Miền Trung tiếp tục mưa lớn, nhiều nơi ngập nặng

Ngày 5-11, tại các tỉnh thành miền Trung như: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh có mưa to đến rất to kéo dài trong nhiều giờ khiến nhiều khu dân cư ngập nặng.

Tại TP Đà Nẵng, nhiều tuyến đường như: Nguyễn Văn Linh (khu vực giao với đường Nguyễn Hoàng, Hàm Nghi, Lê Đình Lý), Lê Duẩn (đoạn giao Ngô Gia Tự), Lê Đình Lý, Tôn Đức Thắng,… bị ngập sâu trong nước. Tại nút giao Núi Thành - Duy Tân (quận Hải Châu), nước ngập hơn nửa bánh xe khiến người dân di chuyển khó khăn. Tại đường Hùng Vương (quận Hải Châu), nơi đang có một số công trình xây dựng, nước ngập ở hai bên vỉa hè, nhiều phương tiện đi ở giữa đường để tránh chết máy. Do mưa lớn, đường ngập, giao thông khu vực cầu vượt Ngã Ba Huế ách tắc cục bộ.

 Mưa xối xả làm ngập đoạn đường Mẹ Suốt (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Ảnh: XUÂN QUỲNH

Mưa xối xả làm ngập đoạn đường Mẹ Suốt (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Ảnh: XUÂN QUỲNH

Mưa lớn khiến nhiều khu dân cư ở Đà Nẵng bị nước ngập vào nhà. Tại kiệt 640 đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu) nước ngập sâu từ đầu đến cuối đường, càng vào sâu càng ngập nặng. Hàng loạt nhà dân bị nước tràn vào nhà từ lúc rạng sáng. Các dãy nhà trọ nằm sâu trong kiệt này có nơi bị nước ngập gần 1m. Lực lượng chức năng chủ động sơ tán khoảng 100 người dân ở những nơi ngập sâu, nước xiết đến nơi an toàn. Trong khi đó, tại kiệt 127 Mẹ Suốt (quận Liên Chiểu), mưa xối xả làm ngập toàn bộ, có nơi ngập sâu hơn nửa mét. Hàng trăm hộ dân tại khu ngập đã chủ động kê cao đồ đạc để tránh thấm nước hư hỏng.

Do mưa lớn và nước ngập trên diện rộng, ngay trong sáng sớm 5-11, ngành Giáo dục TP Đà Nẵng đã kịp thời cho toàn bộ học sinh trên địa bàn thành phố nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Tại Quảng Trị, lúc 7 giờ sáng 5-11, tại các thôn Thuận An Chánh và Lam Thủy, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng xảy ra trận lốc xoáy kèm theo mưa khiến 7 ngôi nhà của người dân và 1 trường học bị hư hỏng và tốc mái. Hàng ngàn học sinh ở huyện Hải Lăng phải nghỉ học do một số tuyến đường trên địa bàn ngập cục bộ do mưa lớn.

 Công an phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vận động người dân ở tuyến ngập sâu kiệt 640 Trưng Nữ Vương đến nơi an toàn. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Công an phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vận động người dân ở tuyến ngập sâu kiệt 640 Trưng Nữ Vương đến nơi an toàn. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tại Thừa Thiên Huế, lũ sông Hương, sông Bồ dao động báo động 1. Các hồ thủy điện Bình Điền, Hương Điền và hồ chứa Tả Trạch đang điều tiết nước về hạ lưu với lưu lượng từ 200-900m3/s, căn cứ theo lượng nước đến các hồ. Sáng 5-11, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã sơ tán 13 hộ với 88 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ sạt lở ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đến nơi an toàn. Trong khi đó, tại xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, cũng tổ chức giăng dây, rào cảnh báo, bố trí lực lượng ở các tuyến đường ngập lụt, cảnh báo người dân không đi qua vùng nước sâu để đảm bảo an toàn.

Tại Quảng Bình, ông Đinh Minh Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, các lực lượng chức năng đã phối hợp thông báo và tổ chức di dời khẩn cấp 38 hộ dân, với hơn 140 nhân khẩu ra khỏi khu vực đồi Cây Sường do sạt lở xuất hiện với lượng mưa lớn. Lũ trên sông Gianh lên mạnh gây ngập lụt nhiều nơi ở huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa.

Tại Hà Tĩnh, nước từ thượng nguồn đổ về mạnh khiến cầu tràn Mỹ Thuận (dài khoảng 50m, rộng khoảng 4,5m) bắc qua sông Rào Mốc bị ngập sâu hơn 1m, nước chảy xiết, gây cô lập khoảng 265 hộ dân với 918 nhân khẩu của thôn Mỹ Thuận, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh. Trong khi đó, 3 cầu tràn Xuân Tiến, Lạc Trung, Lạc Thanh bắc qua sông Rào Trổ và một số tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn trên địa bàn xã Kỳ Lạc bị ngập sâu khoảng 1-3m, cô lập thôn Xuân Tiến với khoảng 230 hộ dân, thôn Lạc Thanh với khoảng 170 hộ dân và khoảng 15 hộ dân thôn Lạc Trung.

Ngoài ra, nhiều tuyến giao thông khác trên địa bàn xã Kỳ Sơn và Kỳ Lạc cũng bị ngập lụt, chia cắt cục bộ. Hiện chính quyền hai xã này đã cắt cử lực lượng chức năng lập rào chắn, biển cảnh báo, trực gác tại các khu vực nước ngập sâu, nguy hiểm, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.

* Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cập nhật đến 17 giờ ngày 5-11, mưa lớn kéo dài cả ngày đã gây ngập cục bộ tại các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cũng thông tin, các địa phương ở Trung bộ đã tích cực triển khai công tác ứng phó mưa lũ. Tại tỉnh Quảng Bình có 287 hộ với 1.124 người đã được sơ tán. Cũng ở tỉnh Quảng Bình có 941 hộ với 3.454 người ở huyện Tuyên Hóa và huyện Quảng Ninh đang bị cô lập do nước dâng cao, 52 điểm giao thông trên các tuyến quốc lộ bị ngập từ 0,3-1,5m. Tại tỉnh Quảng Trị, tình hình đã ổn định khi mưa đã ngừng và nước rút dần. Đà Nẵng còn 7 hộ dân (30 người ở xã Hòa Khương huyện Hòa Vang) đang được sơ tán tại chỗ trong khi các hộ dân khác đã trở về nhà an toàn.

Bão số 7 sắp vào Biển Đông

Các chuyên gia khí tượng thông tin, cơn bão Yinxing, hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở phía Đông Philippines, sẽ mạnh lên trong những ngày tới và có khả năng vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 7 năm 2024. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết, bão Yinxing có sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 14 và di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, về phía vùng biển ở Đông Bắc đảo Luzon (Philippines). Các mô hình dự báo của thế giới đều nhận định bão sẽ tiến sâu vào Biển Đông vào khoảng ngày 8 hoặc 9-11. Gần đây, quỹ đạo các cơn bão liên tục thay đổi so với dự báo ban đầu nên người dân cần thường xuyên theo dõi diễn biến.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mien-trung-tiep-tuc-mua-lon-nhieu-noi-ngap-nang-post766970.html