Miễn visa 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển
Miễn visa 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển, các trường hợp người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú, Việt Nam gia hạn miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 8 nước...là những chính sách về thị thực đáng quan tâm trong năm 2020.
Năm 2020, một số chính sách thị thực (visa) cho người nước ngoài sẽ chính thức có hiệu lực, trong đó việc miễn thị thực 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển của Việt Nam được dư luận đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh đó, các trường hợp người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú, Việt Nam gia hạn miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 8 nước...là những chính sách về thị thực đáng quan tâm trong năm 2020.
Người nước ngoài được miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 11-2019 quy định người nước ngoài được miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày khi vào khu kinh tế ven biển.
Chính phủ sẽ quyết định khu kinh tế ven biển nào được miễn thị thực nếu đáp ứng đủ bốn điều kiện.
Theo đó, các điều kiện gồm: có sân bay quốc tế, không gian riêng biệt; ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Dù có một số ý kiến băn khoăn về quy định này, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, quy định miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển với bốn điều kiện trên là đảm bảo chặt chẽ.
Quy định này sẽ có thi hành từ 1-7-2020.
Các trường hợp người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú
Cũng theo quy định của luật nêu trên, các trường hợp người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú gồm: Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ;
Người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực có ký hiệu là LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2, TT.
Gia hạn miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 8 nước
Việt Nam tiếp tục miễn thị thực có thời hạn cho công dân 8 nước Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Belarus đến hết năm 2022, không phân biệt loại hộ chiếu hay mục đích nhập cảnh trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hiện nay, ngoài miễn thị thực cho 8 quốc gia trên, Việt Nam cũng đang gia hạn miễn thị thực đơn phương đến 30-6-2021 cho công dân 5 nước Tây Âu gồm Anh, Đức, Italy, Pháp và Tây Ban Nha, với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Đây cũng là bước tiến đáng kể trong chính sách thu hút khách du lịch của quốc tế khi trước đây thời gian gia hạn, miễn thị thực là theo từng năm.
Các nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam
Cập nhật đến đầu năm 2020, có 17 nước miễn thị thực cho người Việt Nam 2020. Các nước này chỉ yêu cầu người nhập cảnh sở hữu hộ chiếu hợp lệ còn hạn trên 6 tháng và thỏa điều kiện đi kèm (nếu có). 17 nước này gồm: Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia, Philippines, Myanmar, Indonesia, Brunei, Malaysia, Kỷgyzstan, Panama, Ecuador, Saint Vincent and the Grenadines, Haiti, Turks and Caicos, Cộng hòa Dominica, Liên bang Micronesia. Thời hạn lưu trú tối đa của các nước này thông thường là 30 ngày.
Thấp nhất với 14 ngày là Myanmar và Brunei; còn một số quốc gia không giới hạn thời gian lưu trú tối đa. Điều kiện đi kèm phổ biến nhất để được các quốc gia này miễn thị thực là phải có vé máy bay khứ hồi.
Bên cạnh đó, cập nhật đến năm 2020, có 32 quốc gia có ưu đãi công dân dân Việt Nam khi nhập cảnh, như được cấp visa khi đến, hoặc hỗ trợ qua mạng.
Hiện nay ngoài danh sách các nước miễn visa cho người Việt Nam 2020, những quốc gia sau đây cũng có chính sách miễn lệ phí khi làm visa: Mông Cổ, Algeria, Afghanistan, Cuba, Nicaragua, Romania.
4 trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực
Theo khoản 2 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019, các trường hợp thị thực được chuyển đổi mục đích gồm:
- Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh;
- Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
- Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Đây là quy định phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài có điều kiện tiếp tục ở lại Việt Nam mà không phải mất thời gian, chi phí để làm thủ tục xuất cảnh rồi nhập cảnh. Tuy nhiên, để được chuyển mục đích thị thực phải thuộc một trong các trong các trường hợp trên và có giấy tờ chứng minh.