Mẹ ơi! Con cũng muốn về quê đón Tết

Tết là khoảng thời gian để mọi nhà sum họp sau một năm làm việc tất bật thế nhưng không phải ai cũng có điều kiện để về quê đón Tết. Gia đình chị Trần Thị Minh Hiền và anh Trần Long cũng vậy, ròng rã 19 năm qua, Tết đối với gia đình anh chị vẫn chỉ là ước mơ xa vời.

Dành tiền tiêu Tết để đóng học phí cho con

Thời điểm cận Tết, chúng tôi tìm đến gia đình anh Long, chị Hiền, căn phòng nhỏ chưa đầy 12m2 nằm vỏn vẹn trên đường Đặng Nguyên Cẩn, Phường 14, Quận 6 là nơi diễn ra mọi hoạt động của 4 thành viên trong gia đình anh chị, từ ăn uống, sinh hoạt đến ngủ nghỉ.

Hơn 12 giờ cũng là lúc mẹ con chị Hiền đang ăn dỡ bữa cơm trưa, ngồi thọt lỏm một góc nhà, thực đơn của hai mẹ con chị chỉ có khúc cá mặn và bát canh lơ thơ vài cọng rau, với bản tính hiếu khách của người miền Tây, chị Hiền nhanh nhảu nói: “Xuân ơi, lấy chén mời các chị ăn cơm” rồi chị đứng lên pha vội ly nước chanh mời chúng tôi uống. Xuân chính là con gái đầu lòng của anh chị, cô bé khá thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa nhưng ngoan và học rất giỏi.

Bưng bát cơm trên tay, chúng tôi cảm nhận được chị đang muốn nói một điều gì đó, lúc này hai hàng nước mắt chị bắt đầu rưng rưng: "19 năm rồi chưa biết mùi Tết ở quê như thế nào con ạ, muốn về quê ăn Tết lắm nhưng tiền đâu mà về, về tiêu hết tiền rồi lấy đâu ra để đóng học phí cho hai đứa nhỏ", vừa nói chị vừa giơ múi áo lên gạt vội nước mắt. Kế bên, bé Xuân con gái của chị cũng trầm tư bởi ký ức của em về quê hương rất mơ hồ.

Từ lúc Xuân và cậu em đi học, cuộc sống của gia đình anh chị càng vất vả, thiếu thốn hơn. Trong gia đình, anh Long là người gánh vác trọng trách chính, hiếm khi gặp anh ở nhà vì nghĩ một bữa thì lấy tiền đâu ra để mua gạo rồi lo cho hai đứa con ăn học. Kể về anh Long, chị Hiền chỉ vội bức ảnh cưới của hai vợ chồng trên góc tường rồi nói: “Anh gầy lắm, người ta đi làm còn có giờ nghỉ chứ anh đi từ sáng đến đêm, bao nhiều tiền của đổ dồn lo cho vợ con hết”. Mọi chi phí trong gia đình, khoản nhỏ khoản lớn đều một tay anh gánh vác, có những đêm kiệt sức nhưng hễ có người gọi đi làm than, anh vẫn gượng dậy kiếm thêm vài trăm để trang trải chi phí hàng ngày.

19 năm rồi, chị Hiền không được về quê đón Tết

19 năm rồi, chị Hiền không được về quê đón Tết

Tết năm nay đối với gia đình anh chị cũng giống như cái Tết của 19 năm qua, hiu quạnh và cô đơn bởi thời điểm này, người người, nhà nhà đều sắm sửa về quê đón Tết nhưng gánh nặng mưu sinh vẫn đè nặng lên đôi vai gầy của đôi vợ chồng nghèo. Ước mơ về quê ăn Tết vẫn chỉ lắng đọng trong suy nghĩ và mãi chẳng thành hiện thực bởi bữa cơm qua ngày còn khó huống gì bỏ ra mấy triệu để về quê.

Nghe bé Xuân kể mà chúng tôi cũng thấy nao lòng, Xuân nói khi được bạn bè rủ về quê chơi, em cũng muốn về quê của mình để bắt ốc rồi gặp bà con hàng xóm nhưng nhà em nghèo nên đành chịu. Đối với Xuân, em không mơ ước nhiều chỉ đơn giản là được một lần về quê đón Tết, cậu em Long Quang cũng vậy.

Đối với nhiều người, về quê đón Tết là điều hết sức bình thường nhưng với gia đình chị Hiền đó là câu chuyện thấm nước mắt. Tết của gia đình chị nơi xứ người cũng chỉ có dĩa trái cây đặt lên bàn thờ, ngoài ra chẳng có bánh cũng không có hoa hay quần áo mới vì phải dành dụm tiền để đóng học phí cho hai con vào học kỳ tới. Làm lụng cả năm tất bật nhưng cũng chẳng dư giả đồng nào vì cảnh sống nhà trọ làm thuê vẫn mãi đeo bám lấy anh chị.

Vậy là lại thêm một cái Tết buồn!

Xóm trọ nghèo và bà chủ trọ tốt bụng

Xóm trọ nơi gia đình chị Hiền và những hộ khác sinh sống được mọi người đặt cho cái tên rất thân thiện “xóm trọ đoàn kết” bởi ở đó mọi người sống với nhau bằng tình nghĩa chứ không sống vì vật chất. Có lẽ đó cũng là lý do mà có những gia đình đã gắn bó trên 20 năm, thậm chí có những người gom góp tiền đủ để mua nhà nhưng vẫn không muốn dọn đi. 16 căn phòng chứa đựng 16 hoàn cảnh, số phận khác nhau, đa số mọi người đều đến đây để sinh cơ lập nghiệp.

Tiếp xúc với những người thuê trọ, chúng tôi nghe họ nhắc đến bác Tư rất nhiều lần, cũng có người coi bác Tư là ân nhân có người lại xem đó là người mẹ hiền thơm thảo. Khá tò mò nên chúng tôi gặng hỏi thì biết được đây chính là bà chủ của xóm trọ đoàn kết, người ta hay gọi chị Huyền là bác Tư bởi tấm lòng nhân hậu, bao dung của chị khiến rất nhiều người nể phục. Dù gia cảnh khá giả nhưng chị Huyền luôn coi những người thuê trọ như thân nhân trong gia đình, chẳng bao giờ chị hắt hủi hay tỏ vẻ khinh thường.

Ở đây, mọi người sống với nhau rất chân tình, đúng với câu nói hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Hễ nhà nào có người đau ốm hay túng thiếu thì những người còn lại sẵn lòng chung tay giúp đỡ, có được những điều trên là nhờ vào tấm chân tình của bà chủ trọ vì đối với chị Huyền, mỗi người sinh ra số phận đã an bài, chỉ có những người khó khăn mới cần sự giúp đỡ nên làm được gì thì chị luôn sẵn sàng. Nghe chị kể về những hoàn cảnh trong xóm trọ, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn đây là một người phụ nữ rất tuyệt vời.

Có những ngày, xóm trọ trở nên náo nhiệt hơn vì bà chủ đãi chè, đãi gà, nhà nào nhiều người thì cho nhiều hơn, nhà nào ít người thì lấy ít còn hễ ai hết gạo, không có thức ăn thì chị Huyền lại rộng lòng chia sẻ. Hiếm gặp bà chủ trọ nào đi bớt tiền trọ cho khách thuê rồi cho nợ tiền từ tháng này qua tháng khác, ai có tiền thi đóng chứ chị không đòi.

Ánh mắt xa xăm của người phụ nữ nghèo

Ánh mắt xa xăm của người phụ nữ nghèo

Hình ảnh bà chủ trọ chạy đôn chạy đáo lo cho người nghèo từ bữa ăn đến những bộ quần áo rồi lo cho đứa con của người thuê trọ từng bình sữa, chậu nước tắm làm ai cũng phải xúc động. Có những ngày vì không nỡ để bà cụ kế bên ở một mình nên chị đành nghỉ công việc kinh doanh, thi thoảng lại hé cửa xem cụ ăn uống, ngủ nghỉ như thế nào.

Tết đến, biết được nhiều người không đủ điều kiện về quê nên chị Huyền lại âm thầm chuẩn bị quà, bánh rồi động viên. Dù buồn vì không được về quê tụ họp cùng gia đình nhưng đối với những người trong xóm trọ đoàn kết, Tết này họ vui hơn vì đã có bà chủ tốt bụng.

Gia Nguyễn

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/me-oi-con-cung-muon-ve-que-don-tet-34672.html