Mèo Vạc phát huy hiệu quả Dự án hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán

BHG - Mèo Vạc là huyện vùng cao, do địa hình núi đá, khí hậu khắc nghiệt và dân cư phân bố không tập trung khiến việc tiếp cận nước sạch trở nên khó khăn đối với người dân. Trong bối cảnh này, dự án hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai nhằm cải thiện tình hình.

Thôn Cán Lủng, xã Cán Chu Phìn có địa hình chủ yếu là núi đá, với 100% dân số là người dân tộc Mông. Trước đây cuộc sống của người dân phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt. Các hộ dân trong thôn từng chật vật tìm kiếm nguồn nước, đặc biệt là trong mùa khô. Tuy nhiên, từ khi được trang bị bồn chứa nước sinh hoạt, cuộc sống của người dân đã có những thay đổi tích cực. Tận thu nước từ mái nhà chứa vào bồn và các nguồn nước khác, người dân đã không còn lo lắng về việc thiếu nước, các hộ gia đình có thể tập trung vào phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Sự hỗ trợ này đã mang lại niềm vui và hy vọng cho cộng đồng, giúp họ vững tin hơn trong hành trình thoát nghèo.

Nhiều hộ dân huyện Mèo Vạc được hỗ trợ bồn chứa nước.

Nhiều hộ dân huyện Mèo Vạc được hỗ trợ bồn chứa nước.

Ông Và Mí Sử, người dân thôn Cán Lủng không giấu được niềm vui khi nói về sự thay đổi mà bồn chứa nước mang lại. Ông Sử chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi tới mùa khô, cả gia đình tôi phải đi xa để kiếm nước, mất rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng từ khi có bồn chứa nước, cuộc sống trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc và biết ơn sự hỗ trợ từ Nhà nước. Bây giờ, chúng tôi có thể dành thời gian cho những công việc khác để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống”.

Để đảm bảo hiệu quả và đúng mục đích, chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán tại xã Cán Chu Phìn đã được triển khai theo quy trình chặt chẽ. Với tổng kinh phí phân bổ cho giai đoạn 2022 - 2024 là 615 triệu đồng, xã đã phân công cán bộ phụ trách các thôn tiến hành khảo sát và đánh giá nhu cầu thực tế của các hộ dân trong xã, đặc biệt tập trung vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thiếu nước sinh hoạt. Tính đến tháng 7.2024, chương trình đã hỗ trợ thành công cho 104 hộ dân lắp đặt bồn chứa nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn. Thông qua đây, góp phần cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy phát triển bền vững tại xã Cán Chu Phìn.

Còn tại xã Tả Lủng, chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các hộ dân. Với tổng kinh phí được cấp là 597 triệu đồng, đến nay đã giải ngân được 308 triệu đồng, hỗ trợ cho 103 hộ gia đình. Quá trình triển khai được thực hiện theo các bước rõ ràng, minh bạch, từ khâu khảo sát nhu cầu, lập danh sách các hộ cần hỗ trợ đến việc phân bổ bồn chứa nước theo đúng tiêu chuẩn. Ông Giàng Mí Sính, một hộ thụ hưởng từ chương trình, chia sẻ: “Mặc dù có hồ treo ở gần nhà, nhưng trước đây, gia đình tôi không có dụng cụ để chứa nước, nên mỗi lần phải đi địu từng can về dùng, rất bất tiện. Từ khi được hỗ trợ bồn chứa nước bằng Inox, dung tích 1.500 lít, cuộc sống của chúng tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều. Có nước sạch, chúng tôi không còn lo lắng về việc thiếu nước sinh hoạt nữa. Cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã chăm lo cho đồng bào DTTS từ những điều nhỏ nhất”.

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 6.2024, từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KT- XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phòng Dân tộc huyện trực tiếp tổng hợp, tổ chức thẩm định, tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ra Quyết định phê duyệt hỗ trợ 2.107 hộ nghèo khó khăn về nước sinh hoạt, với tổng kinh phí trên 6,3 tỷ đồng. Trong đó, có 1.948 hộ được hỗ trợ (bồn) téc nước Inox, 142 hộ tự xây bể chứa nước và 17 hộ lắp đặt đường ống tự chảy. Đến nay, đã thực hiện xong 636 hộ/2.107 hộ, kinh phí giải ngân gần 2 tỷ đồng. Số hộ còn lại các xã đang triển khai đấu thầu các bước theo quy định. Ngoài ra, huyện còn phân bổ nguồn vốn chương trình MTQG để thực hiện xây dựng 5 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại 4 xã, phục vụ cho hơn 200 hộ gia đình với tổng nguồn vốn trên 11,4 tỷ đồng.

Thành công của chương trình không chỉ đến từ nguồn kinh phí hỗ trợ mà còn nhờ vào sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương và sự hợp tác tích cực của người dân. Đây là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống và thúc đẩy phát triển bền vững tại các khu vực khó khăn. Đồng thời mở ra cơ hội phát triển KT - XH và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân nơi đây.

Bài, ảnh: Minh Chuyên (Mèo Vạc)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202410/meo-vac-phat-huy-hieu-qua-du-an-ho-tro-nuoc-sinh-hoat-phan-tan-4560a25/