Máy bán hàng không tiền mặt phát triển như vũ bão ở châu Á

Thị trường máy bán hàng tự động ở Đông Nam Á và Trung Quốc đang bùng nổ với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, vốn là thói quen mua sắm không tiếp xúc từ đại dịch.

 Máy bán hàng tự động Tao Bin ở Thái Lan cung cấp nhiều loại đồ uống giá cả phải chăng. Ảnh: Nikkei Asia.

Máy bán hàng tự động Tao Bin ở Thái Lan cung cấp nhiều loại đồ uống giá cả phải chăng. Ảnh: Nikkei Asia.

Máy bán hàng tự động Tao Bin đang lan rộng ở Thái Lan với chức năng nhận đơn đặt hàng qua bảng điều khiển cảm ứng và chấp nhận thanh toán di động. Tính đến cuối tháng 6, khoảng 6.000 máy đã được lắp đặt tại các nhà ga hoặc chung cư trên toàn Thái Lan, bán 200.000 đồ uống mỗi ngày, theo Nikkei Asia.

Sự phổ biến của chúng bắt nguồn từ sự đa dạng đồ uống và giá cả hợp lý. Một máy có thể pha chế tới 170 loại đồ uống khác nhau, giá dao động từ 15 đến 65 baht (40 cent đến 1,9 USD), rẻ hơn khoảng một nửa so với quán cà phê thông thường.

“Tôi chưa bao giờ thấy một máy bán hàng tự động với nhiều loại sản phẩm như vậy”, một người Mỹ lần đầu dùng máy cho biết.

Thanh toán tiện lợi

Nhà sản xuất điện tử Thái Lan Forth Corp, công ty điều hành Tao Bin, có kế hoạch tách mảng kinh doanh máy bán hàng tự động và phát hành cổ phiếu vào đầu năm nay. Forth đặt mục tiêu mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, bao gồm Australia, Indonesia và sớm bắt đầu tại Malaysia.

Tại Trung Quốc, số lượng máy bán hàng tự động thông minh chấp nhận thanh toán di động đang gia tăng mạnh mẽ, được lắp đặt chủ yếu ở ga tàu. Máy chấp nhận thanh toán qua Alipay, WeChat Pay và thậm chí qua nhận dạng khuôn mặt.

Máy bán hàng tự động của công ty công nghệ Shanghai Hi-Dolphin Robot được lắp đặt ở 30 thành phố Trung Quốc và xuất khẩu sang 12 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Đức và Malaysia.

Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho biết trong vòng 5 năm qua, doanh số bán máy bán hàng tự động nói chung đã tăng 70% ở Malaysia, 40% ở Trung Quốc và khoảng 10% ở Singapore và Thái Lan.

 Một máy bán cà phê tự động tại Thượng Hải. Ảnh: Nikkei Asia.

Một máy bán cà phê tự động tại Thượng Hải. Ảnh: Nikkei Asia.

Bên cạnh đồ uống, công ty SmartRx có trụ sở tại Singapore đã ra mắt máy bán thuốc tự động theo toa vào tháng 3. Bệnh nhân có thể trò chuyện với bác sĩ từ xa và nhận đơn thuốc ngay tại chỗ.

Máy bán thực phẩm chức năng và chất bổ sung dinh dưỡng vitamin cũng có mặt tại Malaysia. Công ty YesHealth đã lắp đặt hơn 30 máy kể từ tháng 3/2022, có kế hoạch mở rộng lên 100 địa điểm trong tương lai gần.

Yếu tố thúc đẩy sự phổ biến của máy bán hàng tự động thông minh tại châu Á là tỷ lệ thanh toán di động cao. Fidelity có trụ sở tại Mỹ cho biết 44% thanh toán tại cửa hàng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là thanh toán di động, cao hơn Bắc Mỹ và châu Âu.

Ở các nước phát triển, máy bán hàng tự động truyền thống chủ yếu chấp nhận tiền mặt. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng đang trên đà suy giảm. Từ năm 2017 đến năm 2022, thị trường máy bán hàng dùng tiền mặt đã giảm 14% tại Nhật Bản và 17% tại Mỹ. Đức và Pháp cũng chứng kiến xu hướng tương tự.

Giải pháp tương lai

Một yếu tố khác là tình trạng an ninh tốt ở châu Á, giúp máy bán hàng tự động ít bị hư hỏng hoặc bị trộm hơn. Chỉ số Luật pháp và Trật tự của Gallup cho thấy cách người dân nhận thức về an toàn cộng đồng, đạt 94 điểm ở Đông Á và 86 điểm ở Đông Nam Á, cao hơn Mỹ và châu Âu.

Việc lương tăng và tình trạng thiếu lao động bắt nguồn từ đại dịch cũng đã góp phần thúc đẩy sự tự động hóa. Máy bán hàng tự động không phải chịu chi phí lao động, đòi hỏi ít không gian và dễ vận hành cả ngày.

Ở các nước tỷ lệ sinh giảm và dân số già như Trung Quốc và Thái Lan, nhu cầu tự động hóa là rất cao.

CP All, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Thái Lan, đã trình làng máy bán đồ ăn nhẹ và bữa trưa đóng hộp tại hơn 10.000 cửa hàng 7-Eleven nhằm giải quyết bài toán hiệu quả trong bối cảnh chi phí lao động tăng cao.

 Một người dùng Thái Lan thanh toán di dộng tại một máy bán hàng. Ảnh: Sun Vending Technology.

Một người dùng Thái Lan thanh toán di dộng tại một máy bán hàng. Ảnh: Sun Vending Technology.

Được biết đến như một cường quốc máy bán hàng tự động, nhưng Nhật Bản rất ít hiện diện tại châu Á. Máy bán hàng tự động tại Nhật Bản thường được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc.

Fuji Electric, công ty nắm giữ khoảng 70% thị trường máy bán đồ uống tự động nội địa Nhật Bản, đã tập trung vào các mô hình phục vụ nhu cầu thị trường. Công ty cũng gấp rút phát triển hệ thống tương thích với thanh toán di động cho thị trường nước ngoài.

Ngành công nghiệp máy bán hàng tự động của châu Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thế giới khi ngành bán lẻ tìm kiếm phương thức bán hàng thế hệ mới.

“Máy bán hàng tự động thông minh rất hữu ích cho ngành bán lẻ. Chúng có thể được sử dụng để xác định xu hướng tiêu dùng ở các khu vực khác nhau với mức đầu tư tối thiểu”, Kenichi Shimomura, người đứng đầu bộ phận châu Á - Nhật Bản tại công ty tư vấn Roland Berger, cho biết.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/may-ban-hang-khong-tien-mat-gay-bao-chau-a-post1440833.html