông nghe được từ người bạn đồng hương. Bây giờ nằm nghe cơn nhức rút vào từng thớ thịt, nước mắt ông tự nhiên chảy. Thuốc tê đã hết. Dáng một y tá vụt qua lán, chừng năm phút sau quay lại với dụng cụ rửa vết thương. Cô nhẹ nhàng:
- Anh để tôi rửa vết thương cho. Tối qua đồng đội anh đưa anh về đây khi mọi sự đã rồi. Cũng may kịp thời. Nếu nó hoại tử, chắc anh không sống nổi đâu.
Ông Bình càu nhàu:
- Sao cô không bảo với đồng đội tui để kệ tui. Sống làm gì khi một chân đã cụt ngủn thế này.
Cô y tá quay sang nhìn ông, nét mặt nghiêm nghị:
- Anh tưởng chết dễ thế? Ngoài kia bao nhiêu đồng đội của anh đã nằm xuống, không còn cơ hội để được về với gia đình, quê hương. Anh mất một phần cơ thể, là mất cho đất nước, mất vì anh đã chiến đấu để cống hiến và phụng sự Tổ quốc. Ít ra anh còn có cơ hội gặp lại người thân ở quê nhà, anh có hiểu không?
Lòng ông Bình dịu lại. Ông chẳng biết đồng đội mình còn bao nhiêu người. Đứa nào mất, đứa nào còn. Ông ngồi im cho cô y tá rửa vết thương. Có cơ hội nhìn rõ khuôn mặt của cô. Nét dịu dàng hiện lên trên gương mặt đầy đặn. Đôi tay thoăn thoắt. Ông ngập ngừng:
- Cảm ơn cô y tá nhé!
- Có gì đâu, đây là nhiệm vụ của tụi em mà.
Hôm sau, ông được đơn vị chuyển xuống Viện Quân y vì vết thương quá nặng. Trước lúc lên đường, ông hẹn ngày trở lại, hội ngộ cùng những con người nơi đây.
Bao ngày đau đớn nhưng cũng đầy thi vị nơi vùng đất này, được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sỹ, ông bình phục và trở lại nơi cô y tá đang công tác. Ngày cô y tá đưa ông về nhà. Chạm mặt nhau ngay ở cửa, ông già ồ lên:
- Là chú bộ đội hôm nọ sao?
Ông Bình đỏ rần rần mặt:
- Dạ là con đây bác, nhưng bây giờ…
Sự ngập ngừng của ông Bình lúc đó khiến cụ già thương cảm. Ông dìu cậu thanh niên vào nhà, nhẹ nhàng, ân cần. Đó là lý do ông yêu mảnh đất này, đến tận bây giờ ông chưa bao giờ quên được ân tình ấy.
Tiếng chó sủa ngoài sân vang lên. Xóa tan luồng suy nghĩ của ông Bình. Có tiếng ai là lạ:
- Ông Bình ơi, có nhà không?
Là ai thế nhỉ. Ông Bình chống gậy bước ra. Một người đàn ông với bộ quân phục đang lóng ngóng trước cổng nhà. Ông nghe tim mình đập rộn ràng.
- Thằng nào đấy, trời ơi sao bây giờ mới nhớ tao mà đến?
Giọng ông già ngoài cổng vang vang:
- Bố khỉ, ai mà biết. Mấy chục năm giời rồi chứ đâu. Tao cứ tưởng mày rơi rớt ở xó xỉnh nào rồi. Ai dè lấy được con gái Tây Nguyên.
Ông Bình lóng ngóng mở cửa. Là ông Chiến, quê Hải Phòng. Hai người ôm nhau chặt cứng, khóc như những đứa trẻ. Một đứa cụt chân, một đứa cụt tay. Từng là đồng đội của nhau, vào sinh ra tử với nhau. Vậy mà biền biệt mấy chục năm, giờ mới có cơ hội ngồi lại gần nhau, ôn lại kỷ niệm xưa cũ thời chiến tranh. Ông Bình hào hứng:
- Hồi ấy sau trận đánh, mày cũng bị thương, sao không thấy ở cùng chỗ với tao?
- Ai biết. Khi mấy đứa móc tao ra khỏi mặt đất, tao nghĩ chẳng còn sống được nữa ấy chứ. Rồi người ta chuyển về Bắc, những đứa còn lại tao còn không biết chúng sống chết ra sao. Mãi sau này hòa bình lập lại, cũng tìm kiếm nhau rồi mới ra. Đội quân tụi mình còn được 5 đứa thôi.
Ông Bình lặng cúi người.
- Là những đứa nào, mày kể tao nghe?
- Thằng Minh, thằng Tân, thằng Luận với thằng Nhật!
- Ủa, mới 4 mà?
- Thằng ngốc, tao nữa là 5 chứ đâu!
Hai ông bạn già ôm nhau cười khùng khục. Nụ cười của mấy chục năm về trước bây giờ thấm đượm ký ức, buồn, vui lẫn lộn. Ánh mắt của hai đồng đội nhìn nhau, im lặng trong chiều hoàng hôn lành lạnh Tây Nguyên.
- Ngày mai tao kêu thằng lớn lấy xe, chở mày lên Hòa Sơn thăm tụi nó nhé!
Ông Chiến gật đầu, hai người dìu nhau vào nhà trong.
Ông bảo bà cũng sắp đi làm về rồi. Tây Nguyên mùa này có mật ong, trái cây ngọt lịm. Ở đây ngủ với nhau mấy bữa, ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa cũ. Rồi liên lạc với mấy đồng đội. Tới kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, nhớ lắm thuở cùng nhau nếm mật nằm gai. Phải ngồi bên nhau, hát bài ca chiến trận chứ!
- Ừ, mấy chục năm rồi, phải ôn lại chớ... phải ôn lại chớ.
Tiếng hai ông bạn thì thầm với nhau. Chiều Tây Nguyên mát rượi, thơm nức mùi hoa cà phê...
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mat-ruoi-chieu-tay-nguyen-20220727124304542.htm