Miền xưa!

Bảy năm có hơn, Cúc Tâm mới trở lại nơi này. Con đường đất đỏ sau cơn mưa hôm trước không còn bụi cuốn mịt mù mà đằm thắm duyên dáng đến lạ với bóng râm của hai hàng cây ven đường lao xao hoa nắng.

Ảnh minh họa (Internet)

Ảnh minh họa (Internet)

Trong mắt Tâm bây giờ chỉ có màu xanh. Xanh ngút ngàn rừng tràm viền đường chân trời. Xanh biếc dòng kênh chảy dài. Xanh non tán lá trên đầu và xanh thăm thẳm khoảng trời trước mặt. Chiếc vali trong Tâm dường như mỗi lúc một nặng hơn, cứ chực trĩu xuống. Đôi giày cao gót không còn ngoan ngoãn theo bước chân Tâm nữa. Đi chân trần vậy. Tâm tháo giày nhón chân đi được một đoạn. Đau quá. Lòng bàn chân đỏ hồng hằn dấu sỏi tròn. Tâm buông vali, bỏ giày xuống gốc cây to ven đường rồi ngồi tựa vào đấy thở dốc. Gió nhẹ như ru. Phong cảnh ở đây đẹp quá. Sao lần trước mình không nhận ra điều ấy nhỉ?. Trái tim Tâm xôn xao theo dòng suy nghĩ về anh, về nơi anh sinh ra và sống trọn thời thơ ấu. Tám năm rồi phải không anh? Giờ em đang ở quê anh, còn anh đang biền biệt nơi nào? Hẳn bây giờ anh đã là cha của những đứa trẻ phổng phao xinh xắn...

Ngày ấy Tâm là cô sinh viên mười tám tuổi, xinh đẹp hồn nhiên và mơ mộng của Trường Cao đẳng Sư phạm khoa tiếng Nga, còn anh là sinh viên năm ba Trường Cao đẳng Bưu điện. Tâm nhớ quá nụ cười hồn hậu trẻ con của anh trong lần gặp đầu tiên. Nụ cười như một dấu ấn in đậm vào lòng Tâm những cảm xúc diệu kỳ.

Anh không đẹp nhưng đôi mắt sáng với cái nhìn cương nghị và nụ cười thật hiền khiến trái tim Tâm lỗi nhịp. Tâm bối rối, run rẩy mỗi lần gặp anh và mong chờ những khi anh không đến. Anh ăn mặc xềnh xoàng như hầu hết sinh viên tỉnh lẻ sống xa nhà và chiếc xe đạp cà tàng không vè, không thắng. Anh làm quen và nhờ Tâm sửa giúp lỗi ngữ pháp trong các bài luận cho kỳ thi sắp đến.

Bạn trai theo đuổi Tâm không ít nhưng lần này…Tâm biết mình không trốn mỗi khi nhìn vào đôi mắt có cái nhìn thăm thẳm của anh và rồi Tâm yêu anh từ lúc nào không biết nữa. Anh kể cho Tâm nghe thật nhiều về quê anh, về tuổi thơ gian khó, về người mẹ hiền góa bụa ở vậy nuôi hai con khôn lớn.

- Có dịp anh sẽ đưa em về thăm mẹ và em của anh. Em sẽ thấy người dân quê anh sống gian khổ nhưng dũng cảm đến chừng nào; bằng mồ hôi sức lực của chính bản thân, tấm lưới, chiếc xuồng sống chung với lũ…

- Chỉ đưa em về chơi cho biết thôi sao? - Tâm nhìn anh, tinh nghịch hỏi. Anh vuốt tóc Tâm âu yếm:

- Vậy là em không sợ nghèo, sợ khổ. Vậy là em bằng lòng về Tân Thạnh làm bà của chút, chắt nhà anh phải không? Anh cầm tay Tâm hát khe khẽ: “Bằng lòng đi em về với quê anh…Bằng lòng nhe em bằng lòng…Bằng lòng theo anh… bằng lòng… Bằng lòng đi người yêu nhỏ bé…”. Tâm đỏ mặt cắn môi:

- Anh đừng có mà mơ. Ai bằng lòng hồi nào?

Anh cười cười ngắm Tâm rồi gật gù:

- Thì em bằng lòng mới tức thời đó…Chà, trắng như em lội xuống ruộng đĩa nó bu cho mà thấy. Đĩa xứ anh khôn lắm nghe, chỉ thích người nào đẹp với dễ thương thôi.

- À, em hiểu rồi. Ý anh muốn nói là em xinh đẹp với dễ thương chứ gì. Cảm ơn vì đã có lời khen. Anh giả bộ tròn mắt ngạc nhiên:

- A, cái đó là tự em nói, em cố tình hiểu như vậy chứ anh không biết gì hết nha.

Cứ thế, hai đứa thật vui, thật hạnh phúc mỗi khi ở bên nhau. Tâm biết anh yêu Tâm thật lòng nhưng anh còn e ngại. Anh lo Tâm quen sống tiện nghi sung sướng sợ không thích nghi nổi với xứ sở "muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội tựa bánh canh”, quê anh mà bản thân anh thì không muốn ở lại thành phố sau khi ra trường. Anh muốn trở về nơi chôn nhau cắt rốn để làm được một điều gì đó cho quê mình, cho những đứa trẻ đen nhẻm mốc phèn như anh ngày xưa. Anh đâu hiểu Tâm yêu anh nhiều hơn anh tưởng, yêu vùng đất chưa lần đến nơi anh được sinh ra và lớn lên, yêu những con người chân chất, mộc mạc qua lời anh kể…

Yêu ai yêu cả đường đi. Chắc ông bà mình ngày xưa cũng yêu đắm say như vậy. Ngày sinh nhật thứ hai mươi mốt của Tâm là ngày anh rời trường nhận nhiệm sở. Bao nước mắt, bao nồng nàn trong đêm chia tay ấy. Xa anh, Tâm buồn nhớ tưởng chừng như không sao chịu nổi, nhưng rồi bài vở, bạn bè, công việc khiến Tâm nguôi ngoai.

Những lần nhận được thư anh Tâm mừng đến rưng rưng nước mắt, ấy vậy mà lá thư nào cũng toàn chuyện làng chuyện nước, chuyện công sở cơ quan,… cho đến cuối thư mới có một câu xoa dịu nỗi thương nhớ da diết rong lòng Tâm: “Anh nhớ em lắm. Hôn em nhiều". Hai năm sau Tâm ra trường. Suốt khoảng thời gian ấy, thỉnh thoảng Tâm mới gặp anh một lần trong khoảng thời gian thật ít ỏi. Tâm có cảm giác anh say mê công việc đến quên cả Tâm và nỗi buồn tủi trong lòng Tâm ngày một nhiều thêm. Hè năm ấy, Tâm đến thăm anh mà không báo trước. Tâm muốn dành cho anh một sự bất ngờ thú vị. Bưu điện nơi anh công tác vừa được xây mới và thật không may anh đi công tác vắng hai ngày.

Nga, cô gái đồng nghiệp của anh trạc tuổi Tâm với nước da ngăm đen và đôi môi đầy đặn gợi cảm mở cửa phòng của anh trong khu nhà tập thể cho Tâm vào. Rồi tự nhiên như gia chủ cô ta quét bụi, xếp mền mùng, thu dọn áo quần cho vào tủ và nhìn Tâm bằng ánh mắt thật lạ dù miệng vẫn ngọt nhạt chị em. Lòng Tâm sôi ghen hờn nhưng phải cố giữ vẻ bình thản, lịch sự. Tâm hiểu qua sự ân cần, chu đáo ấy cô ta muốn nhắn nhủ cho Tâm biết: Cô là khách của “chúng tôi”. Chắc cô cũng nhận thấy “chúng tôi" thân thiết nhau đến mức nào…Mỗi lời cô ta nói đều hàm chứa nhiều ý nghĩa. Cô biết hầu hết những sở thích, món ăn, thói quen,…của anh. Trái tim Tâm như có ai bóp nghẹt, đau đến không thở nổi, nhưng bản tính kiêu hãnh và lòng tự trọng đã giúp Tâm giữ thái độ hòa nhã và cách cử xử đúng mực. Dường như mọi người trong cơ quan đều đứng về phía cô gái ấy, ủng hộ mối tình của hai người. Tâm chờ anh một ngày một đêm rồi từ giã mọi người ra về. Không ai gọi điện báo cho anh, không gọi anh về hay anh biết nhưng cố tình lánh mặt để tránh một tình huống khó xử? Tâm đặt trên bàn anh bài thơ “Tôi yêu em" của Puskin bằng nguyên bản tiếng Nga, bài thơ mà ngày trước cả anh và Tâm rất yêu thích. Tình yêu không có tội. Tâm gắng gượng nuốt nước mắt vào lòng. Sao anh không cho Tâm biết sự thật. Tâm chịu đựng nổi mà sao anh lại nỡ lừa dối Tâm.

Thế là hết. Tâm lận đận trong tình yêu cũng như trong sự nghiệp. Tiếng Nga Tâm học không còn thông dụng nữa nên cả khóa tốt nghiệp xong phải ở lại trường học tiếp hai năm tiếng Anh. Hai năm Tâm sống trong dằn vặt, khổ đau, tủi buồn, mặc cảm. Tâm tránh mặt anh bằng mọi cách. Không đọc thư, không gặp mặt, không nghe lời giải thích. Bạn bè Tâm lúc đầu ghét anh, nhưng trước chân tình và mọi cố gắng của anh chúng lại mềm lòng khuyên Tâm nên gặp anh xem sao chứ đừng quá cực đoan như vậy. Ừ, Tâm vậy đó. Yêu hết lòng và hận đến nát tim. Tâm dốc sức vào việc học và kết quả, Tâm là một trong số ít những sinh viên được giữ lại học tiếp đại học. Hai mươi bảy tuổi, hai bằng đại học, bằng C vi tính, thông thạo cắm hoa, nấu ăn, xinh đẹp, vững vàng, đâu ai hiểu được nỗi chông chênh khập khiễng trong lòng Tâm…

Ba năm làm việc trong một công ty nước ngoài tiền lương hậu hĩnh, giao tiếp đi lại trong lẫn ngoài nước, nhưng lòng Tâm như đóng băng trước mọi tình cảm mà những người khác phái tha thiết sẵn dành. Chẳng ai giống như anh. Tâm biết Tâm còn yêu anh nhiều lắm. Tâm cũng biết Tâm quá cực đoan, kiêu hãnh. Phải chi Tâm chịu gặp anh một lần,… phải chi Tâm đọc thư anh để xem anh đã viết những gì trong đó…Tâm sợ xiêu lòng vì những lời gian dối, Tâm sợ tổn thương sâu sắc hơn….

Cho đến một ngày Tâm gặp Hoàng, bạn cùng lớp rất thân của anh ngày xưa. Anh đã tâm sự với Hoàng rất nhiều về chuyện tình cảm giữa anh và Tâm. Anh không hề có tình ý gì với Nga. Cô ta quá yêu anh nên dốc sức, dốc tâm tìm hiểu chăm sóc. Nga là con gái của giám đốc nơi anh làm việc nên mọi người đều ra mặt ủng hộ cô khiến Tâm hiểu lầm. Anh đã đau khổ như điên khi Tâm quyết lòng lánh mặt, bỏ rơi anh mà không chịu nghe một lời phân giải. Anh đã bỏ nhiệm sở một năm sau đó và rồi Hoàng mất liên lạc với anh từ đó.

Hoàng nửa đùa, nửa thật bảo: “Thôi mọi chuyện đã qua rồi, giờ chắc cậu ta đã con đùm con đề. Tâm chừng nào cho mọi người ăn cưới đây. Lẽ ra hai người đã thật hạnh phúc, có ai ngờ số phận… Nghĩ đi nghĩ lại, anh thấy Tâm ác thiệt. Tử tù còn được luật sư biện hộ, còn Tâm tuyên án là xử luôn…”. Những lời của Hoàng khiến lòng Tâm đau nhói...Tâm ngẩn ngơ không còn thiết gì đến công việc và mất ngủ triền miên. Tâm đã đánh mất hạnh phúc, tình yêu vì nông nổi, vì kiêu hãnh. Sau một tháng suy nghĩ cạn cùng, Tâm lẵng lặng xin nghỉ việc sau khi được Sở Giáo dục và Đào tạo Long An cho vào biên chế giáo viên dạy ở Tân Thạnh. Những cảm xúc yêu thương, những mơ ước ngọt ngào trong Tâm trỗi dậy mãnh liệt khiến Tâm yêu đời và có niềm vui sống. Sống trên đời cần có một tấm lòng, dù chỉ để gió cuốn đi. Tâm sẽ thực hiện một phần nhỏ ước mơ của anh; dạy học cho nhũng đứa trẻ vùng quê nghèo như anh ngày xưa, dù bây giờ và mãi mãi anh với Tâm chỉ là người dưng của nhau.

Một cô gái cặp xuồng bên mé lộ gần gốc cây Tâm đang ngồi. Tiếng dầm khua nước làm Tâm giật mình trở về thực tại. Cô gái cặm dầm neo xuồng bước lên bờ nhìn Tâm, nhìn cái vali to đùng, nhìn đôi giày cao gót rồi khẽ khàng hỏi:

- Chị ở xa mới tới xứ này hả? Chị đi đâu nếu thuận đường em cho chị đi nhờ bằng xuồng cho đỡ mệt”. Cô gái cười. Nụ cười trẻ thơ như không phải của một thiếu nữ. Trái tim Tâm chợt nhói lên khi bắt gặp nét thân quen trong nụ cười hồn nhiên trẻ con ấy. Cô gái vui mừng như gặp được người thân khi biết Tâm về dạy học ở ngôi trường gần nhà cô ở. Cô gái liến thoắng:

- May mà gặp em chứ bằng không chị…à cô, đi bộ với cái rương bự chảng như vầy chắc té xỉu luôn. Chắc là cô phải ở nhà dân như mấy thầy cô khác thôi vì nhà trường đâu có nhà tập thể. Vậy cô về ở nhà em đi, nhà em chỉ có má em với em hà. Cô chịu về ở chung chắc má em vui lắm. Cô gái nhìn Tâm, ánh mắt năn nỉ chờ câu trả lời. Con người sống giữa trời xanh, đồng rộng, tâm hồn phóng khoáng chân tình đến lạ. Tâm gật đầu nhẹ:

- Nếu phải ở nhà dân và nếu má em cho phép. Tâm biết mình làm một điều phải khi nhìn nét vui mừng rạng rỡ trên mặt cô gái. Chiếc xuồng lướt êm trên mặt nước. Cô gái buông tay dầm khéo léo tránh những bựng cỏ trôi hay rẽ những khúc quanh.

- Cô biết hôn, nhà em có hai má con ra vô buồn muốn chết. Cô ở nhà em chỉ đi bộ một đỗi là tới trường, gần xịt hà. Má em hiền lắm, chỉ sợ…

- Sợ gì?

- Sợ cô chê nhà em nghèo. Tâm không đành lòng nhìn nét mặt âu lo của cô gái.

- Ừ, nếu má em cho phép chị xin được ở trọ nhà em. Em cứ gọi chị là chị được rồi. Chị tên Tâm, Cúc Tâm. Còn em tên gì?

- Em tên Na. Mà cô... à mà chị biết trái cà na hôn?

- Không. Chị chưa thấy trái đó bao giờ.

- Trái cà na ăn chua chua chát chát. Hồi má em có bầu em, má em thèm ăn cà na miết rồi cái sanh em ra đặt tên là Cà Na luôn... Cứ thế cô gái kể cho Tâm nghe bao nhiêu là chuyện theo tay dầm thoăn thoắt nhịp nhàng. Nắng chiều đổ bóng xuống những vạt tràm phía xa xa. Tiếng gà gáy trưa văng vẳng, tiếng mái dầm khua nước, tiếng gió lao xao trên đồng ruộng...Tâm thấy cõi lòng thanh thản và có cảm giác giống như là hạnh phúc. Cà Na cặp xuồng bên mé kênh mát rượi bóng cây. Phía trên bờ là ngôi nhà lá xinh xắn nằm giữa vườn cây xanh lá. Một chú chó vàng chẳng biết ở đâu phóng ra vẫy đuôi mừng rối rít. Chợt nhận ra người lạ, nó thụt lùi gừ gừ, nhìn Tâm dò xét.

- Phèn hỗn nhe. Cô giáo mới đó. Chào cô đi, giỏi chị cưng nào. Cà Na vuốt vuốt đầu chú chó Phèn dỗ dành thầm thì. Phèn chớp mắt nhìn xuống, cụp tai ngoan ngoãn theo chân Cà Na vào sân nhà.

- Con về rồi hả Út?. Người đàn bà luống tuổi, gương mặt hiền lành, phúc hậu bước ra cửa đón con. Bà chợt khựng lại khi nhìn thấy Tâm đang loay hoay với đôi giày.

- Má ơi đây là cô giáo mới về dạy trường gần nhà mình. Con mời cô về ở chung cho vui như cô Lan ở nhà bác Sáu đó má. Cà Na níu tay má nói nhỏ - Má chịu nghe má.

- Bà má bước về phía Tâm, nụ cười trong ánh mắt:

- Quý hóa lắm mới được cô giáo về ở chung nhà. Nếu cô không chê nhà nhỏ, hẹp thì ở đây với má con tôi cho ấm cửa vui nhà. Mời cô giáo vào nhà. Út đâu sao con không phụ với cô một tay. Tâm nghe lòng ấm áp khi bước vào ngôi nhà nhỏ đơn sơ tre lá. Bữa cơm chiều chỉ có canh cá rô đồng nấu với rau má, tép gạo rim mặn mà Tâm thấy ngon không thể tả.

Đêm. Tâm nằm chung giường với Cà Na. Lạ chỗ, lạ nhà nên Tâm cứ trăn trở. Cà Na như háo hức điều gì đó cũng không ngủ được. Cô lăn qua lăn lại rồi thì thầm kể chuyện: "Anh của em đi làm xa lâu lắm mới về thăm nhà một lần. Ba mươi mấy tuổi rồi mà ảnh hổng chịu cưới vợ. Chạng tuổi ảnh anh Quí, anh Hiền trong xóm đã có con học lớp bảy, lớp tám chứ ít đâu. Má em chửi miết nên ảnh sợ hổng dám về nhà. Ảnh còn xúi má em là má ham có cháu ẳm bồng thì má gả Cà Na đi. Chị coi em mới mười chín tuổi mừa, thời buổi bây giờ ai mà lấy chồng sớm... Má em quyết rồi, kỳ tết này ảnh dìa là má em cưới chị Tím bên kia bờ kinh cho ảnh. Mà chị ngủ rồi hả? Chị Tím cũng hiền hậu, giỏi dắn lắm mà sao ảnh hổng chịu. Chắc là ảnh còn thương chị mà hồi xưa bỏ rơi ảnh...”.

Tâm nghe tiếng được tiếng mất bởi tâm trí đang dõi về anh. Trong hồi ức của Tâm là khuôn mặt hằn nét khổ đau và đôi mắt ướt tuyệt vọng của anh. Lần đó Tâm đã bỏ chạy tránh không gặp anh để rồi ngã bệnh gần một tháng ròng. Năng - một cái tên xa lạ... Tâm cười thầm với ý tưởng trùng hợp ngớ ngẩn của mình.

- Chị biết hôn, Năng là cỏ năng đó chứ hổng phải siêng năng đâu. Hồi ba má em dỡ đất làm ruộng thấy cỏ năng mạnh lắm, dọn chỗ này mọc chỗ khác nên đặt tên ảnh là Năng, giống như em tên Cà Na tại má thèm ăn cà na ...Tết này ảnh về rồi chị thấy... Ảnh cũng hiền lắm...Biết đâu...

Cà Na cười khúc khích đó rồi ngủ ngay đó. Mệt nhoài nhưng Tâm không sao ngủ được. Khuôn mặt anh, lời nói, nụ cười... những kỷ niệm cứ đan xen trong tâm trí. Lâu lắm Tâm mới thiếp đi trong niềm nhớ thương quay quắt về anh.

***

Bốn tháng đã trôi qua. Sống ở đây tâm hồn Tâm thanh thản và sự hồn nhiên yêu đời như vừa trở lại. Làm thế nào để xuồng lướt đi ngay băng; làm sao để câu được cá lớn mà không bị hao mồi...mọi thứ mới mẻ và lạ lùng với Tâm. Sau những giờ lên lớp, Tâm cùng học trò chống xuồng đi bắt ốc, hái sen, bẻ bông điên điển. Học trò Tâm hiền lành, giỏi chuyện nhà, chuyện đồng ruộng, bắt cá, mò cua và hết lòng yêu quý cô giáo. Nhìn những mái đầu hoe vàng vì dang ngoài mưa nắng cắm cúi trên trang vở trắng tinh, những bàn tay đen nhẻm vì ngấm bùn lâu ngày cố nắn nót từng con chữ, miệng méo tròn o theo, lòng Tâm như thắt lại rưng rưng. Quê anh còn nghèo quá nhưng tình cảm, tấm lòng người dân quê anh thật hồn hậu, thiết tha.

Cà Na bơi xuồng cùng mấy học trò tiễn Tâm về nhà ăn tết. Đứa nào cũng đòi theo ra lộ cái xuồng khẳm đến chìm mất thôi.

- Cô ơi nhớ về sơm sớm nghe cô.

- Cô ơi đừng bỏ tụi em. Tụi em nhớ cô nhiều lắm. Cô đừng đi luôn như mấy cô trước nha cô.

- Cô hứa sẽ về sớm. Cô sẽ về sớm thật mà, nhất định thế. Tâm nói với các em và nói với chính lòng mình. Tâm mỉm cười. “Về”, ao mình dùng từ “về”?. Làm như đây mới là nhà thực sự của mình vậy. Tâm không thể bỏ lại món quà nào của các em: Mắm, khô, chuối, mật ong,...mặn mà, đậm đà và ngọt ngào biết bao.

Hai tuần lễ nghỉ tết cũng qua đi. Tâm cảm thấy lạc lõng, buồn buồn giữa đám bạn stylist với đôi giày trị giá cả chục bao phân, chiếc xắc tay tương đương một thiên lúa. Bạn bè muốn giữ Tâm lại thành phố, nơi mà bao người mong mỏi chen thân, "lập dị", “ba trợn", “thất tình điên nặng”. Mặc... Tâm bỏ ngoài tai. Tâm hiểu mình thiếu gì và cần gì trong cuộc sống.

Chuyến xe đò về Tân Thạnh chết máy nằm đường nên mãi đến xế chiều Tâm mới đến nơi. Cũng may gặp xuồng phụ huynh đưa về tận nơi, bằng không chắc đi bộ tới tối. Chắc Cà Na ngạc nhiên lắm vì Tâm hẹn mùng tám mới “về”. Vừa đến cổng rào Tâm đã gọi rối rít Cà Na hỡi, Cà Na ơi. Một người đang đi như chạy về phía Tâm. Tâm đứng sững sờ buông rơi túi xách. Người ấy cũng khựng lại nhìn Tâm đăm đắm. Máu trong người Tâm như đang chảy ngược và trái tim lặng đi trong tích tắc. Thật lâu người ấy mới mấp máy môi:

- Tâm, anh đây mà. Khang của em đây mà. Hai cánh tay anh dang rộng. Tâm như không còn đứng nổi. Và Tâm không hiểu làm thế nào mà Tâm lại nằm trọn trong vòng tay ấy. Khang của Tâm đây. Tình yêu của Tâm đây. Tâm gục đầu trên vai anh nức nở. Ngỡ đã lạc nhau đời đời kiếp kiếp phải không anh?

- Sao…sao mà anh biết là em ở đây?

- Nhà này là nhà của anh, má của anh, em của anh. Lâu lắm anh không về nhà vì sợ má anh bắt đi cưới vợ. Lúc nãy về nhà nghe Cà Na nói có cô giáo ở trọ tên Tâm khiến anh điếng hồn. Anh thấy chữ viết là biết em ngay. Anh định đi tìm em. Ruột gan anh như đang bị lửa đốt em có biết không?

Tâm nhắm mắt nghe từng mạch máu thấm đẫm trong nỗi ngọt ngào, nghe hơi thở của anh nồng nàn trên môi, trên má. Anh cọ nhẹ cằm trên tóc Tâm như ngày xưa, cử chỉ quen thuộc làm Tâm rưng rưng trong nghẹn ngào hạnh phúc.

- Tám năm rồi phải không em?

- Tâm khẽ gật đầu. Anh nâng niu khuôn mặt Tâm trong tay, nhìn sâu vào đôi mắt còn long lanh ngấn nước.

- Ghen gì mà ghen dữ vậy hả cô bé. Suýt chút nữa mình mất nhau mãi mãi.

- Anh hạnh phúc quá Tâm ơi.

- Sống trên đời ai có tấm lòng thì sẽ tìm được hạnh phúc. Em tin như vậy, Khang ơi.

- Anh cũng tin như vậy.

Có tiếng bước chân và giọng thảng thốt của Cà Na phía sau nhà:

- Má ơi má, ra mà coi anh Hai ảnh…

Tâm níu tay người yêu chạy vô nhà. Ngoài sân, trên những cành mai hoa vẫn còn nở vàng rực rỡ. Mùa xuân vẫn chưa qua. Mùa xuân còn ở lại!./.

BT

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/mien-xua--a145074.html