Mô hình 11 thành phần trong chuyển đổi kép

Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững.

Theo PGS TS Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam, đây không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là lựa chọn phù hợp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam thời gian tới, hướng đến việc hiện thực hóa các cam kết với quốc tế.

"Chúng ta đặt ra trở thành cường quốc xanh hóa nền kinh tế và số hóa nền kinh tế. Đây là tầm nhìn, cam kết rất dũng cảm. Chúng ta đặt ra năm 2050 ngang mặt bằng chung với các nước phát triển khi cam giảm phát thải ròng về "0". Ví dụ như Trung Quốc là 2060, Ấn Độ là 2070, đều đặt sau mình. Việt Nam đã cam kết như thế nên chúng ta càng phải thay đổi nhiều hơn. Và chúng ta muốn làm thì phải có những điều kiện đi kèm, có nguồn lực, có thể chế, có hợp tác quốc tế; và tạo ra hệ sinh thái để các chủ thể liên kết với nhau trong hệ sinh thái đó, bảo đảm các động lực, các đột phá".

TS Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ.

TS Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đồng quan điểm trên, TS Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, muốn thành công trong quá trình chuyển đổi kép "vừa xanh, vừa số" thì Việt Nam cần áp dụng mô hình 11 thành phần mà các nước châu Âu cũng đang xây dựng. Trong đó, yếu tố đầu tiên là cơ bản và quan trọng nhất, đó chính là quy định đầy đủ về pháp lý.

"Thứ hai là cơ sở hạ tầng, đầu tư vào giao thông thông minh. Thứ ba là phấn đấu cho nền công nghiệp xanh; khi xây khu công nghiệp mới chúng ta phải bảo đảm yếu tố xanh. Tiếp theo đó là xóa bỏ ô nhiễm; không đánh đổi phát triển bằng mọi giá. Kế tiếp là bảo đảm phát triển bền vững, công bằng cho các nhóm đối tượng. Ngoài ra, đối với các dự án xanh thì cần cơ chế khuyến khích thông qua các dự án tài trợ phát triển. Ví dụ, Chính phủ Úc hỗ trợ Việt Nam khoảng 1,4 triệu USD cho nông nghiệp phát triển bền vững. Còn cam kết Net Zero thì châu Âu cũng cam kết hỗ trợ cho Việt Nam hơn 10 tỷ USD. Tiếp theo là chuyển dịch năng lượng. Tiếp theo là đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đi đầu thì phải mang tính dẫn dắt, phải tiên phong trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Cuối cùng là phát triển Blockchain, nhân rộng các mô hình từ trang trại đến bàn ăn".

Còn đối với từng doanh nghiệp trong nền kinh tế, TS Chử Đức Hoàng cũng đưa ra 5 "keywork" cần lưu ý trong quá trình chuyển đổi kép. Đó là phải tích hợp chuyển đổi kép vào chiến lược kinh doanh; phải có hình thức hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước; phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp hướng tới sự bền vững và đổi mới; phải chú trọng yếu tố con người thông qua quy trình đào tạo liên tục; cuối cùng, doanh nghiệp phải đầu tư nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới.

Thái Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/mo-hinh-11-thanh-phan-trong-chuyen-doi-kep-102240812160228061.htm