Mất tình thân… vì đất?

Khi tấc đất trở thành tấc vàng thì việc tranh chấp đất đai, nhà cửa đã không còn xảy ra giữa những người xa lạ mà còn với cả những người trong dòng tộc. Điều này không chỉ khiến người thân trong gia đình lao vào vòng kiện tụng, làm mất đi tình cảm, hòa khí trong gia đình, mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương…

Vì đất… mất cả tình thân!

Đó là trường hợp anh em bà Nguyễn Thị Lan và ông Nguyễn Văn Phụng (trú TP Tuy Hòa) từ mấy năm nay họ không nhìn mặt nhau… chỉ vì đất.

Theo hồ sơ, cha mẹ bà Lan, ông Phụng có 6 người con. Năm 1975, cha bà Lan mất, rồi đến năm 2010, mẹ bà Lan cũng qua đời. Trước khi mất, họ không lập di chúc để lại tài sản cho ai bởi người nào cũng ở riêng nên để lại căn nhà trên đường Chu Mạnh Trinh (phường 1, TP Tuy Hòa) cho người em út là ông Nguyễn Văn Thanh để thờ tự và làm nhà từ đường.

Tình thân ruột thịt mất đi sau bản án, nhiều người chỉ vì mấy mét vuông đất mà sẵn sàng vứt bỏ tình thân, máu mủ của mình, đó là mất mát đáng tiếc nhất từ những tranh chấp đất đai đang xảy ra hiện nay.

Còn vợ chồng ông Phụng thì tạo lập mua căn nhà trên đường Nguyễn Thái Học (phường 3, TP Tuy Hòa) từ năm 1975 ở cho đến nay và được UBND TP Tuy Hòa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) vào năm 2013. Tuy nhiên, trong quá trình ở, vợ chồng ông Thanh đã đem GCNQSDĐ căn nhà ở Chu Mạnh Trinh thế chấp cho ngân hàng và bị ngân hàng phát mãi nhà. Bức xúc vì ông Thanh đem bán nhà do cha mẹ để lại nên bà Lan khởi kiện ra tòa.

Tại tòa bà Lan còn cho rằng, sau khi cha mẹ mất, ngoài căn nhà trên đường Chu Mạnh Trinh còn có mua thêm căn nhà trên đường Nguyễn Thái Học cho vợ chồng ông Phụng đang ở hiện nay nên bà yêu cầu tòa chia thừa kế cả hai căn nhà này.

Trong khi đó, ông Phụng chỉ thừa nhận căn nhà trên đường Chu Mạnh Trinh là do cha mẹ để lại. Riêng căn nhà trên đường Nguyễn Thái Học là do vợ chồng ông tạo lập, đóng thuế hàng năm đầy đủ cho Nhà nước. Đồng thời, ông ở hơn 44 năm không ai tranh chấp và được Nhà nước cấp GCNQSDĐ nên ông không đồng ý với đơn khởi kiện của bà Lan.

Sau khi nhận đơn khởi kiện, TAND tỉnh đã nhiều lần hòa giải nhưng bất thành nên đưa ra xét xử sơ thẩm. Đồng thời công nhận căn nhà trên đường Chu Mạnh Trinh và Nguyễn Thái Học là di sản thừa kế của cha mẹ bà Lan và ông Phụng để lại nên quyết định chia đều phần thừa kế hai căn nhà này cho các anh chị em trong gia đình.

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh ngay sau đó đã bị TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên hủy án. Lý do hủy án là cấp sơ thẩm đã xác định không đúng di sản thừa kế của cha mẹ bà Lan, ông Phụng để lại, dẫn đến xác định thiếu quan hệ tranh chấp, chưa thu thập lấy lời khai các đương sự. Từ đó, quyết định chia thừa kế cho các đương sự không đúng theo quy định pháp luật.

Căn nhà trên đường Nguyễn Thái Học hiện đang tranh chấp giữa bà Lan, ông Phụng và các thành viên trong gia đình - Ảnh: VĂN TÀI

Căn nhà trên đường Nguyễn Thái Học hiện đang tranh chấp giữa bà Lan, ông Phụng và các thành viên trong gia đình - Ảnh: VĂN TÀI

Hiện nay vụ việc tiếp tục vào vòng tố tụng và không biết kết quả sẽ ra sao? Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là tình cảm giữa các thành viên trong gia đình bà Lan, ông Phụng đã bắt đầu rạn nứt? Nếu như trước đó, họ còn nghĩ tình thân để tìm ra hướng giải quyết thấu tình đạt lý, thậm chí có thể chịu thiệt một chút, tránh gây ra những căng thẳng không đáng có.

Hay trường hợp mẹ con bà Nguyễn Thị Tám (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) cũng phải nhờ đến tòa phân xử để đòi lại nhà ở gắn liền quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy GCNQSDĐ. Bởi ngôi nhà này là do bà tạo lập nhưng không ngờ người con trai lại tự ý làm GCNQSDĐ đứng tên mình trong khi không được sự đồng ý của bà.

Vì vậy, bà yêu cầu vợ chồng con trai phải trả lại nhà, diện tích đất này. Những tài sản do vợ chồng người con trai xây dựng, mua sắm thêm thì bà sẽ trả lại theo định giá. Đồng thời, bà Tám cũng đề nghị cấp thẩm quyền hủy GCNQSDĐ đứng tên vợ chồng người con trai. Khởi kiện của bà Tám được tòa chấp nhận, tuyên bà Tám thắng kiện. Tuy nhiên, sau phiên tòa, họ trở nên người xa lạ… dù mẹ con vẫn ở chung vách.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hòa giải

Theo ông Mai Tấn Hoàng, Chánh tòa Dân sự (TAND tỉnh), cho biết: Nguyên nhân chủ yếu phát sinh tranh chấp đất đai trong thân tộc, gia đình là do người dân chủ quan trong việc tặng cho, chuyển đổi... không tuân thủ pháp luật về hình thức và nội dung nên sau khi được cha mẹ tặng cho không làm đúng các thủ tục theo quy định. Thêm nữa, do tác động của những thành viên là dâu, là rể khi đất ngày càng có giá trị nên sau khi người tặng cho, phân chia chết, một thời gian sau dẫn đến phát sinh tranh chấp với nhau về phần đất tặng cho, phân chia.

Là người tham gia xét xử nhiều vụ án tranh chấp đất đai hay thừa kế có yếu tố gia đình, ông Hoàng phân tích thêm: “Đa số những vụ tranh chấp đất đai hoặc di sản thừa kế giữa những người trong dòng tộc thường gay gắt hơn so với các tranh chấp giữa các bên không có quan hệ thân thuộc, tỉ lệ hòa giải thành những vụ tranh chấp như thế này cũng không cao, do mâu thuẫn lợi ích giữa các bên đã trầm trọng và hậu quả để lại chính là những mất mát về tình cảm không thể dung hòa và cũng không thể nào bù đắp được”.

Luật sư Nguyễn Hương Quê (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên), cho biết thêm: Hiện nay, nhu cầu tìm hiểu pháp luật trong dân, nhất là về Luật Đất đai, thừa kế rất cao. Vì vậy, các cơ quan, đoàn thể cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Trong đó chú trọng đến lĩnh vực đất đai để người dân hiểu rõ các quy định về tranh chấp đất đai và thừa kế.

“Để hạn chế được tình trạng tranh chấp đất đai xảy ra như hiện nay, nhất là đối với tranh chấp trong dòng họ, gia đình, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cơ quan, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Ngoài ra, cũng cần chú trọng công tác vận động và hòa giải ở cơ sở để những mâu thuẫn về đất đai có thể được hóa giải ngay từ cơ sở. Đừng vì một vài tấc đất mà làm mất đi tình thân”, luật sư Quê nhấn mạnh.

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/164/222809/mat-tinh-than%E2%80%A6-vi-dat.html