Minh bạch nguồn gốc gỗ hợp pháp cho phát triển lâm sản bền vững
Ứng dụng công nghệ vào chuỗi giá trị sẽ giúp giải quyết các vướng mắc trong chuỗi cung ứng, tạo điều kiện thuận lợi khi truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng hợp pháp.
Tại “Hội thảo thúc đẩy thực hành thương mại lâm sản bền vững” do Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT tổ chức sáng nay (17/6) ở Hà Nội, các đại biểu cho rằng, ứng dụng nền tảng số và công nghệ để truy xuất và minh bạch nguồn gốc gỗ hợp pháp, là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững ngành chế biến gỗ nói riêng, ngành lâm sản nói chung.
Thúc đẩy thương mại lâm sản hợp pháp, bền vững theo chủ trương của Chính phủ và Chiến lược phát triển của ngành Lâm nghiệp, các tham luận tại hội thảo giúp các chủ rừng, doanh nghiệp và người dân sinh sống từ nghề rừng hiểu rõ hơn ứng dụng các giải pháp về công nghệ, cũng như nền tảng số để truy xuất và chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý và giá trị sản phẩm mình làm ra. Từ thực tiễn quản lý ở địa phương, ông Phạm Hồng Nhật, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, ứng dụng số giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn trong công tác kiểm tra, quản lý, giám sát nguồn gốc gỗ, minh bạch, đỡ tốn kém thời gian. “Về phía người dân cũng như doanh nghiệp có hoạt động trồng rừng, chế biến cũng sẽ tiết kiệm được thời gian chứng minh nguồn gốc gỗ với các cơ quan chức năng”, ông Nhật cho biết.
Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện nay, cần thúc đẩy việc sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước được cấp chứng chỉ, để không những giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí sau đại dịch Covid-19, giảm tác động do nguồn cung gỗ đứt gãy từ xung đột giữa Nga và Ukraine, mà còn tránh được những rủi ro sử dụng gỗ bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng, sản xuất và xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM – một trong những doanh nghiệp đang sử dụng nền tảng số vào lĩnh vực chế biến, ứng dụng công nghệ vào chuỗi giá trị sẽ giúp giải quyết các vướng mắc trong chuỗi cung ứng, tạo điều kiện thuận lợi để đưa nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng hợp pháp đến được với các doanh nghiệp, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin ngoài việc đơn giản hóa trong công tác quản lý nhà nước, vẫn đảm bảo việc quản trị chặt chẽ của doanh nghiệp. Qua đó còn tạo ra năng suất cao hơn và tính minh bạch của nguồn gốc gỗ, góp phần quan trọng vào xây dựng thương hiệu của các thành tố trong chuỗi giá trị của ngành chế biến lâm sản”, ông Phương khẳng định.
Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) được thực thi từ năm 2019, trong đó quy định về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Thực hiện cam kết Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Nghị định 102 năm 2020, làm cơ sở triển khai thực hiện kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Theo đó, bắt buộc phải thực hiện phân loại doanh nghiệp và phải chứng minh được nguồn gốc gỗ hợp pháp để có thể được cấp phép xuất khẩu sang thị trường EU.
“Các doanh nghiệp khi làm tốt những quy định sẽ thuận lợi trong truy xuất nguồn gốc, đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp trong chế biến và xuất khẩu và còn là một trong những phương thức để khẳng định với thị trường thế giới rằng, Việt Nam luôn luôn coi trọng những quy định của quốc tế, liên quan đến việc đảm bảo hợp pháp, qua đó nâng cao uy tín ngành gỗ chế biến, gỗ xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ngoài EU" - ông Nghĩa cho biết thêm./.