Mẹ 9x bật mí thực đơn cơm cữ giúp lợi sữa, về dáng ngay sau khi sinh
Thời gian ở cữ, mẹ bỉm cần được đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ để hồi phục sức khỏe và có nhiều sữa cho em bé.
Sau khi sinh con, người mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn khi vừa phải tự hồi phục sức khỏe, vừa học cách chăm bé sơ sinh. Lúc này, những bữa cơm cữ đóng vai trò rất quan trọng, tuy nhiên làm thế nào để có những món ăn vừa ngon, đầy đủ dinh dưỡng nhưng lại không khiến mẹ tăng cân nhiều là điều mà nhiều chị em phụ nữ quan tâm.
Mới đây, mẹ bỉm Huyền Trang (29 tuổi, sống tại TPHCM) đã chia sẻ thực đơn cơm cữ giúp bản thân có nhiều sữa. Theo chị Trang, yếu tố quyết định mẹ có nhiều sữa hay không một phần là do cơ địa cũng như tinh thần thoải mái sau sinh. Tiếp theo là những món ăn mà mẹ bỉm yêu thích cũng giúp sữa về nhiều. Vậy nên, chị Trang không kiêng gì ngoài 5 món do bác sĩ dặn vì sinh mổ là lòng trắng trứng, da gà, cá, rau muống và đồ nếp.
Thực đơn khá đa dạng với nhiều món ngon.
"Bình thường mình có cữ hút sữa lúc 5h sáng, sau khi hút sữa xong là cắm cơm, chế biến sẵn đồ ăn để khi nào chuẩn bị ăn thì nấu, hoặc có vài món sẽ nấu trước, khi nào ăn thì hâm lại. Đặc biệt ưu tiên đồ hầm vì nhanh gọn, đơn giản. Làm xong mọi việc nếu con còn ngủ thì mình sẽ ngủ tiếp, ngủ đủ giấc cũng giúp sữa về nhiều đó các mẹ ạ.
Thời gian này, mình hay thay cơm trắng bằng cơm gạo lứt vì tốt cho sức khỏe và không tăng cân nhiều. Hầu như các bữa mình chỉ ăn 1 bát cơm thôi, còn lại ăn thức ăn là chủ yếu. Vì vậy mà trộm vía sữa về nhiều mà cơ thể về dáng cũng rất nhanh. 1 tháng sau sinh mình đã về lại số cân trước khi bầu rồi.
Chị Trang tự mình lên thực đơn và nấu nướng.
Ăn gạo lứt sẽ giúp các mẹ về dáng nhanh
Hoa quả thì trừ các quả chua ra còn lại quả gì mình cũng đưa vào thực đơn. Đặc biệt mình ăn cam, bưởi rất nhiều vì nghe nói có thể đỡ viêm tuyến sữa và giảm tắc tia sữa. Thanh long đỏ cũng xuất hiện nhiều trong những bữa tráng miệng với tác dụng bổ máu. Ngoài ra, nho cũng là món mình yêu thích. Nói chung các mẹ cứ ăn món mình thích, ăn ngon thì tâm trạng mới vui, như vậy giúp sữa về nhiều và con mình cũng được hưởng các chất dinh dưỡng cần thiết", chị Trang tâm sự.
Quả thực, nhìn mâm cơm của bà mẹ trẻ rất ngon mắt, màu sắc và đủ dinh dưỡng cho mẹ bỉm sau sinh. Thêm vào đó, việc ăn gạo lứt cũng giúp mẹ nhanh về dáng, hạn chế tăng cân. Ngoài ra, mẹ bỉm nên giữ cho mình tinh thần vui vẻ, thoải mái, nhờ chồng những lúc cần thiết (như chăm con, nấu ăn, dọn dẹp...) thay vì ôm đồm hết mọi việc vào mình.
Chị Trang và con gái thứ 2
"Dù trong hoàn cảnh nào, dù một mình thì chúng ta cũng vẫn phải mạnh mẽ, yêu đời nhé các mẹ bỉm ơi. Chẳng mong gì chỉ mong các em bé luôn khỏe mạnh thôi", chị Trang hạnh phúc chia sẻ.
Chế độ dinh dưỡng cho mẹ sau sinh mổ khoa học
Có rất nhiều điều cần lưu ý trong chế độ dinh dưỡng của mẹ sau sinh mổ. Bởi trong giai đoạn này, vừa cần bổ sung dưỡng chất cho mẹ nhanh hồi phục sức khỏe, vừa giúp nhanh liền sẹo. Dưới đây là một số lưu ý trong ăn uống mẹ sau sinh mổ nên biết:
- Đa dạng dinh dưỡng: Nhiều mẹ quá kiêng khem trong thời gian ở cữ, không hề tốt cho sức khỏe. Trong thời gian này, mẹ cần ăn đa dạng các nhóm dinh dưỡng để cơ thể nhanh hồi phục hơn. Ví dụ: bữa trưa mẹ nên tập trung ăn các thực phẩm giàu năng lượng như protein, khoáng chất, omega -3, DHA. Còn bữa sáng và bữa xế mẹ nên ăn nhiều vitamin, chất xơ để cân bằng dưỡng chất trong cơ thể.
- Ăn tăng cường những thực phẩm có tính kháng viêm: Ngoài ra, mẹ sau sinh mổ cũng nên tăng cường ăn các thực phẩm có tính kháng viêm như nghệ. Điều này sẽ giúp vết sẹo sau khi sinh mổ nhanh liền hơn. Đồng thời, các thực phẩm kích thích tiết collagen như vitamin A, C cũng rất tốt cho quá trình tái tạo da, liền sẹo sau sinh.
- Kiêng những thực phẩm dễ gây mưng mủ: Mẹ nên kiêng một số thực phẩm dễ gây mưng mủ, lồi sẹo như rau muống, thịt gà, cơm nếp,... không tốt cho vết mổ.
- Ưu tiên đồ ăn dễ tiêu: Sau khi sinh mổ cơ thể mẹ còn rất yếu. Các cơ quan tiêu hóa, dạ dày chưa thể hoạt động đúng công suất hoàn toàn 100%. Vì vậy, mẹ nên ưu tiên các đồ ăn dễ tiêu trong thực đơn ở cữ sau sinh mổ. Điều này sẽ làm giảm áp lực cho hệ tiêu hóa, giúp cơ thể hấp thụ dinh dưỡng dễ dàng hơn.