'Mình ơi, xin đừng qua sông' - chuyện tình già đẹp tựa câu ca
Bộ phim tài liệu Hàn Quốc kể lại cuộc hôn nhân kéo dài 76 năm của một cặp vợ chồng già. Tác phẩm giản dị, sâu lắng và từng thu hút hơn 4,8 triệu lượt khán giả tại quê hương.
Mình ơi, xin đừng qua sông (My Love, Don't Cross the River) là bộ phim tài liệu ra mắt năm 2014 của đạo diễn Jin Mo Young. Phim theo chân đôi vợ chồng già Jo Byeong Man và Kang Kye Yeol trong những ngày tháng cuối đời.
Một trong mười phim Hàn hay nhất thập niên 2010
Tháng 11/2014, trong tuần khởi chiếu tại Hàn Quốc, Mình ơi, xin đừng qua sông đạt doanh thu 5,13 tỷ won, đứng trên nhiều bộ phim Hollywood ra mắt cùng thời điểm như bom tấn Interstellar của Christopher Nolan hay bộ phim The Theory of Everything kể về cuộc đời Stephen Hawking.
Mình ơi, xin đừng qua sông cũng là phim tài liệu thứ hai trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc từng đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu phòng vé nội địa sau Old Partner (2009).
Phim sớm thu 8,38 tỷ won sau hai tuần khởi chiếu. Kết thúc quá trình trình chiếu, Mình ơi, xin đừng qua sông bán được hơn 4,8 triệu lượt vé, qua đó trở thành bộ phim tài liệu độc lập Hàn Quốc có doanh thu cao nhất lịch sử xứ kim chi.
Không chỉ thành công tại quê nhà, Mình ơi, xin đừng qua sông còn là tác phẩm gây tiếng vang trên đấu trường quốc tế. Bộ phim từng được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Moscow, Liên hoan phim tài liệu quốc tế Hot Docs Canadian, Liên hoan phim Sydney và Liên hoan phim Los Angeles năm 2015.
Mình ơi, xin đừng qua sông nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình. Cây bút Frank Scheck của The Hollywood Reporter mô tả bộ phim là “một tác phẩm điện ảnh củng cố niềm tin vào hôn nhân”.
Đoạn cuối của cuộc tình già
Nhân vật chính trong Mình ơi, xin đừng qua sông là cặp vợ chồng già Jo Byeong Man và Kang Kye Yeol. Tại thời điểm thực hiện bộ phim, cụ bà Kang Kye Yeol 89 tuổi, còn cụ ông Jo Byeong Man đã ở tuổi 98.
Ngày xưa, ông Byeong Man là trẻ mồ côi được bố mẹ bà Kye Yeol thuê về làm công trong nhà. Ông bà lấy nhau từ thập niên 1930, khi bà mới 14 tuổi. Ông bà có với nhau 12 người con, 6 trong số đó đã qua đời vì bệnh tật.
Tuy đông con nhiều cháu, nhưng ông bà vẫn lựa chọn sống nương tựa vào nhau dưới mái nhà xưa. Cả hai nuôi thêm một chú chó nhỏ. Thi thoảng, con cháu vẫn về quây quần bên ông bà. Nhưng sau những cuộc đoàn viên ồn ã, vẫn chỉ có hai ông bà ở lại với nhau.
Sau hơn bảy thập kỷ gắn bó, ông bà vẫn quấn quýt như cặp vợ chồng son. Ở tuổi xế chiều, cuộc sống của họ giữa vùng thôn quê bình yên là chuỗi ngày ngập tràn niềm vui và lãng mạn.
Ông bà trêu chọc đối phương bằng cách ném lá, ném tuyết vào nhau như những cô bé, cậu bé tuổi lên tám, lên mười. Bà nắm tay ông đi trên đường, ông an ủi bà khi cả hai đi khám bệnh…
Câu chuyện của ông Byeong Man và bà Kye Yeol là minh chứng cho sức sống bền bỉ của tình yêu. Họ từng là một đôi chênh lệch tuổi tác, lấy nhau vì sự sắp đặt của gia đình. Ba năm sau khi cưới, hai người mới tìm thấy tiếng nói chung. Rồi từ đó, họ luôn bên nhau vượt qua gian khó của cuộc đời.
Hạnh phúc của cặp tình nhân già trên màn ảnh khiến người xem không khỏi chạnh lòng trước viễn cảnh sau khi một trong hai người ra đi, người ở lại sẽ phải sống tiếp những tháng ngày cô độc trong căn nhà ăm ắp kỷ niệm lứa đôi hạnh phúc.
Mình ơi, xin đừng qua sông không chỉ ca ngợi cuộc hôn nhân bền chặt, nồng thắm của hai ông bà đã ở bên kia con dốc cuộc đời. Bộ phim còn hé lộ với khán giả nỗi đau và sự trống vắng của người ở lại sau khi người bạn đời thủy chung ra đi mãi mãi.
Tuy nhiên, mất mát ấy không khiến Mình ơi, xin đừng qua sông trở thành một bi kịch tình yêu khi những người yêu nhau phải nói lời chia ly mãi mãi. Thay vào đó, cái kết được báo trước càng khiến vẻ đẹp mong manh trong từng khoảnh khắc trên màn ảnh khắc sâu vào tâm trí khán giả.
Ước muốn được mãi mãi bên nhau
Mình ơi, xin đừng qua sông được đạo diễn Jin Mo Young quay trong khoảng thời gian hơn một năm. Quãng thời gian giúp anh có cơ hội khám phá những góc khuất riêng tư trong cuộc đời cặp vợ chồng già.
Qua góc nhìn của Mo Young, cuộc tình hiện lên trên màn ảnh có sự thấu hiểu, sẻ chia và gắn bó giữa những người đã cùng đi qua biết bao biến cố của cuộc đời, lại có cả nét hồn nhiên, chân thật của tuổi thơ bé. Tình cảm của ông bà giản đơn, nhưng lại là điều vô giá mà bao người ao ước.
Đôi lúc, bộ phim của đạo diễn Jin Mo Young khiến người xem thoáng nảy ra câu hỏi: liệu mọi thứ có quá dàn xếp hay không - như việc một đôi vợ chồng già hàng ngày đều mặc những bộ đồ truyền thống sặc sỡ, nắm tay nhau đi trên đường có vẻ khiên cưỡng nếu đặt trong bối cảnh một xã hội mà đàn ông có phần gia trưởng như Hàn Quốc.
Tuy nhiên, chút băn khoăn thoáng qua cũng không thể phủ nhận giá trị nhân văn ẩn chứa trong Mình ơi, xin đừng qua sông. Nhan đề bộ phim cũng là lời hát trong một khúc ca cũ. Trong bài hát, người chồng vì thương vợ nên đã một mình băng qua sông, còn người vợ thì một lòng một dạ muốn cùng chồng đương đầu sóng to gió lớn.
Con sông trong lời bài hát phản chiếu vào bộ phim không chỉ là con sông chảy qua bên nhà mà hai ông bà bao lần vượt qua khi còn trẻ. Đó còn là con sông Tam Đồ ngăn cách giữa sự sống và cái chết.
Người vợ tha thiết mong chồng đừng đơn độc vượt qua con sông ấy sang thế giới bên kia. Hình ảnh cùng lúc mang đến vẻ đẹp của tình yêu và nỗi xót xa trước sự hữu hạn của đời người.
Bộ phim chuẩn bị được tái phát hành tại Việt Nam từ 21/8.