Mẹ dạy con gái phong cách đoan trang, tinh thần quý tộc để là phụ nữ Hà thành duyên dáng, thanh lịch

Phụ nữ Hà thành chính gốc có một phong cách rất đặc trưng, thể hiện rất rõ nét trong cuộc sống đời thường ở nơi kinh kỳ phố thị, được rèn giũa từ nhỏ để ở môi trường nào cũng bật lên tinh thần quý tộc.

Phụ nữ Hà thành có một phong cách riêng và rất đặc trưng, nó thể hiện rất rõ nét trong cuộc sống đời thường ở nơi kinh kỳ phố thị.

Người phụ nữ Hà thành bao giờ cũng là người dậy sớm nhất trong nhà, khi mà mọi người vẫn còn ngủ họ đã nhẹ nhàng làm những việc dọn dẹp nhà cửa để đến khi mọi người dậy thì nhà cửa đã được tinh tươm sạch sẽ như là có một cô Tấm từ ngày xưa hiện về.

Phụ nữ Hà thành xưa. Ảnh minh họa.

Phụ nữ Hà thành xưa. Ảnh minh họa.

Bữa cơm quây quần của cả nhà, người vợ luôn ngồi đầu nồi để xới cơm cho các thành viên trong gia đình và không bao giờ quên tiếp thức ăn cho bố mẹ, chồng con.

Người phụ nữ Hà thành rất tinh tế nên thường chú ý tới việc chọn các món ăn sao cho phù hợp với thời tiết và thời điểm theo từng mùa. Ví dụ:

- Mùa hè chọn những món giải nhiệt như bát canh sấu nấu sườn non.

- Canh hoa thiên lý hay canh rau ngót cần nấu với một chút giò sống.

- Các món kho thì dành cho những ngày mát trời và mùa đông.

Cách chọn thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày cũng là cả một nghệ thuật của những phụ nữ gốc Hà Nội sành ăn.

Chẳng hạn như:

- Rau cần chỉ ăn vào tháng Chạp, tháng Một vì khi ấy ngọn rau mới trắng, mềm và ngọt.

- Cá rô thì phải cá rô Đầm sét, ngon nhất vào tháng Ba.

- Rau húng thì phải chọn loại húng Láng mới thơm.

- Đậu phụ thì phải mua sao cho được loại đậu Mơ vừa mịn vừa ngậy.

- Bún thì phải chọn mua loại bún Phú Đô trắng ngần.

- Rau muống ngon phải là thứ rau muống nước thả bè trong hồ, cọng xanh, dài mà nhỏ...

Phụ nữ Hà thành xưa dạy con gái văn hóa ứng xử đoan trang, nhã nhặn từ nhỏ. Ảnh minh họa.

Phụ nữ Hà thành xưa dạy con gái văn hóa ứng xử đoan trang, nhã nhặn từ nhỏ. Ảnh minh họa.

Phong cách đi đứng giao tiếp trong văn hóa ứng xử của người con gái Hà thành cũng rất đoan trang, nhã nhặn thể hiện từ những bước chân khẽ khàng, từ bàn tay nhỏ nhắn che cái miệng đầy duyên dáng khi cười.

Người ta hiếm khi nào thấy những cô gái Hà thành xưa vội vàng, hấp tấp mà để lộ ra cái vẻ hớ hênh, vô duyên của mình. Dù vội đến mấy, họ vẫn mang dáng vẻ điềm đạm, khoan thai và từ tốn.

Trong phong cách ứng xử gia đình, người phụ nữ Hà thành xưa nổi tiếng là đằm thắm, dịu dàng và lễ phép, họ không bao giờ cãi lại cha mẹ hay chồng mình và luôn thưa gửi vâng dạ lễ phép khi nói chuyện. Không hỏi câu cụt vô lễ và khi trả lời lúc nào cũng có chữ "ạ" ở cuối câu.

Với con cái, những bà mẹ người Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục nhân cách cho trẻ.

Tự bản thân họ luôn cố gắng làm thật tốt mọi việc để các con lấy đó làm gương mà học tập.

Họ uốn nắn con trong từng cử chỉ, lời nói, nhất là con gái trong những việc nấu ăn và nữ công gia chánh cũng như những cái thuộc về công dung ngôn hạnh.

Chính nhờ thế cho đến bây giờ, ở người con gái Hà Nội vẫn giữ lại được ít nhiều cái vẻ đằm thắm, duyên dáng đó, nó được kế tục từ mẹ, từ bà mình.

Những nét đẹp rất riêng, rất khó trộn lẫn ấy sẽ còn tiếp tục được lưu truyền cho các thế hệ tiếp theo.

Những điều dạy con gái về "tinh thần quý tộc" của nhiều bà mẹ Hà Nội xưa:

1. Con gái nhất định phải học nấu cơm. Việc này không liên quan với chuyện hầu hạ người khác. Mà khi những người yêu thương con không ở bên cạnh, con có thể đối đãi bản thân thật tốt (đó là con có thể độc lập sinh tồn).

2. Con nhất định phải học lái xe - việc này không liên quan với thân phận địa vị - như thế vào bất cứ lúc nào, con cũng có thể cất bước đi đến bất cứ nơi nào con muốn, không phải cầu cạnh bất cứ người nào (đó là tự do).

3. Dấu chân có bao xa thì lòng dạ có bao rộng. Con có tấm lòng rộng rãi mới sống vui vẻ. Ngộ nhỡ đi không xa được thì hãy để sách vở đưa con đi (đó là dạy con cách mở rộng tầm nhìn của mình, nhờ vào tầm nhìn của tri thức).

4. Trời sập xuống cũng đừng khóc lóc, đừng oán trách. Bởi như thế chỉ khiến người yêu thương con càng đau lòng, những kẻ hận thù con thêm đắc ý (đó là bình tĩnh chấp nhận sự việc, những người yêu thương con đương nhiên sẽ quan tâm).

5. Dù ăn cơm trộn nước tương cũng phải trải khăn ăn sạch sẽ, ngồi với tư thế trang nhã. sống cuộc sống giản đơn theo cung cách quý tộc (đó là phong độ không liên quan đến cảnh ngộ).

6. Khi đến phương xa, ngoài máy ảnh nhớ mang theo giấy bút. Phong cảnh giống nhau, nhưng tâm tình ngắm cảnh mãi mãi không trùng lặp (hình ảnh và ký ức tình cảm là khác nhau).

7. Nhất định phải có không gian thuộc về mình, dù chỉ hơn chục mét vuông. Không gian đó giúp con cãi nhau với người yêu khi giận dỗi, bỏ đi không đến nỗi lưu lạc đầu phố, đụng phải kẻ xấu. Quan trọng hơn là khi con nông nổi thì có một nơi để con bình tĩnh lại, cho lòng mình một góc ở yên tĩnh (đó là tạo cho mình nhân cách độc lập).

8. Lúc nhỏ phải có kiến thức, lớn lên phải có từng trải thì con mới có cuộc đời tinh tế đẹp đẽ (đọc từng trải của người khác, tìm từng trải của bản thân).

9. Bất kể lúc nào đều phải làm một người hiền lành, lương thiện. Hãy ghi nhớ: Lương thiện sẽ khiến con trở thành người được trời cao chiếu cố nhất (kiểu chiếu cố này không hẳn là giàu có và quyền thế, mà là "thiện có thiện báo" - thứ được báo đáp là tình yêu thương).

10. Nụ cười, ưu nhã, tự tin là của cải tinh thần lớn nhất. Sở hữu chúng là con sẽ sở hữu tất cả.

10 tinh thần quý tộc con gái cần phải học và ứng dụng nhuần nhuyễn để ở môi trường nào cũng toát lên được vẻ đẹp tinh thần quý tộc.

Tuệ Phong

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/me-day-con-gai-phong-cach-doan-trang-tinh-than-quy-toc-de-la-phu-nu-ha-thanh-duyen-dang-thanh-lich-172220320200912309.htm