'Miền xanh thẳm' của phố biển
Nha Trang không phải đất làng với nét cổ kính của làng quê trăm năm hay xa hơn nữa như các miền đất khác. Ngay từ đầu, nơi đây chỉ là làng chài bé nhỏ bám quanh bờ sông Cái, nhưng với tầm nhìn của những nhà thực dân Pháp, Nha Trang được xây dựng ngay thành đô thị biển nghỉ dưỡng.
Nha Trang không phải đất làng với nét cổ kính của làng quê trăm năm hay xa hơn nữa như các miền đất khác. Ngay từ đầu, nơi đây chỉ là làng chài bé nhỏ bám quanh bờ sông Cái, nhưng với tầm nhìn của những nhà thực dân Pháp, Nha Trang được xây dựng ngay thành đô thị biển nghỉ dưỡng. Trong một hồi ký của bác sĩ A.Yesin kể lại, tháng 7-1891, ông đi thuyền từ Hải Phòng vào Nha Trang gặp viên công sứ tỉnh Khánh Hòa Lenorman khi đó đang ở trong căn nhà tranh cùng dân bản địa ở xóm chài, ông thấy mê dải đất này dù lúc đó còn hoang vu với những dải cát và cây dại. Có thể nói, nhờ Yersin ở đất này mà Nha Trang đã hình thành đô thị biển, bỏ qua kiểu làng xã Việt cổ điển, nói gọn là Nha Trang đã “tây hóa” khi bước chân Yersin tới.
Nói như thế không có nghĩa Nha Trang không có xóm làng thuần Việt, vì mạn phía tây giáp với Diên Khánh như: Vĩnh Phương, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh đậm chất làng. Tuy nhiên, xuôi về phía đông, Nha Trang thiên về làng biển, chủ đạo vẫn là đô thị biển với công trình đậm chất Pháp: Viện Hải dương học, Viện Pasteur, Lầu biệt điện Bảo Đại, Lầu ông Tư (đã bị phá) và rất nhiều tòa biệt thự kiểu Pháp như: Thư viện tỉnh cũ, Mặt trận Tổ quốc, Nhà Thiếu nhi… theo chuỗi dọc ven biển và lấn sâu vào trung tâm, nhưng rất tiếc đều đã bị phá hủy, thay thế bằng công trình mới.
Như vậy, “miền xanh thẳm” của Nha Trang thấm đẫm trong ký ức là có, ngoài công trình kiến trúc đậm thời Pháp đầu thế kỷ XX, nhưng rất tiếc chúng ta không giữ gìn được. Với thiên nhiên biển, chúng ta càng bị mất nhiều. Nhiều bạn đọc tuổi thơ hôm nay đọc cuốn truyện dài “Đảo thần kiếm” ấn hành năm 2018 rất ngạc nhiên với những địa danh: Xóm Cồn, Bãi Tiên, làng dừa Hòn Chồng, bãi Hòn Đỏ… nay không thấy nữa. Càng ngạc nhiên hơn khi nghe kể có một thời trẻ em Nha Trang có thể vừa đi tắm biển vừa bắt ghẹ, cá lưỡi trâu, chình… hay dạo trên bãi cạn Hòn Chồng - Hòn Đỏ có thể bắt hải sâm, tôm hùm, cua biển; Bãi Tiên vừa đẹp vừa giống như công viên biển với nhiều thủy sản phong phú… Đó chính là “miền xanh thẳm” của nhiều thế hệ.
Vậy thì, các nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa hãy lưu thật nhiều ký ức đẹp của Nha Trang vào trang văn, trang khảo cứu của mình để thế hệ sau biết để nâng niu, gìn giữ những di sản ít ỏi còn sót lại, hình thành thêm công trình đẹp, miền thiên nhiên mới giữa không gian đô thị hiện đại. Được như thế, các thế hệ xưa sẽ bớt nguôi ngoai niềm tiếc nhớ về những “miền xanh thẳm” đã mất…
Dương Trang Hương
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/201910/mien-xanh-tham-cua-pho-bien-8133315/