Miền Bắc đón 2 đợt nắng nóng liên tiếp kéo dài nhiều ngày tới
Dự báo từ mai (16/5), vùng áp thấp nóng phía Tây tiếp tục phát triển, miền Bắc tăng nhiệt, nắng nóng diện rộng xuất hiện. Đến 21/5 lại xuất hiện đợt nắng nóng tiếp theo kéo dài 4-5 ngày.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tuần qua, miền Bắc trời mát mẻ, mưa nhiều nơi, nhiệt độ Hà Nội dao động 23-29 độ C. Nguyên nhân là tác động kép của khối không khí lạnh cuối mùa và hội tụ gió trên độ cao 1.500-3.000 m. Hiện nay vùng áp thấp nóng phía Tây đang phát triển và mở rộng về phía Đông Nam. Ngày 16/5, vùng núi phía Tây khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất 45-60%. Khu vực Bắc Bộ có nắng nóng cục bộ.
Dự báo chi tiết:
Từ ngày 17-23/5, ở phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 39 độ. Từ ngày 17-18/5, ở phía Đông Bắc Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 38 độ.
Dự báo Hà Nội ghi nhận mức nhiệt tăng cao lên ngưỡng 35 độ C vào ngày 17/5. Những ngày tiếp theo, khu vực có thể ghi nhận mức nhiệt cao nhất lên tới 38 độ C, mức nắng nóng gay gắt. Trạng thái trên duy trì ở Hà Nội nhiều ngày, có thể kéo dài đến hết ngày 25/5. Đây có thể là đợt nắng nóng diện rộng kéo dài nhất ở Hà Nội từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, Tây Nguyên và Nam Bộ bắt đầu bước vào mùa mưa. Ngày 18-23/5, mưa dông có thể xuất hiện ở TP.HCM và các địa phương lân cận, tập trung về chiều và tối. Nắng nóng cũng dịu dần ở khu vực này.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Trước đó ngày 6/5, trạm Hồi Xuân (Thanh Hóa) ghi nhận mức nhiệt 44,1 độ C - cao nhất từ trước tới nay trên lãnh thổ Việt Nam. Một ngày sau, trạm Tương Dương (Nghệ An) xô đổ kỷ lục với mức nhiệt 44,2.
Cơ quan khí tượng dự báo nhiệt độ trung bình tháng 5 trên toàn quốc phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm 0,5-1 độ, riêng Tây Bắc cao hơn 1,5 độ C. El Nino khả năng xuất hiện vào tháng 7-8 khiến nắng nóng gay gắt hơn, mưa bão ít hơn. Trong 2 tuần cuối của tháng 5, vùng thấp nóng phía Tây tiếp tục phát triển. Nắng nóng tiếp tục gia tăng ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Riêng Bắc Bộ có thể xuất hiện mưa dông sau mỗi đợt nắng nóng. Người dân cần đề phòng tố lốc, sấm sét và gió giật mạnh. Tại Bắc Bộ, lượng nắng và lượng mưa được dự đoán sẽ nhiều hơn so với 2 tuần đầu tháng.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, nắng nóng năm nay đến sớm và có xu hướng gay gắt hơn hẳn so với những năm trước. Nắng nóng có khả năng gia tăng từ khoảng tháng 5 đến tháng 8, tập trung nhiều tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Số ngày nắng nóng năm 2023 có thể xuất hiện nhiều hơn so với năm 2022. Nhiều khả năng còn xuất hiện những giá trị nhiệt độ cao nhất vượt kỷ lục cũ đã từng được quan trắc. Về thời gian nắng nóng ở miền Bắc tập trung từ tháng 5 đến tháng 8, cao điểm là tháng 6-7; miền Trung là tháng 5-8, cao điểm là tháng 7. Các đợt nắng nóng trung bình kéo dài từ 2-4 ngày, có đợt dài hơn.
Ông Nguyễn Văn Hưởng cảnh báo, mùa hè năm 2023 sẽ có nhiều đợt nắng nóng gay gắt, khả năng xuất hiện các giá trị nhiệt độ cao lịch sử sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Thêm nữa, mùa hè nắng nóng gay gắt cũng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng rất cao nên cần có biện pháp tiết kiệm điện; đề phòng quá tải, cháy nổ.