Mô hình hiệu quả

Với Đại úy Zsakhiem James, Cảnh sát trưởng hạt Camden, bang New Jersey, Mỹ, mỗi lần gặp gỡ người dân địa phương là một cơ hội để bồi đắp 'niềm tin cộng đồng'.

Đó là lý do tại sao trong các lần tuần tra, bằng cả hình thức đi bộ và lái xe, ông đều chọn đưa theo các sĩ quan cảnh sát trẻ, mới vào nghề đi cùng để chia sẻ cho họ tầm quan trọng của việc nâng cao mối quan hệ cá nhân giữa cảnh sát và người dân.

Trước đây, thành phố Camden bên bờ sông Delaware, thuộc hạt Camden, được liệt vào danh sách một trong mười thành phố nguy hiểm nhất xứ sở cờ hoa bởi tỷ lệ vi phạm pháp luật cao tới mức báo động. Từ năm 2013, giới chức hạt Camden quyết định giải tán bộ máy cảnh sát lúc đó và lập một hệ thống mới. Họ xây dựng đội ngũ cảnh sát viên thân thiện, nhiệt huyết, tường tận luật pháp, hành xử đúng nguyên tắc. Theo kế hoạch cải cách, lực lượng cảnh sát tăng cường tiếp xúc với người dân nhằm nâng cao mối quan hệ và xây dựng lòng tin, cũng như được bồi dưỡng thêm các khóa học về hạn chế sử dụng vũ lực khi thi hành nhiệm vụ. Thậm chí, họ còn phải rèn luyện và vượt qua bài kiểm tra tông giọng được chấm bằng máy tính.

 Cảnh sát "người bảo vệ" bắt chuyện với người dân để xây dựng quan hệ với cộng đồng. Ảnh: The Washington Post.

Cảnh sát "người bảo vệ" bắt chuyện với người dân để xây dựng quan hệ với cộng đồng. Ảnh: The Washington Post.

Ông Zsakhiem James khẳng định, nhờ việc tăng cường trao đổi “mặt đối mặt”, mối quan hệ giữa cảnh sát và người dân vốn trước kia khá căng thẳng thì giờ trở nên rất tốt đẹp. Không khó để bắt gặp hình những cảnh sát đi đến từng cơ sở kinh doanh, từng cửa hàng hay thậm chí trò chuyện vui vẻ với người dân trên đường phố. Đó cũng là một phương pháp nắm địa bàn hiệu quả. Chính sự thân thiện từ phía cảnh sát đã gây được cảm tình từ người dân, và ngược lại, chính người dân sẽ yên tâm vào lực lượng cảnh sát, hỗ trợ cảnh sát khi cần.

Chỉ một thời gian ngắn sau, thành phố Camden đã được xóa tên khỏi “danh sách đen” trên. Thống kê từ Sở Cảnh sát hạt Camden cho thấy tình hình tội phạm ở thành phố với khoảng 74.000 dân này đã được kiềm chế. Năm 2019, số vụ vi phạm pháp luật được báo cáo là 1.161 vụ, giảm 42% so với năm 2012. Các khiếu nại liên quan đến việc cảnh sát thực thi pháp luật cũng giảm mạnh, từ 65 đơn năm 2014 xuống còn 3 đơn năm 2019. Điều này chứng tỏ đa phần người dân đã hài lòng về lực lượng cảnh sát và tình hình an ninh của thành phố. Trong khi đó, theo số liệu mới nhất từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), tỷ lệ tội phạm ở nước này nói chung chỉ giảm vỏn vẹn 2% trong giai đoạn 2012-2018.

Bên cạnh đó, việc hành xử đúng nguyên tắc trong lực lượng cảnh sát của thành phố Camden vừa là quy định nhưng vừa đến từ ý thức, trách nhiệm từ mỗi cảnh sát viên. Với sĩ quan cảnh sát Alexander Baldwin, trong hơn một năm tại ngũ, anh chưa bao giờ rút “vũ khí nóng” khi thực hiện nhiệm vụ. Anh quan niệm: “Đừng ỷ lại vào việc được trang bị súng mà bất cứ tình huống nào cũng chực đưa nó ra khỏi bao. Hãy đối xử với người dân đúng như là một thành viên trong cộng đồng thay vì như thể là tội phạm".

Mô hình cảnh sát ở thành phố Camden một lần nữa lại được nhắc đến sau cái chết của George Floyd, một người Mỹ gốc Phi tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, do bị cảnh sát da trắng dùng bạo lực quá mức. Vụ việc đã khiến dư luận sục sôi, châm ngòi cho làn sóng biểu tình quy mô lớn ở Mỹ chống nạn phân biệt chủng tộc và tình trạng cảnh sát dùng bạo lực. Các cuộc biểu tình hòa bình đã sớm biến thành bạo động và nhiều phần tử lợi dụng để cướp bóc và phá hoại tài sản. Tại thành phố Camden, nơi có tới hơn 48% người Mỹ gốc Phi, người dân cũng xuống đường tuần hành nhưng đến nay không ghi nhận bất cứ trường hợp quá khích nào như nhiều nơi khác. Có lẽ đúng như chia sẻ của ông John Pike, người đã gắn bó 5 thập kỷ với thành phố này, người dân địa phương đều tin rằng nếu sự việc của George Floyd xảy ra tại Camden thì lực lượng hành pháp ở đây sẽ phản ứng hoàn toàn khác.

Giải thể lực lượng cảnh sát là một trong những lời kêu gọi trong các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, điều này không phải là gốc rễ vấn đề. Khi mà chính quyền vẫn chưa tìm ra một biện pháp trị an nào hiệu quả, mô hình cảnh sát dựa vào “niềm tin cộng đồng” như ở thành phố Camden có thể là một tham chiếu tốt cho lực lượng thực thi pháp luật của nước này.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/mo-hinh-hieu-qua-626113