'Mẹ đỡ đầu' kết nối yêu thương cho hơn 27.000 trẻ em mồ côi ổn định đời sống

Chương trình'Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương' do TW Hội LHPN Việt Nam phát động sau 2 năm đã tạo được sức sống mạnh mẽ, lan tỏa ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong xã hội. Hơn 27.670 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đã được 'mẹ đỡ đầu' hỗ trợ ổn định đời sống.

‘Mẹ đỡ đầu’ kết nối yêu thương

Mất bố khi mới 3 tuổi, em Nguyễn Trần Anh Quân ở xóm Tân Lập, xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình cùng mẹ và chị gái dựa vào nhau để vượt qua nỗi đau. Nhà nghèo, gánh nặng đè lên đôi vai người phụ nữ khi mất đi trụ cột, cuộc sống của 3 mẹ con Quân càng khó khăn hơn. Chị em Quân thiếu tốn cả tình cảm và vật chất. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của mẹ con Quân, Hội LHPN xã Thịnh Minh đã nhận đỡ đầu em Quân. Được các ‘mẹ đỡ đầu’ hỗ trợ, Quân vui lắm. Lúc đồng quà, tấm bánh, khi quyền vở, tấm áo mới… động viên tinh thần đã giúp em vươn lên, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Hoàn cảnh của Quân chỉ là một trong hơn 27.000 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đã được chương trình ‘Mẹ đỡ đầu’ kết nối yêu thương hỗ trợ. Chương trình "Mẹ đỡ đầu" được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động từ tháng 10/2021.

Các em nhỏ trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn thiệt thòi một phần thì với những trẻ mồ côi thiệt thòi gấp nhiều lần. Ở tuổi ‘ăn chưa no, lo chưa tới’, các em lại mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân… càng cần sự quan tâm đặc biệt, giải pháp hỗ trợ ổn định cuộc sống. Theo thống kê, đại dịch Covid-19 xuất hiện đã cướp đi sinh mạng của bao người và khiến hàng nghìn trẻ nhỏ mồ côi.

Mong muốn san sẻ tình cảm ấm áp, mang yêu thương, niềm vui đến với các em nhỏ mồ côi do Covid-19, ‘Mẹ đỡ đầu’ đã nhanh chóng lan tỏa. 100% Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc nỗ lực triển khai. Trong đó, chú trọng vận động, kết nối phụ nữ tại địa bàn trẻ mồ côi sinh sống nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình, quan tâm chăm sóc trẻ hằng ngày với tinh thần tự nguyện.

'Mẹ đỡ đầu' đã kết nối yêu thương, ổn định cuộc sống cho nhiều em thiếu may mắn

'Mẹ đỡ đầu' đã kết nối yêu thương, ổn định cuộc sống cho nhiều em thiếu may mắn

Bằng tình thương yêu, sự sẻ chia của cộng đồng, xã hội, thông qua chương trình "Mẹ đỡ đầu", cuộc đời của những đứa trẻ thiếu may mắn như Quân đã bước sang trang mới. Bên cạnh hỗ trợ các con về vật chất, tinh thần, các cấp Hội còn kết nối, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng các con mồ côi phù hợp với độ tuổi, tư vấn chăm sóc sức khỏe, tâm lý, tư vấn định hướng nghề nghiệp, liên hệ cơ sở đào tạo nghề, giới thiệu việc làm...; hỗ trợ kết nối thông tin liên lạc giữa Mẹ đỡ đầu và các con, nhắc nhở trẻ học tập, hướng dẫn làm việc nhà... tạo điều kiện để các con được phát triển trong môi trường gia đình và cộng đồng, không để trẻ em nào bị bỏ lại ở phía sau.

Giọt nước mắt hạnh phúc của cặp Mẹ đỡ đầu con nuôi trong Trại hè Hoa hướng dương lần đầu tiên dành cho trẻ mồ côi cấp toàn quốc

Giọt nước mắt hạnh phúc của cặp Mẹ đỡ đầu con nuôi trong Trại hè Hoa hướng dương lần đầu tiên dành cho trẻ mồ côi cấp toàn quốc

Điểm tựa của hơn 27.000 trẻ thiếu may mắn

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết, sự vào cuộc kịp thời, nhanh chóng, đầy quyết tâm của Hội phụ nữ các cấp với nhiều cách làm cụ thể, thiết thực, dựa trên thực tiễn của từng địa phương, bước đầu mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bằng tình thương yêu, sự sẻ chia của cộng đồng, xã hội, thông qua chương trình Mẹ đỡ đầu, cuộc đời của nhiều trẻ thiếu may mắn đã bước sang trang mới. Chương trình vừa trở thành điểm tựa vững chắc để các em mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh khó khăn, bước tiếp trên con đường tương lai phía trước.

Sau 2 năm Chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã huy động được gần 150 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 27.670 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, qua kết nối của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, đến nay qua đã có 34 mẹ đỡ đầu tại châu Âu cam kết nhận hỗ trợ, chăm sóc 56 con mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền.

Tập huấn kỹ năng, tư vấn hướng nghiệp cho các em nhỏ mồ côi

Tập huấn kỹ năng, tư vấn hướng nghiệp cho các em nhỏ mồ côi

Đặc biệt, từ thực tiễn triển khai Chương trình, nhiều địa phương đã và đang đề xuất nhiều gói chính sách để được hỗ trợ ngân sách, hỗ trợ/miễn học phí, mua bảo hiểm y tế... cho trẻ mồ côi nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Để chương trình được lan tỏa sâu rộng, các cấp Hội đã chủ động quán triệt, xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa tổ chức triển khai; sáng tạo, linh hoạt khai thác thế mạnh của mạng xã hội…Nhiều tỉnh/thành Hội hưởng ứng sớm, kết nối, vận động được nhiều tập thể, cá nhân nhận làm "Mẹ đỡ đầu" với nhiều cách làm sáng tạo.

Các cấp Hội đã hưởng ứng chương trình 'mẹ đỡ đầu' bằng những cách làm sáng tạo, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.

Các cấp Hội đã hưởng ứng chương trình 'mẹ đỡ đầu' bằng những cách làm sáng tạo, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.

Chẳng hạn, Đồng Tháp đã thành lập các tổ/nhóm mẹ/CLB tự nguyện phân công luân phiên chăm sóc, đỡ đầu trẻ mồ côi do Covid-19 và trẻ mồ côi do nguyên nhân khác; Hội LHPN Thanh Hóa thành lập nhóm "Mẹ đỡ đầu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi", xây dựng các mô hình "Nuôi lợn nhựa", "Tổ tiết kiệm, tín dụng" nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ cho trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu; Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ phối hợp tham mưu nhận bảo trợ chi phí học tập, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể đến năm 18 tuổi cho trẻ có cha, mẹ mất vì Covid-19 trên địa bàn thành phố...

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/me-do-dau-ket-noi-yeu-thuong-cho-hon-27000-tre-em-mo-coi-on-dinh-doi-song-17223112322010332.htm