Mở 'cánh cửa' hòa nhập cho trẻ khuyết tật

Phòng Giáo dục trẻ khuyết tật thuộc Cơ sở 3 của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Cao Bằng là cơ sở giáo dục chuyên biệt, chuyên chăm sóc và dạy dỗ các trẻ em gặp khó khăn về nghe, nói; khuyết tật vận động; chậm phát triển trí tuệ, gặp phải hội chứng Down.

Giờ dạy 1 cô, 1 trò dạy trẻ mầm non.

Giờ dạy 1 cô, 1 trò dạy trẻ mầm non.

Dưới mái nhà Trung tâm, nhiều trẻ khuyết tật đã phục hồi và tiến bộ, hòa nhập tốt tại các trường học bình thường, hòa nhập cuộc sống xã hội. Nỗ lực dạy dỗ của các thầy, cô Trung tâm đã mở ra những “trang sách mới” trong cuộc đời của trẻ.

Kiên trì và bền bỉ

Tại Trung tâm có 70 trẻ từ 3 đến 10 tuổi đang học tập, rèn luyện phục hồi các kỹ năng chậm phát triển, để tiến tới hòa nhập xã hội. Ngoài các giờ học, hoạt động thể chất chung, nội dung quan trọng giúp mỗi cháu tiến bộ là giờ học 1:1, 1 cô, 1 trò. Tùy thuộc hạn chế, khiếm khuyết của mỗi cháu, các giáo viên sẽ có hình thức, phương pháp dạy dỗ riêng để kích thích, can thiệp, giúp mỗi cháu phát triển tiềm năng phục hồi và tiến bộ.

Giờ học vẽ của các cháu tại Trung tâm.

Giờ học vẽ của các cháu tại Trung tâm.

Mỗi giáo viên trong Trung tâm đều nỗ lực để mỗi cháu sau 1 đến 2 năm học tập tại đơn vị đều có tiến bộ, tiếp tục học hòa nhập tại các trường phổ thông, tạo nền tảng để mai sau hòa nhập tốt trong cuộc sống xã hội.

Cô giáo Ngân Thị Nhung, Trưởng phòng Giáo dục trẻ khuyết tật chia sẻ, vất vả, khó khăn nhất trong giáo dục trẻ khuyết tật là phần lớn các cháu, thời gian đầu không hợp tác với giáo viên. Có cháu trong giờ học 1:1 chỉ ngồi khóc, chơi theo ý mình, đòi hỏi mỗi giáo viên cần kiên trì và bền bỉ, nhẫn nại làm quen, định hướng các cháu tâp trung vào các bài học kích thích phát triển trí tuệ và thể chất.

Niềm vui của cô và trò khi các cháu có tiến bộ.

Niềm vui của cô và trò khi các cháu có tiến bộ.

Chia sẻ về kết quả giáo dục trẻ khuyết tật, bà Tô Thị Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Cao Bằng cho biết, các cháu hiện học tập tại 8 lớp. Trong đó, 4 lớp Tiểu học, 3 lớp Mầm non, 1 lớp thực hiện chương trình phục hồi chức năng cho trẻ khó khăn vận động. Phòng Giáo dục trẻ khuyết tật hiện có 31 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Giáo viên trong đơn vị luôn tự bồi dưỡng và nâng cao năng lực, nghiệp vụ về chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật, luôn trách nhiệm, tận tâm dạy dỗ, giáo dục giúp cho nhiều trẻ tiến bộ, hòa nhập tốt, đó là niềm vui của những người làm công tác giáo dục trẻ khuyết tật.

Điểm ưu việt tại Trung tâm là gia đình 100% trẻ khuyết tật đang học tập không phải đóng bất cứ khoản phí nào. Trẻ là con hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ theo nội dung Thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ liên quan; số trẻ còn lại được hỗ trợ 600 nghìn đồng/tháng theo nội dung Nghị quyết của HĐND tỉnh Cao Bằng. Trung tâm sử dụng thêm kinh phí chi thường xuyên để mua đồ dùng sinh hoạt cho các cháu và tăng cường xã hội hóa để chăm lo thêm cho các cháu, bà Tô Thị Nga cho biết thêm.

 Trẻ khuyết tật trình bày về bức tranh mình vẽ.

Trẻ khuyết tật trình bày về bức tranh mình vẽ.

Viết tiếp ước mơ

Thành lập từ năm 2007, qua 15 năm hoạt động, Trung tâm Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, nay là Phòng Giáo dục trẻ khuyết tật thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Cao Bằng đã giúp hàng nghìn trẻ khuyết tật được học tập và rèn luyện, tiến bộ, đi học hòa nhập tại các trường phổ thông bình thường, tạo nền tảng để hòa nhập tốt vào cuộc sống xã hội.

Các cháu ở Trung tâm học môn toán.

Các cháu ở Trung tâm học môn toán.

Các cô giáo vẫn nhớ như in các trường hợp trẻ tiến bộ rõ rệt, hòa nhập tốt sau khi rời mái nhà Trung tâm. Cháu Ôn Tiến Minh, ở thành phố Cao Bằng, vào Trung tâm học lớp trẻ khiếm thính, sau 2 năm học tập, rèn luyện, tiến bộ, lại được gia đình đưa đi cấy điện cực ốc tai, hiện tại cháu đang học tập bình thường ở một trường tiểu học. Cháu Hoàng Lâm, ở thành phố Cao Bằng học lớp trẻ tự kỷ, đã rèn luyện tốt các kỹ năng, hiện đang học tại một trường trung học phổ thông.

Trong hòa nhập xã hội, cháu Lý Văn Tâm, sinh năm 2003, vào Trung tâm học lớp khiếm thính, nhờ được can thiệp, học tập, rèn luyện hiệu quả, hiện cháu tự làm chủ một quán bán hàng tạp hóa, photocopy ở huyện Bảo Lâm và giao tiếp tốt với khách hàng. Cháu Ngô Kiến Huy, ở huyện Trùng Khánh, bị khuyết tật vận động, nhập học tại Trung tâm tháng 9/2021 đến tháng 3/2022 đã tự đi lại được.

Giờ học của lớp khiếm thính.

Giờ học của lớp khiếm thính.

Phấn khởi trước tiến bộ của cháu mình, bà Nông Thị Trâm, bà nội cháu Huy cười rạng rỡ chia sẻ, gia đình đã 2 lần đưa cháu về Hà Nội, đưa ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng chưa hiệu quả, ông bà, bố mẹ “khóc hết nước mắt”. Đến khi vào Trung tâm học tập, được các cô tận tình kèm cặp, rèn luyện, sau 6 tháng, cháu tôi đã tự đi lại được, gia đình vui mừng lắm.

Thời gian tới, Trung tâm tăng cường cử giáo viên tham gia các các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giáo dục trẻ khuyết tật, phát huy sáng kiến áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trẻ. Một vấn đề đó là sau khi sáp nhập, thành lập 3 cơ sở của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Cao Bằng, số định biên của đơn vị vẫn giữ nguyên là 31 biên chế, có ý kiến đề nghị là nên phục hồi đơn vị Trung tâm Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật Cao Bằng như trước năm 2019 (năm sáp nhập), giúp chủ động trong các hoạt động xã hội hóa, thu hút thêm nguồn lực chăm lo cả vật chất và tinh thần cho trẻ khuyết tật.

MINH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhan-ai/mo-canh-cua-hoa-nhap-cho-tre-khuyet-tat-699013/