Miền Trung chìm trong mưa lũ

Trong ít ngày qua, tại các tỉnh, TP khu vực miền Trung đã có mưa rất to kéo dài khiến hàng trăm nhà dân bị ngập sâu; nhiều gia đình phải sơ tán đến nơi an toàn. Nguy cơ thiệt hại dự kiến có thể nghiêm trọng hơn do mưa vẫn tiếp diễn.

Hàng ngàn người dân phải sơ tán

Số liệu quan trắc của cơ quan khí tượng cho thấy, từ 19h ngày 10/10 đến trưa nay (14/10), tại các tỉnh, TP khu vực miền Trung đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 300-400mm.

Một số trạm có lượng mưa lớn trong ít ngày qua như: Hồ Kim Sơn (Hà Tĩnh) 604mm, Đồng Tâm (Quảng Bình) 326mm, TP Huế (Thừa Thiên Huế) 779mm, Suối Đá (Đà Nẵng) 741mm, Duy Sơn (Quảng Nam) 514mm…

Mưa lớn kéo dài gây ngập đường giao thông tại TP Đà Nẵng.

Mưa lớn kéo dài gây ngập đường giao thông tại TP Đà Nẵng.

Mưa lớn kéo dài đã gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, TP. Đáng tiếc nhất khi tại Hà Tĩnh ghi nhận 1 người dân bị mất tích do nước cuốn trôi (cháu Thái Phong Vũ, sinh năm 2010, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên).

Tại Quảng Trị, ít nhất 471 nhà dân đã bị ngập nước; tương tự tại Đà Nẵng 419 nhà và Huế 35 nhà. Các địa phương đã phải sơ tán dân 2.466 người do ảnh hưởng ngập lụt, sạt lở đất, trong đó, riêng Đà Nẵng là 2.316 người.

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, tại khu vực Tây Nguyên hiện có 23 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn. Tương tự tại khu vực Bắc Trung Bộ có 9 hồ và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ có 1 hồ phải vận hành điều tiết qua tràn.

Hạ tầng giao thông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ. Tại Hà Tĩnh, mưa lớn gây ngập 8 ngầm, 7 cầu, 1 điểm tại Quốc lộ 1A tại các huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh. Tại Quảng Bình, 30 điểm các tuyến đường liên thôn, ngầm, tràn bị ngập và chia cắt 20 thôn, bản tại các huyện Minh Hóa, Quảng Ninh.

Trong khi đó tại Quảng Trị, một số đường liên thôn huyện Hải Lăng, Triệu Phong bị ngập 0,2-0,3m. Thừa Thiên Huế cũng bị ngập một số tuyến giao thông tại TP Huế, các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy, Hương Trà từ 0,2-1,2m; các Quốc lộ 1, 49, 49B ngập cục bộ từ 0,4-0,6m.

Tại TP Đà Nẵng cũng ghi nhận 76 điểm ngập từ 0,3-0,5m; 3 điểm ngập từ 1,0-1,5m. Đặc biệt, mưa lớn đã gây sạt lở 1 điểm khoảng 10m taluy âm đường đèo Hải Vân khiến giao thông trên lộ trình này bị gián đoạn.

Các công trình thủy lợi cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi mưa kéo dài. Theo đó, bờ đê nội đồng tại khu vực cống Mai Dương xã Quảng Phước huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế dài 100m đa bị sạt lở. Hơn 100 cán bộ, chiến sỹ, dân quân và người dân đã được huy động để xử lý sự cố...

Nguy cơ gia tăng thiệt hại

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ ngày 14/10 đến đêm 15/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 450mm, khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 300-450mm, có nơi trên 800mm; ở khu vực phía Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 200mm.

Từ ngày 16-17/10, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa lớn 150-300mm, có nơi trên 700mm. Sau ngày 17/10, mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và diễn biến phức tạp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi: cấp 2; Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam: cấp 3.

Sơ tán người dân tại các khu vực bị ngập lụt tại TP Đà Nẵng.

Sơ tán người dân tại các khu vực bị ngập lụt tại TP Đà Nẵng.

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành cho biết, để chủ động ứng phó mưa lũ, đơn vị đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 950/CĐ-TTg gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương khu vực miền Trung tập trung các giải pháp phòng, chống mưa lũ.

Hiện, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo vẫn duy trì công tác trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, đồng thời, thường xuyên chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời.

Trước nhận định mưa lũ còn kéo dài, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai Công điện số 950/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để chủ động, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó. Trước mắt, cần huy động lực lượng hỗ trợ người dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, hiện nay, mực nước trên các sông ở Thừa Thiên Huế đang lên. Từ ngày 14-16/10, trên các sông ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-8m, hạ lưu từ 1- 4m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: cấp 1-2.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mien-trung-chim-trong-mua-lu.html