Miệt mài 'giữ lửa' nghề dệt thổ cẩm
Trải qua gần 90 mùa rẫy, bà Nuh (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Với bà, khung cửi đã trở thành người bạn tâm giao để sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống.
Giữa không gian rộng lớn ở Khu du lịch Biển Hồ, hình ảnh cụ bà tóc bạc phơ ngồi dệt thổ cẩm vào mỗi ngày cuối tuần khiến du khách thập phương trầm trồ, tán thưởng. Dù đôi mắt đã yếu nhưng đôi tay bà vẫn thoăn thoắt, chuẩn xác khi ngồi vào khung dệt, luồn thoi.
Già làng Hmrik nói với tôi trong niềm tự hào: “Đó là bà Nuh, nghệ nhân dệt thổ cẩm giỏi của làng Ia Nueng mình. Trong làng, phụ nữ dệt giỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn người dành trọn cuộc đời để gắn bó và gìn giữ hoa văn thủ công của thổ cẩm Jrai chỉ có bà Nuh mà thôi”.
Đúng như lời già làng Hmrik, bà Nuh biết dệt từ năm lên 8 tuổi. Đêm đêm, bên bếp lửa nhà sàn bập bùng, bà kiên trì ngồi bên để học cách dệt từ mẹ. Bà Nuh kể: “Hồi đó, tôi mê dệt tới nỗi không chịu đi ngủ. Dù mẹ luôn bảo phải chờ tôi lớn thêm vài mùa rẫy nữa, khi lưng tôi cong như thiếu nữ, ngón tay tôi thon dài hơn và đôi mắt biết cảm nhận cái đẹp thì mẹ sẽ dạy cho. Nhưng tôi đã không đợi được! Tôi học dệt rất nhanh. Năm lên 8 tuổi, tôi đã có thể tự dệt những tấm thổ cẩm có hoa văn đơn giản”.
Vậy nên với bà Nuh, bộ khung dệt của mẹ để lại chính là tài sản vô giá của cuộc đời bà. Khung dệt có tuổi đời còn lớn hơn tuổi bà Nuh. “Bằng chiếc khung dệt này, cả mẹ và tôi đã dệt nên những tấm áo, chiếc khăn cho gia đình và bà con dân làng. Chúng tôi thường mặc những trang phục thổ cẩm đẹp nhất vào các dịp lễ hội của làng. Dệt thổ cẩm không chỉ làm ra những sản phẩm đẹp phục vụ sinh hoạt hàng ngày, tăng thêm thu nhập cho gia đình mà còn là nét đẹp truyền đời của phụ nữ Jrai”-bà Nuh chia sẻ.
Khi lập gia đình riêng, bà Nuh vẫn tiếp tục phát huy nghề dệt. Bà vận động các chị em trong làng trồng bông trên những mảnh vườn rộng sau nhà để lấy bông kéo sợi. Rồi họ cùng nhau lên rừng tìm vỏ cây, lá rừng về nhuộm màu cho sợi vải. Ngày đó, người làng Ia Nueng cho rằng dệt không phải là nghề. Bởi dệt không thể đủ gạo ăn. Dần dần, ít người theo nghề dệt. Nhưng với bà Nuh, nghề dệt vừa có thể giúp bà trang trải cuộc sống vừa giúp gìn giữ đam mê. Ngoài giờ lên nương rẫy, tất cả thời gian còn lại, bà dành để ngồi bên khung cửi. Bà tin rằng, khi dệt ra những tấm thổ cẩm đẹp, mọi người sẽ tìm tới để mua. Dần dần, sản phẩm dệt thủ công mộc mạc và giản dị của bà Nuh đã chinh phục được người dân trong và ngoài làng. Mỗi tuần, bà có thể bán một vài sản phẩm thổ cẩm.
Từ đó, bà Nuh được mọi người xem là nghệ nhân dệt thổ cẩm có đôi bàn tay khéo léo nhất làng. Gia đình bà là một trong những hộ tiêu biểu trong việc lưu giữ nghề dệt bằng cách truyền dạy cho các con. Chị HHuyên-con dâu bà Nuh-bộc bạch: “Tôi về làm dâu mẹ Nuh đã 23 năm. Mẹ chính là người truyền dạy nghề dệt cho tôi cùng 2 chị dâu. Đôi tay của mẹ rất tài hoa. Dù dệt không giỏi như mẹ nhưng chúng tôi luôn cố gắng học hỏi để duy trì nghề dệt thổ cẩm. Hiện nay, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Ia Nueng, tôi vận động chị em phụ nữ trong làng học và phát huy nghề dệt”.
Hầu như chưa một ngày nào, người dân làng Ia Nueng không thấy dáng ngồi của bà Nuh bên khung cửi. Khi tuổi cao, đôi mắt dần yếu đi, bà dệt bằng cảm quan, bằng trái tim của mình. Bà Nuh cho rằng: “Khi dệt đã trở thành thói quen, là nhịp sống của mình thì việc dệt cũng trở nên dễ dàng. Chỉ cần ngồi vào khung dệt, tôi có thể cảm nhận được từng sợi chỉ, từng đường nét hoa văn. Dù việc dệt có chậm lại đôi chút nhưng tôi vẫn giữ trọn được nét đẹp trên mỗi tấm thổ cẩm”.
Thời gian gần đây, khi Hợp tác xã Nông nghiệp liên hiệp Gia Lai tổ chức các hoạt động trình diễn cồng chiêng, hát dân ca, dệt thổ cẩm… vào những ngày cuối tuần tại Khu du lịch Biển Hồ, bà Nuh được mời ra trình diễn dệt thổ cẩm. Đây là hoạt động nhằm thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm. “Người làng mình rất tự hào khi nhìn thấy bà Nuh quảng bá văn hóa dệt của người Jrai đến với mọi người. Vượt ra khỏi không gian làng, thổ cẩm làng Ia Nueng mình cũng đã góp mặt trong nhịp sống hiện đại nhờ có đôi tay gìn giữ của bà Nuh”-chị BYứi bày tỏ.
Gần 90 năm cuộc đời, bà Nuh gắn bó với âm thanh của khung cửi và sắc màu của thổ cẩm. Hôm nay, bà vui mừng vì những nỗ lực gìn giữ không ngừng nghỉ của mình đã được đền đáp. “Nghề dệt thổ cẩm là nét đẹp văn hóa đặc trưng trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Jrai. Để gìn giữ và phát huy nghề tại địa phương, rất mong cấp ủy và chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích việc truyền dạy cho thế hệ trẻ để nghề dệt mãi trường tồn”-bà Nuh bày tỏ.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/miet-mai-giu-lua-nghe-det-tho-cam-post258680.html