Miền văn hóa của đồng bào Tày ở Làng Mạ

Về vùng đất thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, chúng tôi được đắm mình trong không gian văn hóa của đồng bào Tày ở Làng văn hóa ẩm thực Làng Mạ. Vừa tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày, trải nghiệm kiến trúc độc đáo của nhà sàn truyền thống, đắm mình trong giai điệu khắp nôm, chúng tôi còn được thưởng thức những món ẩm thực do chính người dân chế biến. Đây là Làng Mạ (thị trấn Khánh Yên) - làng văn hóa ẩm thực đang được huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai xây dựng trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn của vùng đất này.

Người Tày ở Làng Mạ biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch. Ảnh: Kiều Lê

Người Tày ở Làng Mạ biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch. Ảnh: Kiều Lê

Dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình nhà văn hóa ẩm thực ở Làng Mạ, ông Hoàng Đình Ngân, Bí thư Chi bộ thôn Làng Mạ 1, thị trấn Khánh Yên cho biết: Từ chủ trương của huyện, thị trấn, trung bình mỗi hộ đầu tư khoảng 50 triệu đồng, trong đó, huyện hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ để cải tạo nhà ở, đổ bê tông sân, xây bếp, công trình phụ trợ, đường đi lối lại, chỉnh trang khuôn viên quanh nhà, chuyển dịch khu chăn nuôi sao cho hợp vệ sinh, tạo cảnh quan không gian nhà sàn thông thoáng, sạch đẹp. Không chỉ mục đích làm kinh tế, các hộ tham gia mô hình còn được sống trong chính ngôi nhà của mình nhưng khang trang hơn trước đây.

Hiện nay, đồng bào Tày ở Làng Mạ vẫn đang giữ nguyên nếp nhà sàn truyền thống và chế biến các món ẩm thực mang bản sắc dân tộc hấp dẫn du khách muôn phương. Điều đáng nói, cả 2 thôn Làng Mạ 1 và Làng Mạ 2 đều là thôn đặc biệt khó khăn, cuộc sống của bà con đưa vào làm nông nghiệp, trồng 2 vụ lúa nước, 2 vụ ngô. Tuy nhiên, do gần trung tâm thị trấn Khánh Yên nên diện tích đất nông nghiệp không nhiều. Như gia đình ông Hoàng Đình Ngân, trước đây mỗi năm thu nhập từ trồng lúa, ngô được khoảng 20 triệu đồng; trung bình chỉ đạt gần 1,7 triệu đồng/tháng. Sau một thời gian làm mô hình Làng văn hóa ẩm thực, gia đình ông Ngân đã có khoản thu nhập khá hơn, khoảng 3,7 triệu đồng/tháng, trong khi vẫn có thời gian để sản xuất nông nghiệp.

Chỉ tính từ tháng 11-2016 đến nay, đã có khoảng 130 đoàn khách trong tỉnh, ngoài huyện, thậm chí có cả khách nước ngoài đến thưởng thức ẩm thực và trải nghiệm không gian văn hóa nhà sàn của đồng bào Tày ở Làng Mạ. Đặc biệt, vào dịp cuối tuần, đây là nơi để rất nhiều du khách trong và ngoài huyện đến tìm không gian trải nghiệm, thư giãn...

Chiêu một ngụm rượu, ông Phan Văn Phánh, ở thôn Làng Mạ 1 bảo: Tất cả những món ăn thết khách đều là những món ẩm thực truyền thống, dân dã của đồng bào Tày. Thường thì các gia đình lên sẵn thực đơn cho khách với các món như: Thịt lợn bản trộn với hạt dổi, nước gừng cuốn mỡ chài sau đó kẹp vào nứa nướng trên than hồng; gà nướng xé phay chấm gừng; cá nướng; thịt lợn cắp nách nướng, luộc; xôi nhuộm màu từ lá cây rừng; canh gà nấu gừng...

Đặc biệt, còn có những món ẩm thực lạ miệng, chỉ có ở vùng đất này mới có, ra về khách nhớ mãi không quên như: Nhộng cọ chiên giòn hoặc xào với "thối nâu", món măng rừng nướng chấm mẻ; nộm rau dớn rừng; món quả cà gai xào lá đu đủ; nộm hoa chuối; nõn cây đao rừng xôi lên để nấu canh...

Điều khiến du khách thích thú khi đến với Làng Mạ, đó là ngoài những món ăn ngon, còn được trải nghiệm những sinh hoạt văn hóa trong không gian nhà sàn truyền thống, lại được tìm hiểu và khám phá những nét độc đáo về nhà sàn, tập quán của người Tày và hòa mình vào những làn điệu múa then, hát nôm.

Ông Ngân và ông Phánh còn cho biết: Ngày xưa, nhà sàn truyền thống còn có "pai thích" (sàn nứa làm sân của nhà sàn - có nơi gọi là "pai chan") bởi theo phong tục, mọi hoạt động của gia đình đều diễn ra trên "pai thích"; "pai thích" là chỗ để trẻ con vui chơi, nô đùa, là chỗ để trai gái trong làng mỗi đêm trăng sáng ra sân trò chuyện, tâm tình và hát giao duyên.

Trên "pai thích" còn có bể nước, máng rửa chân và nhiều vật dụng khác dùng trong sinh hoạt của gia đình. Vì là sân ngoài trời, làm bằng tre nứa, năm nào các gia chủ cũng phải làm mới, nên lâu dần, người ta không còn để "pai thích" nữa mà di chuyển xuống sân bê tông dưới nền đất trước nhà.

Ông Phánh vui vẻ cho chúng tôi biết: Hồi còn trẻ, ông đã từng dùng ống nứa để hát đối tỏ tình với cô gái mà mình yêu thích. Trai gái Làng Mạ trước đây đã có ý mến nhau, thường dùng hai ống nứa, "nối dây" chỉ từ nhà trai sang nhà gái, và người con trai dùng những câu hát nôm để chuyển lời yêu thương.

Chị La Thị Chanh, thành viên trong Đội văn nghệ của Câu lạc bộ hát Nôm ở đây cho biết: Chúng tôi rất vui và tự hào khi đem đến cho du khách những giây phút được lắng đọng trong không gian văn hóa của đồng bào mình, đặc biệt được thể hiện giai điệu khắp nôm.

Tuy nhiên, để xây dựng Làng Mạ trở thành làng du lịch cộng đồng điển hình, vừa phát huy bảo tồn các giá trị văn hóa đồng bào Tày, vừa giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững, ông Lê Xuân Quỳnh, Chủ tịch UBND thị trấn Khánh Yên cho biết: Trong thời gian tới, UBND thị trấn chỉ đạo các thôn đầu tư cải tạo ao để phát triển dịch vụ câu cá thư giãn, tham quan nhà sàn, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp với người dân; khám phá rừng cọ...

Với một miền văn hóa đặc sắc, những giai điệu khắp nôm, những món ăn dân giã của đồng bào Tày ở Lào Cai, làng văn hóa ẩm thực dưới chân núi Khau Mạ đang chờ đón những bước chân du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, khám phá...

Kiều Lê

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mien-van-hoa-cua-dong-bao-tay-o-lang-ma/