Mẹ tôi

Sau ngày Giải phóng miền Nam năm 1975, cha tôi từ chiến trường trở về, cùng mẹ ngược lên miền núi xây dựng vùng kinh tế mới. Do vết thương cũ tái phát khiến cha đau ốm thường xuyên. Rồi cha lâm bệnh chết khi tôi còn đang đỏ hỏn, mẹ đau đớn, gắng gượng nuôi chị em tôi sống qua ngày, chẳng bao lâu sau nỗi đau chồng chất nỗi đau khiến mẹ kiệt sức.

Tôi được xóm làng thay nhau chăm sóc cho đến khi một người bác họ ở dưới xuôi đưa về Làng Vườn nuôi. Khốn thay, gia cảnh ông bác họ cũng khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nên tôi phải lang thang khắp nơi để kiếm sống. Rồi tôi cũng được đi học và mỗi khi tiếng trống tan trường vừa dứt, bạn bè cùng trang lứa chạy ùa ra sà vào lòng cha mẹ đang chờ đón, riêng tôi vẫn lầm lũi một mình, cô độc trên nẻo đường làng. Trong ký ức của tôi luôn hiện hữu một người chị gái theo lời kể của bác họ tôi. Tôi muốn đi tìm chị! Tôi muốn có người thân!

Vừa cắp sách đến trường với những bước chân trần lầm lũi, cũng là lúc trời đổ cơn mưa, nhìn thấy các bạn được cha mẹ che ô dắt vào lớp, bao ký ức trong tôi ùa về: Tại sao mình không được như các bạn? Tại sao mình không có cha, mẹ hay anh chị em? Nghĩ về mảnh đời của mình mà thấy cùng cực. Đứa trẻ 13 tuổi khi ấy là tôi đứng một mình trong mưa, mặc kệ những dòng nước mắt cứ thế tuôn rơi. Từ trong lớp, cô giáo Phan Kim Anh vội chạy ra kéo tôi vào mái hiên. Tôi hét to: “Em không muốn học nữa, học để làm gì khi không có bố mẹ, em muốn có mẹ, em muốn gặp chị!”. Trong lúc gào thét đau khổ, tôi không còn nhận ra những dòng nước mắt hay những giọt nước mưa đang lăn dài trên má. Cô giáo lấy hết sức kéo tôi vào phía trong, vội vàng lau khô mái tóc và chở tôi về nhà trên chiếc xe đạp cũ, lấy bộ quần áo sạch thay cho tôi. Tôi chán chường trong dòng nước mắt cùng cực. Cô xoa dầu gió lên trán, lên thái dương và ôm chặt tôi vào lòng như trao cho tôi hơi ấm: “Con trai, mẹ sẽ luôn ở bên con. Con hãy ở lại đây với mẹ, con phải cố gắng học để đỗ đại học và mang vinh dự về cho mẹ, hiểu không?”. Kể từ đây, tôi trở thành người con của gia đình cô, cô thương tôi như hai con đẻ của cô vậy. Nhưng tôi hiểu những khó khăn, vất vả của cô, tôi quyết định không ở cùng gia đình cô mà quay về túp lều cũ với cuộc sống tự lập.

Từ lúc nhận tôi làm con, cô lại thêm gánh nặng gia đình. Ngoài thời gian đi dạy ở trường, cô còn trồng rau, nuôi gà, bắt cua, bắt ốc ... để kiếm thêm thu nhập. Ngày thu hoạch lứa gà đầu tiên, cô vui mừng ra mặt. Cô lấy ra 3 nghìn đồng rồi nói: “Đây là tiền sinh hoạt của con tháng tới, số còn lại mẹ dành dụm để mua sách vở cho con và các em. Dù khó khăn đến đâu con cũng phải đi học”.

Những ngày nghỉ cuối tuần, Cô cứ làm việc quần quật ngoài vườn, cô nói, sẽ cố gắng làm để có thể kiếm thêm chút ít tiền. Thời tiết sang đông, tay cô bị rộp trắng hết, cô cũng không dám bỏ tiền ra mua đôi găng tay. Biết vậy, tôi chi tiêu tiết kiệm để dành chút tiền mua găng tay cho cô. Cô biết chuyện, mắng tôi một trận. Cô ước gì một đồng có thể tách làm nhiều phần để tiêu. Ngoài việc chi tiêu cho những đồ dùng thiết yếu trong sinh hoạt, cô chưa bao giờ tiêu hoang phí một đồng, kiếm được đồng nào là cô lại gom góp đi mua cho tôi cái cặp mới và vài quyển sách. Cũng từ đó, cô chưa bao giờ mua cho mình một chiếc áo mới, những chiếc áo cô mặc toàn là những đồ người ta không mặc nữa và mang cho. Cứ có thời gian là cô lại ngồi dưới ánh đèn, ghi ghi chép chép gì đó trong sổ, cô nói với tôi: “Con trai à, với đồng lương giáo viên và tích cực làm việc, các con của mẹ chắc chắn sẽ trưởng thành”. Khuôn mặt thanh tú, dáng dấp thon gọn, lẽ ra cô phải được sung sướng, thế mà... Nhìn cô ăn mặc kham khổ, lòng tôi không khỏi xót xa. Mấy lần tôi nói với cô là tôi muốn nghỉ học, nhưng mỗi lần như vậy, tôi đều bị cô mắng cho một trận. Lần cuối cùng, sợ tôi nhất mực bỏ học, cô kiên quyết: “Nếu như con bỏ học thì chúng ta không còn là mẹ con nữa!”.

Cô dạy môn vật lý nhưng rất thu hút học sinh, các tiết học của cô, chúng tôi đều thuộc bài tại lớp. Cô còn thường xuyên đọc sách và kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Cô đọc cái gì hiểu cái đó, nhưng việc mà có lẽ cô thích làm nhất lại là đứng bên giám sát tôi làm bài tập. Mỗi lần như vậy, trong mắt cô luôn ánh lên sự ngưỡng mộ và tràn đầy hy vọng. Cũng vì thế, tôi biết rằng mình không thể có lựa chọn nào khác ngoài học. Thành tích học tập của tôi ngày càng tốt, cô vui lắm. Cô nói với tôi: “Con à, mẹ phải tích cóp ít tiền để cho con đi học đại học nữa chứ!”.

Mỗi năm, tôi đều thấy cô đi đâu đó vài ngày, tôi hỏi cô đi đâu, cô chỉ nói là cô ra ngoài để tìm hiểu thêm cho biết. Hằng ngày tôi vừa đi học vừa phải kiếm tiền mưu sinh nên cũng không để tâm lắm chuyện đó.

Thời gian thấm thoát trôi, đã đến ngày tôi thi đại học. Cô bận rộn chuẩn bị đồ dùng, đồ ăn thức uống cho tôi. Cô nói: “Con trai, cố gắng lên nhé! Mẹ đợi ngày này từ lâu lắm rồi”. Nhìn dáng cô tất bật, tôi cảm thấy động lòng. Mấy năm nay, đã quen với sự chăm sóc của cô, bất luận là lúc nào hay nơi đâu, chỉ cần tôi gọi cô một tiếng là cô đến ngay bên tôi để giúp đỡ, cô đã cho tôi một cuộc sống an yên hạnh phúc. Tôi chỉ muốn ôm lấy cô mà nói lời cảm ơn, nhưng nghĩ mình đã 18 tuổi nên cũng cảm thấy có chút xấu hổ, tôi gọi một tiếng: “Mẹ!”. Cô quay lại nhìn tôi trong hạnh phúc: “Cuối cùng, con cũng đã gọi ta là mẹ!”

Không lâu sau, tôi nhận được giấy báo trúng tuyển vào Học viện Chính trị, điều mà mẹ con tôi mong ước bấy lâu nay đã đến. Tôi chạy một mạch đến nơi làm việc của mẹ để báo tin, mẹ vui mừng rơi nước mắt: “Mẹ biết mà, con của mẹ luôn là người giỏi nhất!”.

Trước khi tôi đi, mẹ chuẩn bị cho tôi đầy đủ đồ dùng cá nhân và lấy ra một xấp tiền, nói là mẹ đã chuẩn bị số tiền cho tôi bước vào giảng đường đại học. Tôi chỉ lấy đủ số tiền đi đường, còn lại để dành lo việc khác. Tôi nói Học viện chính trị không mất học phí, còn chi tiêu sinh hoạt đều có phụ cấp hằng tháng, quần áo cũng được cấp phát đầy đủ. Mẹ không đồng ý. Tôi nói: “Chẳng phải là mẹ đang muốn có một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sao?”. Mẹ nở một nụ cười hiền từ.

Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi, tôi được điều về một đơn vị ở thành phố Vinh công tác. Không lâu sau tôi đã có bạn gái. Khi biết tin tôi có bạn gái, mẹ vui mừng khôn xiết, mẹ nói khi nào có thời gian thì đưa bạn gái về cho mẹ xem mặt. Tôi bảo với mẹ: “Mẹ, mẹ cũng phải lo chăm sóc sức khỏe bản thân đi chứ!”. Mẹ nói: “Con trai mẹ thành đạt là liều thuốc quý nhất cho sức khỏe của mẹ”.

Trong bức thư mẹ viết cho tôi có đoạn: “Vì hôm nay bình an và ngày mai tươi sáng cho con, mẹ đã quyết định dùng số tiền mẹ tích lũy cho con vào giảng đường đại học để thực hiện kế hoạch tài chính, mọi người thường gọi là bảo hiểm nhân thọ. Thế là từ nay mẹ hoàn toàn yên tâm, cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, con của mẹ vẫn có một quỹ dự phòng chăm sóc sức khỏe toàn diện từ kế hoạch này con nhé. Mẹ đã vơi đi gánh nặng âu lo. Và đó còn là cả một công trình chung mang tên hai mẹ con mình. Mẹ luôn tin, sau này con sẽ biết sống thật tốt để xứng đáng với những gì mẹ đã, đang mong đợi ở con. Đừng lo cho mẹ con nhé! Có vất vả hơn một chút nhưng để con được thành công thì mẹ luôn vui lòng! Mẹ yêu con nhiều nhất trên đời!”. Đọc đến đây tôi không cầm được nước mắt: Thì ra số tiền tôi gửi lại lúc vào giảng đường đại học mẹ đã mua cho tôi một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tôi tự trách mình đã làm cho mẹ phải vất vả.

Tôi biết tính mẹ tôi nói là làm. Vì thế, ngày đó, nguyện vọng lớn nhất của tôi là phải cưới vợ. Nhưng bạn gái tôi yêu cầu cưới xong phải ở tại gia đình cô ấy. Tôi không làm được, bởi tôi muốn được ở gần mẹ và có chỗ hương khói cho bố mẹ đẻ của tôi. Vì thế chúng tôi chỉ còn cách chia tay nhau. Khi mẹ tôi biết được tin này thì tôi đã về đến nhà.

Túp lều ngày xưa tôi đã từng ở nhờ nay phải dỡ bỏ do chủ nhà quy hoạch. Tôi ngơ ngác đứng nhìn túp lều với bao kỷ niệm. Khi biết chuyện, mấy ngày liền tôi thấy mẹ cứ chạy ra ngoài không biết có việc gì. “Hay mẹ gán ghép tôi cho một cô gái nào đó?”. Cứ nghĩ vậy, trong lòng tôi lại thấy vui vui. Công việc của tôi đã ổn định, tôi cũng đã có bạn gái mới, cô ấy đồng ý cùng tôi bắt đầu cuộc sống mới. Hơn nữa, cô ấy là học trò cũ của mẹ tôi, điều quan trọng nhất là cô ấy rất mực yêu thương tôi. Vì thế, tôi nghĩ mẹ con chúng tôi sắp có cuộc sống hạnh phúc thực sự.

Hai mẹ con tôi ngồi hoạch định tương lai: Một căn nhà mẹ dành dụm tiền mua được là của vợ chồng tôi. Nếu như tôi cảm thấy chật chội, mẹ sẽ bán đi lo thêm ít tiền để mua căn khác rộng hơn một chút. Tôi nói: “Mẹ, việc của con mẹ không phải bận tâm lo lắng, mẹ cũng phải tính cho tương lai của hai em và tuổi già của mẹ đi chứ!”. Mẹ cười cười: “Lo cho con xong thì mẹ mới lo phần còn lại”. Nói vậy, nhưng có lúc tôi thấy mẹ một mình trong phòng khép cửa lại, ngồi bần thần trước một đống báo, thấy tôi vào, mẹ vội vàng cất giấu đi. Tôi nghĩ chắc mẹ có chuyện gì còn giấu tôi và chưa muốn nói cho tôi biết.

Hai năm sau, tôi cưới vợ. Để mẹ đỡ vất vả, tôi hỗ trợ mẹ ít tiền nuôi hai em ăn học nhưng mẹ một mực không nhận. Tôi nói: “Đây là trách nhiệm của con đối với hai em”. Không ngăn được tôi, mẹ đành trả lời: “Thôi được, mẹ sẽ cất số tiền này lại, sau này con còn nhiều việc cần dùng đến nó!”.

Đêm đến, tôi suy nghĩ không ngủ được, trong lòng cảm thấy trống vắng. Vợ thấy tôi không ngủ được cũng thức nói chuyện cùng tôi. Tôi lại kể cho vợ nghe câu chuyện về mẹ con tôi, về những ngày tôi được mẹ cưu mang. Kể chuyện mà nước mắt tôi cứ lăn dài trên má. Vợ tôi bảo: “Em hiểu, kỳ thực, trong lòng anh, cô giáo chính là người mẹ mà anh trân quý nhất”. Đúng vậy, vẫn là vợ tôi rất hiểu tôi, đã nói đúng tiếng lòng của tôi. Được vợ an ủi, tôi cũng dần chìm vào giấc ngủ. Trong giấc mơ, tôi mơ thấy ngày mẹ còn trẻ, khuôn mặt thanh tú, dáng người nhỏ nhắn, nói với tôi rằng: “Con trai, đừng sợ, có mẹ ở đây rồi!”.

Hôm đó, tôi đang ở đơn vị bỗng mẹ tôi điện thoại đến, giọng thảng thốt: “Con trai, có việc gấp, con về nhà mẹ ngay nhé!”. Tôi vội chạy về nhà mẹ thì thấy có một người phụ nữ đang ngồi trong phòng khách, trông khuôn mặt khắc khổ, còn mẹ tôi đứng đó, khóc mắt đỏ ngầu. Tôi hỏi mẹ: “Chị ấy là ai, đã xảy ra chuyện gì vậy?”. Mẹ nói: “Con nhìn kỹ xem, con không nhận ra chị của con sao?”. Nói đoạn, mẹ tôi lại nước mắt như mưa.

Tôi nhìn kỹ người phụ nữ kia, chị ấy có vẻ ngượng ngùng mắc cỡ như đang ngồi trên thảm kim vậy. Đôi mắt ấy, thần thái ấy chính là người chị mà tôi đã âm thầm tìm kiếm gần 30 năm nay. Tôi bỗng cảm thấy tức giận, hỏi một cách lạnh lùng: “Sau khi bố, mẹ mất chị bỏ em mà đi, không cần để ý em còn sống hay đã chết, giờ còn quay về làm gì nữa?”. Chị nghẹn ngào mãi không thốt ra lời, chỉ thấy nước mắt chị trào ra.

Mẹ tôi nói: “Con trai, con đừng như vậy, chẳng phải chị con đã quay trở về rồi sao?”. Tôi càng thêm bực tức: “Để cho chị ấy đi, lúc mẹ con mình khốn khó nhất, chị ấy đã bặt vô âm tín, giờ còn quay lại tìm con làm gì chứ?”.

Chị lấm lét nhìn tôi, rồi đứng dậy liêu xiêu đi ra cửa. Mẹ tôi chạy ra ôm chặt lấy chị và quay lại mắng tôi: “Con, con đừng có mà trẻ con như vậy, dù thế nào thì đó cũng là chị gái ruột của con”. Dù mẹ đã nói vậy, nhưng tôi vẫn không thể bỏ qua, tôi vẫn một mực nói rằng, tôi không có người chị như vậy, rồi vùng vằng bỏ đi, tôi vừa đi vừa khóc.

Mẹ chạy đuổi theo tôi, mẹ kể về những chuyện trước đây của mẹ, tôi lại một lần nữa rơi lệ. Hóa ra mấy năm nay, mỗi lần mẹ chạy ra ngoài đi đâu đó đều là đi tìm chị gái tôi. Bao năm nay, mẹ một mình đi khắp nơi tìm kiếm, những tờ báo mà mẹ giấu tôi cất đi chính là những tờ báo mẹ đăng tin tìm chị tôi. Khi túp lều cũ bị dỡ bỏ, mẹ sợ nhỡ may chị tôi có tìm về lại không biết tôi đang ở đâu, thế là mẹ đi khắp các đồn công an, các thôn xóm trong xã để đưa cho họ những thông tin phòng khi chị tôi về có thể liên hệ với mẹ. Mẹ tôi nói: “Bao năm nay, chị con lang thang bên ngoài cũng không biết phải chịu bao nhiêu khổ cực rồi. Làm người, chúng ta không nên quên đi tình nghĩa con ạ, huống chi, đây còn là chị em ruột thịt, giờ chị con đã quay về, con còn phải cảm ơn chị mới phải!”.

Những lời nói của mẹ đưa tôi quay trở lại với quá khứ. Lúc nhỏ, chị thường bế tôi giơ cao trên đầu nô đùa cùng tôi, cũng từng xót xa lo lắng mỗi lần tôi bị ốm...

Tôi và mẹ quay trở về, nhìn chị trong bộ dạng gầy yếu, khắc khổ, tôi chợt thấy cay cay nơi sống mũi. Chị em tôi ôm nhau mà khóc, tôi khóc gào lên như mắc nợ một điều gì đó.

Tôi nói với chị: “Đi thôi, đi về nhà em!”. Bước chân vào nhà, trước bàn thờ bố mẹ, chị tôi khụy xuống nghẹn ngào trong tiếng khóc “Suốt 30 năm qua con sống trong buồn tủi và đau khổ mỗi khi nghĩ đến em trai, hôm nay chị em con đã được đoàn tụ nhờ mẹ nuôi của Em. Em trai con đã trưởng thành, đã có một gia đình đầm ấm và nơi hương khói cho bố mẹ”.

Mẹ tôi nói đúng, “Ông trời không lấy đi của ai tất cả”, tôi sống cảnh mồ côi từ nhỏ nhưng đã có Mẹ bù đắp tình cảm cho tôi, luôn che chở tôi trong mọi hoàn cảnh, tìm lại cho tôi người thân, định hướng cho tôi cách cư xử phải đạo. Cho dù có cùng huyết thống hay không, mẹ vẫn là người mẹ tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi.

Phạm Thanh Trâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/me-toi-post430616.html