Miền Trung đối mặt đợt mưa lũ đỉnh điểm

Miền Trung đối mặt đợt mưa lũ đỉnh điểm với cường độ rất lớn và trên diện rộng, kéo theo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt.

Ngày 2/11, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục phát bản tin cảnh báo về đợt mưa lớn ở Trung Bộ trong những ngày tới.

 Hình ảnh ngập lụt tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình những ngày cuối tháng 10. Ảnh: Ngọc Hải.

Hình ảnh ngập lụt tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình những ngày cuối tháng 10. Ảnh: Ngọc Hải.

Theo đó, hiện nay khu vực Trung Bộ đã có mưa cục bộ. Dự báo từ gần sáng đến đêm mai (3/11), khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to và rải rác có giông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 40-100 mm, cục bộ có nơi trên 200 mm.

Ngày và đêm 4/11, mưa mở rộng ra khu vực Thanh Hóa với lượng mưa đến 70-150 mm, cục bộ có nơi trên 300 mm; riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng lượng mưa 100-200 mm, cục bộ có nơi trên 350 mm.

Cơ quan khí tượng nhấn mạnh cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng cấp hai.

Dự báo, mưa lớn ở các tỉnh miền Trung còn kéo dài trong nhiều ngày và khả năng mở rộng xuống đến Bình Định.

Nhận định về đợt mưa lớn này, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khoảng ngày 3-4/11, trên Biển Đông có khả năng hình thành một vùng xoáy thấp, không loại trừ khả năng có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Cũng trong những ngày đầu tháng 11, một đợt không khí lạnh có cường độ mạnh sẽ tràn xuống nước ta khoảng từ 4-7/11.

Sự kết hợp của xoáy thuận, không khí lạnh, nhiễu động gió Đông và địa hình đón gió của dãy Trường Sơn sẽ tạo ra một đợt mưa lớn dữ dội ở các tỉnh miền Trung. Dự báo, mưa từ khoảng ngày 3-10/11.

“Đây là đợt mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt là các trận mưa cường suất lớn, gây ra lũ lớn trên báo động 3 ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ; ngập úng diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực vùng núi", ông Khiêm nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, vùng mưa lớn không chỉ tập trung ở chính các tỉnh đã có mưa rất lớn trong những ngày qua (Hà Tĩnh đến Đà Nẵng), và còn mở rộng ra phần phía Nam, cụ thể các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên.

TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cũng đưa ra nhận định, hình thái mưa lớn trong giai đoạn từ 3-10/11 (có thể lâu hơn) ở miền Trung tương đối giống với hình thái mưa lụt trong tháng 10/2020.

Mưa theo kiểu cuốn chiếu từ phía Nam Trung Bộ ra Bắc Trung Bộ do vùng thấp gây nên trong khoảng từ 3-5/11 ở khu vực Quảng Ngãi tới Hà Tĩnh. Sau đó từ 6-10/11 có gió Đông Bắc ẩm mạnh thổi từ eo biển Đài Loan (Trung Quốc) qua và gây mưa ngược trở lại từ Bắc Trung Bộ vào Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

"Giai đoạn này là lo nhất vì sóng biển sẽ cao khoảng 2,5-3 m ven bờ theo hướng Đông Bắc khiến nước khó thoát ra ngoài", ông Huy lưu ý.

Ngoài ra, ông Khiêm cho biết thêm, sau ngày 10/11, mưa lớn ở miền Trung còn có diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn, trong đó nửa đầu tháng 11 tập trung nhiều ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12 dồn vào các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên.

Đợt mưa lớn đầu tháng 11 gây ra nhiều lo ngại. Đây cũng là giai đoạn mưa lũ đỉnh điểm ở miền Trung trong năm nay. “Chúng tôi cảnh báo nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, nguy cơ đặc biệt cao về tình trạng lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung, kèm theo đó là tình trạng ngập úng diện rộng”, ông Khiêm lưu ý.

Không khí lạnh gia tăng về tần suất và cường độ

Liên quan đến đợt không khí lạnh mạnh dự báo đổ bộ miền Bắc từ đêm 4/11, cơ quan khí tượng cho biết, đây là đợt rét diện rộng đầu tiên của mùa đông năm nay, riêng vùng núi có thể xuất hiện rét đậm cục bộ.

Trong thời kỳ tháng 11, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ (TBNN trên biển Đông: 1,5 cơn; đổ bộ: 0,9 cơn).

Không khí lạnh trong thời kỳ dự báo, tiếp tục gia tăng về tần suất và cường độ, đặc biệt trong thời kỳ 10 ngày đầu tháng, có khả năng gây ra đợt rét đầu tiên trong năm 2024.

Đồng thời, khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng (tập trung chủ yếu từ nam Nghệ An đến Khánh Hòa). Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và giông, trong đó có ngày có mưa vừa, mưa to.

Thời kỳ này, tổng lượng mưa tại các khu vực trên cả nước phổ biến cao hơn từ 15-40% so với TBNN; riêng các tỉnh trung du, vùng núi Bắc Bộ, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phổ biến ở ngưỡng xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

Bảo Anh/Vietnamnet

Nguồn Znews: https://znews.vn/mien-trung-doi-mat-dot-mua-lu-dinh-diem-post1508069.html