Minh bạch các trạm thu phí vì sao khó?

Để đẩy nhanh tiến trình minh bạch hóa trong hoạt động thu phí tại các trạm thu phí BOT giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải phải khẩn trương báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/6/2019 tình hình triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Thu phí dịch vụ BOT giao thông là vấn đề gây bức xúc kéo dài nhưng vẫn rất chậm được cải thiện

Thu phí dịch vụ BOT giao thông là vấn đề gây bức xúc kéo dài nhưng vẫn rất chậm được cải thiện

Thu phí dịch vụ BOT giao thông và minh bạch hóa số tiền thu của các trạm sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng là vấn đề bức xúc được nhiều cử tri và nhân dân phản ánh trong nhiều năm qua, gây bức xúc trong xã hội. tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra cũng là vấn đề được nhiều đại biểu phản ánh và đặt câu hỏi liệu có lợi ích nhóm hay không. Báo cáo giám sát trả lời kiến nghị cử tri của UBTV Quốc hội cũng nhận định đây là vấn đề gây bức xúc kéo dài cho người dân nhưng tình hình vẫn rất chậm được cải thiện.

Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu đến hết năm 2018, các trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên phải áp dụng thu phí tự động không dừng; các trạm thu phí trên các tuyến đường khác phải áp dụng xong trong năm 2019. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến hết năm 2018 mới có 26/44 trạm thu phí đường bộ vận hành làn thu phí tự động không dừng (đạt 59,1%).

Trong Báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay, trên toàn quốc có 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và đường cao tốc (82 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và 11 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc), trong đó: Bộ Giao thông - Vận tải quản lý 74 trạm; Ủy ban nhân dân các tỉnh quản lý 19 trạm.

Hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT do Bộ Giao thông - Vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, giai đoạn 2 áp dụng các trạm còn lại trên toàn quốc.

Tiến độ cụ thể giai đoạn 1 tổng số trạm thuộc phạm vi dự án là 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án. Đối với các trạm trên quốc lộ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã lắp đặt và vận hành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (chỉ còn trạm tránh thành phố Thanh Hóa đang dừng thu do thay đổi vị trí trạm). Đối với 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án thì đã vận hành thương mại được 4 trạm; 14 trạm còn lại đang triển khai trong năm 2019.

Giai đoạn 2 tổng số trạm thuộc phạm vi dự án là 33 trạm, bao gồm 10 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (các trạm này đã triển khai tự động không dừng theo công nghệ cũ trước đây (OBU), hiện nay đang điều chỉnh công nghệ cho phù hợp) và 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. Đối với các trạm do địa phương quản lý, đến thời điểm hiện tại, có 6/14 địa phương có trạm thu phí đã tham gia vào dự án thu phí tự động do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý và đã hoàn thành việc lắp đặt và vận hành thu phí không dừng; 8/14 địa phương đang nghiên cứu để tự triển khai thực hiện, sau khi hoàn thành sẽ kết nối vào dự án do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý để đảm bảo tính kết nối liên thông.

Lý giải về nguyên nhân khiến cho hành trình minh bạch các trạm thu phí lại khó khăn như vậy, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, các quy định pháp luật liên quan đến việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng chưa đầy đủ, đồng bộ dẫn đến số lượng phương tiện tham gia dịch vụ chưa cao, chưa có chế tài bắt buộc phương tiện phải dán thẻ, sử dụng dịch vụ thu phí không dừng, các chế tài yêu cầu phương tiện không dán thẻ không được đi vào làn thu phí tự động…

Bên cạnh đó, các hợp đồng BOT đã ký không có chủ trương áp dụng thu phí không dừng. Quá trình thực hiện, phải tách thành dự án độc lập và không thể nhiều NĐT cùng thực hiện sẽ không đảm bảo kết nối liên thông (một thẻ không thể đi qua tất cả các trạm thu phí).

Ngoài ra, do hệ thống thu phí tự động không dừng áp dụng công nghệ mới, đầu tư theo hình thức PPP rất phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể nên trong quá trình triển khai thực hiện còn phát sinh các vướng mắc trong đàm phán làm ảnh hưởng đến tiến độ. Cùng đó, chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt trong khi việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa được thuận tiện cho người sử dụng dẫn đến chưa khuyến khích được người dân tham gia dịch vụ.

Hương Minh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/minh-bach-cac-tram-thu-phi-vi-sao-kho-88907.html