Mệnh lệnh chiến lược

Khi bối cảnh toàn cầu tiếp tục có nhiều biến đổi không lường, Liên minh châu Phi (AU) nhận thấy bản thân đang ở thời điểm then chốt. Với việc ngày càng có nhiều quốc gia có ảnh hưởng ủng hộ tư cách thành viên đầy đủ của họ trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nhà quan sát cho rằng, AU nên nắm bắt thời điểm này để định vị chiến lược trên trường thế giới.

Lá cờ của Liên minh châu Phi (AU) Nguồn: telanganatoday.com

Lá cờ của Liên minh châu Phi (AU) Nguồn: telanganatoday.com

Theo trang phân tích Project syndicate, nhiều thành viên nổi bật nhất của G20, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Pháp, đã lên tiếng ủng hộ AU, trong khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hiện đang là Chủ tịch của G20, đề xuất trao quy chế thành viên thường trực đầy đủ cho AUtại Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới ở New Delhi.

Những lợi ích tiềm năng của tư cách thành viên G20 đối với các quốc gia châu Phi là rất lớn, từ việc định hình các chính sách kinh tế toàn cầu đến thúc đẩy các sáng kiến phát triển bền vững. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả lợi ích tiềm năng đó, AU cần phải có chiến lược rõ ràng. Theo Tổng thống Senegal Macky Sall, nếu trở thành thành viên đầy đủ, các nhà lãnh đạo châu Phi có thể giúp xây dựng một hệ thống tài chính toàn cầu công bằng và toàn diện hơn, cũng như các giải pháp đa phương để giải quyết các thách thức cấp bách như biến đổi khí hậu và đại dịch - vì lợi ích của tất cả. Theo các nhà phân tích, chiến lược như vậy cần dựa trên 4 trụ cột sau:

Lựa chọn đại diện và thống nhất lập trường kinh tế

Một trong những bước đầu tiên mà AU cần thực hiện là lựa chọn cẩn thận các đại diện của mình cho G20. Mặc dù Chủ tịch AU đương nhiệm có vẻ như là lựa chọn hiển nhiên, nhưng tốc độ luân chuyển nhanh chóng của vị trí này (Chủ tịch AU được bầu với nhiệm kỳ chỉ 1 năm) cũng như những hạn chế về mặt thể chế có thể khiến AU khó đóng góp hiệu quả ở G20. Để giải quyết vấn đề này, nhiều nhà quan sát cho rằng, AU nên tìm hiểu phương án bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban AU, cơ quan giám sát các hoạt động hàng ngày của liên minh, hoặc chọn một cựu nguyên thủ quốc gia đại diện cho AU tại Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo với nhiệm kỳ nhiều năm. Bên cạnh đó, việc chọn đại diện đầy đủ ở các cấp khác nhau trong khuôn khổ G20, bao gồm các cuộc họp cấp bộ trưởng, thống đốc ngân hàng trung ương và các nhóm công tác kỹ thuật…, cũng là điều cần thiết để tiếng nói của người châu Phi được lắng nghe và chú ý. Cụ thể, thứ nhất, AU cần chú trọng đến Financial Track, nơi thảo luận về các vấn đề kinh tế vĩ mô toàn cầu thông qua các cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương cùng cấp phó của họ… Financial Track đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển các sáng kiến của G20, vốn có ý nghĩa quan trọng đối với các nền kinh tế châu Phi, bao gồm Sáng kiến Đình chỉ dịch vụ nợ (DSSI), Khuôn khổ chung về xử lý nợ ngoài DSSI, hay Lộ trình tài chính bền vững.

Thứ hai, Mặt trận thống nhất cũng rất quan trọng cho sự thành công của AU trong G20. Trong khi AU có truyền thống thành công trong việc định hình quan điểm của châu Phi về các vấn đề ngoại giao, thì các ý kiến về chính sách kinh tế có xu hướng rời rạc, thiếu một lập trường thống nhất về vấn đề này. Các chính sách kinh tế đa dạng trên khắp các quốc gia châu Phi đã góp phần tạo nên nhiều ý kiến trái chiều. Để có được ảnh hưởng có ý nghĩa và có thể tác động đến quá trình ra quyết định của G20, AU phải thúc đẩy sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên. Triển vọng trở thành thành viên đầy đủ sẽ tạo động lực để AU đưa ra quy trình định hình các quan điểm kinh tế chung, bao gồm tất các các bên liên quan trong liên minh, giúp đại diện hiệu quả cho lợi ích của lục địa đen.

Cải cách cấu trúc tài chính và củng cố đối tác chiến lược

Thứ ba, AU sẽ cần chương trình nghị sự rõ ràng để cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu nhằm bảo đảm các nhu cầu phát triển bền vững của châu Phi được giải quyết thỏa đáng. Trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng diễn ra đan xen từ biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và năng lượng, đến các tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng hay xung đột, lục địa đen đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính nghiêm trọng. Hệ thống tài chính quốc tế hiện chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu phát triển bền vững của châu Phi, ước tính khoảng 13.000 tỷ USD hàng năm cho đến năm 2030 và từ năm 2016 đến 2019, lục địa này chỉ nhận được 3% dòng tài chính để hỗ trợ giải quyết các vấn đề khí hậu toàn cầu. Dòng chảy tài chính như vậy vào châu Phi hiện khoảng 30 tỷ USD mỗi năm, thấp hơn rất nhiều so với mức 2.700 tỷ USD cần thiết vào năm 2030 để thực hiện đóng góp theo thỏa thuận khí hậu Paris. Vì vậy, để biến chuyển tình hình, các lãnh đạo châu Phi cần hợp tác với các tổ chức và chuyên gia châu Phi để thiết kế, đưa ra đề xuất toàn diện thể hiện cam kết thay đổi và thu hút hỗ trợ từ các đối tác.

Cuối cùng, để tối đa hóa ảnh hưởng của mình trong G20, AU phải hình thành quan hệ đối tác chiến lược, thu hút sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm các tổ chức tư vấn, các nhóm xã hội dân sự và các tổ chức thuộc khu vực tư nhân, sẽ mở rộng phạm vi tác động của AU. AU cũng nên tham gia với nhóm và đối tác phát triển tại châu lục, các tổ chức liên châu Phi và các tổ chức đa phương có thể mang lại hỗ trợ và kiến thức chuyên môn có giá trị. Những quan hệ đối tác này có thể củng cố vị thế của AU, đồng thời nâng cao khả năng thúc đẩy thay đổi.

Tư cách thành viên G20 sẽ cho phép AU định hình chương trình nghị sự phát triển toàn cầu phù hợp hơn với Chương trình nghị sự 2063 của liên minh, và huy động nguồn tài chính bên ngoài để thích ứng với các vấn đề về khí hậu, chuyển đổi năng lượng và phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng trong thời đại cạnh tranh giữa các cường quốc, các chuyên gia cho rằng AU không nên chỉ dựa vào hợp tác đa phương. Liên minh phải củng cố mối quan hệ với các đối tác truyền thống, điều hướng mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc để tối ưu hóa các dòng tài chính phát triển, cũng như thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế đang phát triển với các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), nhất là khi Brazil dự kiến sẽ đảm nhận chức Chủ tịch G20 vào năm tới.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/menh-lenh-chien-luoc-i339585/