Mipecorp: Khả năng sinh lời thua công ty tư nhân nhiều sai phạm

Dù là một trong những 'ông lớn' trong ngành xăng dầu nhưng hiệu quả kinh doanh của Mipecorp nếu dựa trên tỷ suất lợi nhuận/doanh thu lại rất khiêm tốn so với nhiều đối thủ, đặc biệt là công ty tư nhân có nhiều sai phạm.

ROS Mipecorp chỉ bằng 27% Petrolimex

Công ty TNHH MTV Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipecorp) hoạt động trong lĩnh vực “Bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan”, cùng ngành nghề kinh doanh với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Tuy nhiên, hiệu quả của Mipecorp lại kém xa nhiều đối thủ nếu dựa trên tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu (ROS). ROS là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất với nhà đầu tư khi đưa ra quyết định đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Cụ thể, trong năm 2022, Mipecorp ghi nhận doanh thu tăng đột biến, tăng 9.700 tỷ đồng, tương đương 91,9% so với năm 2019.

Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế lại đáng kể, từ 37,7 tỷ đồng xuống 33,9 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 3,8 tỷ đồng (10%). Điều đó có nghĩa 1 đồng doanh thu tại Mipeccorp chỉ mang về 0,17 đồng lợi nhuận. Hay nói cách khác ROS tại Mipecorp chỉ là 0,17%.

 ROS năm 2022 tại Mipecorp, Petrolimex và Hòa Khánh. Ảnh: Hoàng Tú

ROS năm 2022 tại Mipecorp, Petrolimex và Hòa Khánh. Ảnh: Hoàng Tú

ROS tại Mipecorp đang giảm mạnh. Trước đó, năm 2021, chỉ tiêu này là 0,36%.

Còn so với các đối thủ, ROS tại Mipecorp cũng khiêm tốn hơn rất nhiều.

Ví dụ, năm 2022, Petrolimex đạt 304.172 tỷ đồng doanh thu và 1.902 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, ROS tại Petrolimex năm 2022 là 0,63%, cao gấp 3,7 lần Mipecorp. Hay nói cách khác, ROS tại Mipeccorp chỉ bằng 27% tại Petrolimex.

Còn so với một số công ty tư nhân, khả năng sinh lời theo doanh thu của Mipecorp cũng thua kém.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (Công ty Hòa Khánh) là một trong những doanh nghiệp xăng dầu đầu mối có nhiều vấn đề. Hòa Khánh hay bị “bêu” nhiều sai phạm trong các Kết luận Thanh tra của Bộ Công Thương. Thế nhưng, Hòa Khánh vẫn có ROS cao vượt trội so với Mipecorp.

Năm 2022, Hòa Khánh đạt 4.490 tỷ đồng doanh thu và 33,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, ROS tại Hòa Khánh là 0,74%, cao gấp 4,4 lần Mipecorp. Trước đó, năm 2021, ROS của Hòa Khánh còn lên đến 1%.

Quản lý chi phí kém đối thủ

ROS tại Mipecorp thấp hơn một số đối thủ như Petrolimex, Hòa Khánh rất nhiều. Nguyên nhân là Mipecorp quản lý chi phí kém hơn.

Cụ thể, năm 2022, Mipecorp dành dành 402 tỷ đồng cho chi phí bán hàng, 286 tỷ đồng cho chi phí quản lý doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa 1 đồng bán hàng mang về cho Tổng công ty 50,4 đồng doanh thu, 1 đồng quản lý doanh nghiệp mang về 70,8 đồng doanh thu.

 Dù là một trong những “ông lớn” trong ngành xăng dầu nhưng hiệu quả kinh doanh của Mipecorp nếu dựa trên tỷ suất lợi nhuận/doanh thu lại rất khiêm tốn so với nhiều đối thủ, đặc biệt là công ty tư nhân có nhiều sai phạm. Ảnh minh họa

Dù là một trong những “ông lớn” trong ngành xăng dầu nhưng hiệu quả kinh doanh của Mipecorp nếu dựa trên tỷ suất lợi nhuận/doanh thu lại rất khiêm tốn so với nhiều đối thủ, đặc biệt là công ty tư nhân có nhiều sai phạm. Ảnh minh họa

Còn tại Petrolimex, chi phí bán hàng năm 2022 là 10.500 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp là 823 tỷ đồng. Có thể hiểu là 1 đồng chi phí bán hàng mang về cho Petrolimex 29 đồng doanh thu, thấp hơn tại Mipecorp nhưng hoạt động quản lý doanh nghiệp lại hiệu quả hơn rất nhiều khi 1 đồng quản lý doanh nghiệp mang về 370 đồng doanh thu, cao gấp 5,2 lần tại Mipecorp.

Năm 2022, Công ty Hòa Khánh ghi nhận 54,5 tỷ đồng chi phí bán hàng, 34,1 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp. Như vậy, tại Hòa Khánh, 1 đồng bán hàng mang về 82,4 đồng doanh thu, 1 đồng chi phí quản lý doanh nghiệp mang về 132 đồng.

Kết quả cuối cùng là tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở (ROE) hữu tại Mipeccorp cũng thấp hơn các đối thủ kể trên.

Cụ thể, năm 2022, ROE tại Mipecorp, Petrolimex và Hòa Khánh lần lượt 5,5%; 6,8% và 11,4%.

Chênh vênh mốc 3% giữa nợ và vốn

Đầu năm 2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 242/2009 hướng dẫn thi hành quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Theo thông tư này, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước… không được tự ý vay vốn làm cho hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt quá 3 lần (đối với công ty có HĐQT) hoặc vượt quá vốn điều lệ (đối với công ty không có HĐQT) mà phải báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước xem xét quyết định.

Nhưng kể từ đó, tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn vi phạm quy định này. Mipecorp là một trong số đó.

Báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp năm 2017 được Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Chính phủ gửi tới Quốc hội cho thấy nhiều doanh nghiệp nhà nước có nợ phải trả/vốn chủ sở hữu rất cao. Tỷ lệ này tại Mipecorp là 7,88 lần.

Từ đó, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại Mipecorp được điều chỉnh. Nhưng gần đây nhất, tại ngày 31/12/2021, tỷ lệ này vẫn “chênh vênh” ở mốc quan trọng: 3.

Cụ thể, hồi cuối năm 2022, với vốn chủ sở hữu 616 tỷ đồng, Mipecorp phải “gánh” 1.851 tỷ đồng nợ phải trả. Như vậy, tỷ lệ nợ/vốn tại Mipecorp là 3 lần, mà tính cụ thể hơn thì là 3,005 lần.

Hoàng Tú

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mipecorp-kha-nang-sinh-loi-thua-cong-ty-tu-nhan-nhieu-sai-pham-post257435.html