Mía đường Sơn La vào vụ mới
Sau hơn 6 tháng nghỉ sản xuất và tập trung bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống dây chuyền, máy móc thiết bị; trung tuần tháng 12, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La chính thức bước vào niên vụ sản xuất 2020-2021. Thời điểm này, mỗi ngày có hàng trăm xe tải chở mía từ các vùng nguyên liệu tấp nập về nhà máy; trên các ruộng mía, người nông dân hối hả thu hoạch, không khí lao động hết sức khẩn trương, nhộn nhịp.
Mặc dù tất bật với công việc chỉ đạo, điều hành sản xuất, nhưng ông Thái Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty vẫn dành thời gian vừa đưa chúng tôi đi tham quan dây chuyền sản xuất của nhà máy, vừa cung cấp thông tin: Năm 2020, có thể nói là một năm hết sức khó khăn đối với ngành mía đường của cả nước nói chung và Sơn La nói riêng; do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nên toàn bộ sản lượng đường niên vụ 2019-2020 của Công ty đều không thể xuất khẩu được. Không những thế, sản phẩm của Công ty còn phải cạnh tranh với đường nhập khẩu, nhất là đường nhập lậu. Nhưng với sự chủ động của HĐQT, đến trước vụ sản xuất, Công ty đã tiêu thụ hết toàn bộ hơn 60.000 tấn đường ở thị trường trong nước, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp bước vào vụ sản xuất mới thắng lợi.
Năm nay, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La có trên 7.600 ha mía nguyên liệu, tập trung chủ yếu ở huyện Mai Sơn, Yên Châu và Thành phố. Để bảo đảm ổn định sản xuất, Công ty tiếp tục có những chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu; trong đó, dành hàng trăm tỷ đồng cho các hộ dân ký cam kết trồng mía vay để đầu tư phục vụ sản xuất, sửa chữa nhà ở... qua đó, đã tạo niềm tin và sự gắn kết chặt chẽ giữa người trồng mía với doanh nghiệp. Đặc biệt, nhằm duy trì ổn định chất lượng nguyên liệu, Công ty đã tích cực nghiên cứu các loại giống mới năng suất cao, khả năng chống hạn và sâu bệnh tốt để cung ứng cho nông dân trồng mía. Đồng thời, chỉ đạo Xí nghiệp nguyên liệu tăng cường cán bộ nông vụ của đơn vị đồng hành với nông dân trong quá trình sản xuất, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, cung ứng các loại phân bón phù hợp với cây mía, xây dựng mô hình thâm canh giống mới tại các bản để bà con tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm; vận động bà con tận dụng phụ phẩm của cây mía để phát triển chăn nuôi đại gia súc, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, trước vụ sản xuất, Công ty đã xây dựng kế hoạch thu mua, vận chuyển và thông báo cho tất cả các hộ trồng mía biết, bảo đảm đáp ứng đủ 5.000 tấn mía nguyên liệu phục vụ sản xuất trong ngày và để các hộ nông dân chủ động trong việc thu hoạch.
Chúng tôi cùng ông Bùi Minh Tuấn, cán bộ nông vụ của Công ty đến bản Mu Kít, xã Cò Nòi (Mai Sơn), bản có trên 130 hộ dân, từ nhiều năm nay, bà con đã ký hợp đồng trồng mía nguyên liệu với Công ty cổ phần Mía đường Sơn La. Là thời gian cao điểm, trên các nương mía, bà con đang hối hả thu hoạch, những tuyến đường đất đỏ au vừa mới được san ủi tạm uốn lượn quanh các sườn đồi để xe tải lên bốc mía. Đọc vanh vách số diện tích mía, tên của từng chủ hộ, ông Tuấn bảo, hằng năm vào mùa thu hoạch, bà con trong bản lại chia nhau thành các tổ từ 10-13 người để thu hoạch mía đổi công. Bằng hình thức này, không những tiết kiệm được chi phí thuê nhân công, mà còn tăng thêm sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư.
Dừng chân bên nương mía của gia đình chị Lò Thị Phong, hơn chục người trong tổ đổi công đang bốc mía lên xe. Những nương mía ở đây thường có độ dốc cao, bà con đã dùng chiếc bạt dứa to để chất những bó mía lên và kéo xuống, vừa tiết kiệm công sức, lại giúp việc thu hoạch nhanh hơn. Chị Lò Thị Phong cho biết: Gia đình đã trồng mía gần chục năm nay, trong quá trình sản xuất, cán bộ Công ty luôn đồng hành, gắn bó với nông dân, từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, nên năng suất mía ổn định từ 70-80 tấn/ha, gia đình có 2,5 ha mía, thu nhập hơn 120 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, thu lãi được một khoản tương đối lớn, có tiền trang trải chi phí sinh hoạt, cho con ăn học và tích lũy để dành.
Chúng tôi trở lại Nhà máy cũng là lúc công nhân bước vào ca 3, tại khu cán ép, dưới ánh điện sáng trưng, hàng xe tải vẫn đang nối đuôi nhau vào bốc hàng, chiếc máy cẩu chạy hết công suất, mùi mật mía thơm ngậy lan tỏa trong không gian. Phó Tổng Giám đốc Công ty Thái Văn Hùng chia sẻ thêm: Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp đang tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương. Đặc biệt là việc tăng cường liên kết, đồng hành và triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân trong vùng nguyên liệu, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng mía.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mia-duong-son-la-vao-vu-moi-35978