Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mang lại nhiều lợi ích cộng đồng
Nhiều năm qua, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình và xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Cải thiện sức khỏe người cao tuổi
Để thích ứng với già hóa dân số, quận Thanh Xuân đã đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, góp phần từng bước nâng cao chất lượng dân số Thủ đô và quận.
Thời gian qua, quận Thanh Xuân đã đồng loạt triển khai nhiều hoạt động với mục tiêu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giúp người cao tuổi “Sống vui, sống khỏe, sống có ích”.
Đặc biệt, từ tháng 5/2023, quận Thanh Xuân đã triển khai và duy trì mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại 11/11 phường với các hoạt động truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng.
Thông qua hoạt động mô hình người cao tuổi được tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, tư vấn chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe miễn phí… đã cải thiện, nâng cao sức khỏe, thể chất, tinh thần cho người cao tuổi. Đây là sân chơi bổ ích thu hút được đông đảo người cao tuổi tham gia giúp người cao tuổi “Sống vui - sống khỏe - sống có ích”.
Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao đạt trên 87% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/ năm, quận đã tổ chức chiến dịch khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi. Tại đây, người dân được khám nội, tai mũi họng, răng hàm mặt, khám mắt, siêu âm, đo loãng xương, xét nghiệm 3 chỉ số (Gluocose máu, Triglyceride máu, Cholesterol máu).
Không những vậy, người cao tuổi đến khám được lập hồ sơ quản lý và theo dõi sức khỏe tại trạm y tế phường, được tư vấn các kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe tại gia đình, chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý. Các trường hợp mắc bệnh cần khám chuyên sâu đều được các bác sĩ tư vấn chuyển bệnh viện tuyến trên để khám và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, quận đã tổ chức 16 buổi truyền thông cho 1.607 người cao tuổi. Thông qua các buổi truyền thông người cao tuổi được cung cấp các thông tin về thực trạng già hóa dân số hiện nay.
Các thay đổi tâm, sinh lý ở người cao tuổi, các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe người cao tuổi, các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý đối với sức khỏe người cao tuổi.
Từ đó, người cao tuổi có thêm kiến thức, kỹ năng để chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, phát hiện và phòng tránh các bệnh thông thường ngay tại gia đình góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi quận Thanh Xuân.
Tại quận Hoàng Mai cũng đã triển khai hiệu quả chiến dịch về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Chiến dịch được triển khai nhằm tư vấn, khám sức khỏe cho người cao tuổi để phát hiện các bệnh thường gặp, chuyển tuyến điều trị can thiệp kịp thời.
Tại chiến dịch, hơn 400 người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên được khám sức khỏe tại các phòng khám đa khoa của Trung tâm y tế quận. 120 người cao tuổi có bảo hiểm y tế đúng tuyến đã được cấp phát thuốc điều trị theo quy định.
Cùng với đó, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và chữa bệnh cho người cao tuổi tại trạm y tế phường thường xuyên được duy trì. Các hoạt động tuyên truyền chăm sóc sức khỏe tại cơ sở và tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn, sinh hoạt câu lạc bộ cho người cao tuổi được tăng cường triển khai.
Nội dung truyền thông tư vấn tập trung vào việc phòng, chăm sóc cho người cao tuổi mắc các bệnh về tâm phế mãn, viêm khớp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não... Tư vấn về nhu cầu dinh dưỡng, cách phòng ngừa bệnh tật; chế độ luyện tập nhằm nâng cao sức khỏe về thể chất cũng như tinh thần cho người cao tuổi.
Qua chiến dịch chăm sóc sức khỏe, hơn 20.000 người cao tuổi trên toàn quận đã được tiếp cận với dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, được truyền thông, phổ biến kiến thức trực tiếp và qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Nâng cao vị thế người cao tuổi
Tại quận Long Biên, mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi áp dụng mô hình Tsuyama của Nhật Bản đã phát huy hiệu quả tích cực. 6 tháng qua, tại 11 điểm luyện tập của các tổ dân phố trên địa bàn quận đã tổ chức 210 buổi luyện tập bài thể dục tránh ngã với 4.250 lượt người tham gia luyện tập.
Các điểm luyện tập thuộc Dự án JICA đã duy trì lịch sinh hoạt định kỳ 1 đến 2 lần/1 tuần, thu hút sự quan tâm, tích cực luyện tập của các bác hội viên Hội người cao tuổi tại các tổ dân phố. Nhờ luyện tập các bài tập thể dục tránh ngã đã giúp các hội viên người cao tuổi quận Long Biên cải thiện thăng bằng và hạn chế hiện tượng té ngã nguy hiểm.
Những năm qua, quận Ba Đình đã thúc đẩy công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi có nhiều sự chuyển hướng. Quận đang từng bước thực hiện mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Năm 2022, quận tiếp tục triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng tại một số phường với nhiều hoạt động.
Đơn cử như truyền thông chăm sóc sức khỏe, bồi dưỡng kiến thức phòng tránh một số bệnh người già thường gặp, khám chữa bệnh cho người cao tuổi, sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… Hoạt động này đã giúp người cao tuổi nâng cao kiến thức, trân trọng sức khỏe, tận hưởng sức khỏe và bảo vệ sức khỏe.
Thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã xây dựng và hướng dẫn triển khai, duy trì mô hình dân số năm 2023 tại 30/30 quận, huyện, thị xã.
Trong đó, 86 mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng, 40 CLB người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe, 24 mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. 18 mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên.
10 mô hình truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình tới vùng dân cư đặc thù (khu làng nghề truyền thống, khu công nghiệp, vùng công giáo, vùng dân tộc ít người, vùng dân di cư tự do).
Các hoạt động mô hình đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, hoạt động truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được duy trì thường xuyên tại cộng đồng trên địa bàn 579 xã, phường, thị trấn.
Với mục đích triển khai các hoạt động và đề ra các giải pháp can thiệp nhằm nâng cao vị thế người cao tuổi, nâng cao trách nhiệm các tổ chức và cộng đồng đối với người cao tuổi.
Thời gian qua, TP đã phối hợp với các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện 41 mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng năm thứ nhất. 45 mô hình năm thứ hai và thực hiện 40 câu lạc bộ người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe. Xây dựng kế hoạch đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cán bộ thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, thời gian tới, TP tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 21 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và các đề án, chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác dân số của thành phố theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Cùng với đó, TP tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền.
Mặt khác, ngành tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số. Mở rộng toàn diện nội dung truyền thông về quy mô, cơ cấu, quản lý và phân bố dân số đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số.
Đặc biệt, TP chú trọng tuyên truyền các nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân. Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đặc biệt là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2023, quận Ba Đình tiếp tục nhân rộng các hoạt động sinh hoạt CLB “Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi dựa vào cộng đồng” mỗi quý 1 lần. Đến nay, 14 phường đã tổ chức sinh hoạt CLB người cao tuổi với những hoạt động ý nghĩa như: Hội nghị chuyên đề, khám tư vấn sức khỏe, tặng quà để chăm lo sức khỏe người cao tuổi, thu hút gần 1.000 người cao tuổi đến tham gia hoạt động.