Mô hình nuôi bò sinh sản ở Sơn La

Sau khi thay đổi phương thức quản lý, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân (QHTND) tỉnh Sơn La triển khai lập 32 dự án nhỏ giúp cho 522 hộ nông dân nghèo chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Năm 2014 đã có hàng trăm con bê, nghé ra đời, hàng trăm con trâu, bò sắp đẻ, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản ở xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp (Sơn La).

Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản ở xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp (Sơn La).

Chúng tôi phải hẹn hai, ba lần mới gặp được đại diện Ban Điều hành QHTND Sơn La. Đồng chí Hà Thị Hồng, Phó ban Điều hành quỹ vừa đi cơ sở giải ngân về, nói vui: "Vừa làm nông dân, vừa làm tín dụng, công việc mệt nhưng thấy bà con vui là mình mừng". Rồi đồng chí cho xem bản báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động năm 2014 của QHTND Sơn La. Thành tích rõ nhất là nguồn quỹ được quản lý chặt chẽ, rõ ràng, đúng đối tượng, hiệu quả tích cực. Cụ thể, số trâu, bò thuộc dự án hỗ trợ nông dân quản lý đều béo tốt, phát triển tăng số lượng.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La kiêm Trưởng ban Điều hành QHTND tỉnh Sơn La Hoàng Sương cho biết: Trước kia, Hội Nông dân tỉnh đã tuyên truyền vận động xây dựng quỹ, nhưng điều kiện một tỉnh miền núi biên giới nghèo, nguồn vốn hạn hẹp, lựa chọn đầu tư cây con chưa phù hợp cho nên hiệu quả không cao. Từ khi thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động của QHTND tỉnh Sơn La đã thu được kết quả tích cực. Nhờ nguồn vốn ủy thác của Trung ương Hội và ngân sách tỉnh cấp, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo lập các dự án nhỏ, phù hợp với điều kiện của nông dân để chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Sau hơn hai năm vận hành quỹ theo cách làm mới, công tác sổ sách nghiệp vụ được quản lý chặt chẽ, đồng vốn sinh lời nhanh, vững chắc. Tất cả các dự án phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản sau một chu kỳ vốn từ QHTND đều tăng đàn gấp hai, ba lần.

Đến nay, tổng nguồn vốn QHTND tỉnh Sơn La là 21 tỷ 207,534 triệu đồng, trong đó ủy thác từ Trung ương Hội Nông dân 8,7 tỷ đồng, ngân sách tỉnh cấp 5,4 tỷ đồng, vận động nhân dân đóng góp và trích từ ngân sách huyện hơn bảy tỷ đồng.

Để triển khai dự án, Ban Điều hành QHTND tỉnh phối hợp các địa phương tuyên truyền vận động, giải thích phương thức hỗ trợ, từ đó khảo sát, chọn đối tượng, lập dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Đối tượng được nhận vốn hỗ trợ tự mình lựa chọn mua bò giống. Có nhiều hộ ngoài tiền hỗ trợ theo định mức, gia đình còn bỏ thêm tiền để mua giống tốt, hoặc mua bò đang có chửa. Đây cũng là lý do để người dân hiểu và xác định rõ trách nhiệm của mình, không cho đó là trâu, bò của dự án.

Sau ba năm hết một chu kỳ nhận hỗ trợ, vốn không tính lãi được thu hồi cho hộ nông dân khác vay. Với cách làm này, số lượng trâu, bò do Hội Nông dân hỗ trợ tăng nhanh, người dân rất phấn khởi.

Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu là địa phương đầu tiên triển khai mô hình hỗ trợ vốn kiểu mới. Ban đầu chỉ có 700 triệu đồng hỗ trợ bà con mua 50 con bò, sau 32 tháng đã sinh sản được 70 con, cùng với 37 con đang có chửa. Tại xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên đầu tư nuôi 40 con, sau 27 tháng sinh sản 37 con, chửa 26 con. Ở các địa phương khác có dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản, như: Tông Lạnh (Thuận Châu), Mường Chùm (Mường La), Tân Lang (Phù Yên), Huổi Một (Sông Mã) số lượng trâu, bò sinh sản đều tăng gấp hai, ba lần số lượng ban đầu. Đặc biệt, dự án đầu tư 300 triệu đồng cho bà con nông dân nghèo vùng biên giới xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp, từ 14 con bò ban đầu sau một năm đã sinh sản sáu con, chửa năm con. Trong tổng số 32 dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản, năm 2014 đã có năm dự án đến hạn thu hồi, với số tiền 2,6 tỷ đồng, bà con đều trả sòng phẳng.

Số tiền đó lại được quay vòng cho các hộ khác vay. Theo Ban Điều hành QHTND tỉnh Sơn La, nhờ hiệu quả cách làm này, vừa qua tỉnh Sơn La đã cấp từ ngân sách tỉnh bổ sung thêm 1,5 tỷ đồng vào quỹ. Như vậy, năm 2015 toàn tỉnh sẽ có 5,8 tỷ đồng cho việc lập các dự án mới cho bà con nông dân chăn nuôi trâu, bò sinh sản.

Mục tiêu chính của Hội Nông dân tỉnh Sơn La, từ nay đến năm 2020 sẽ đẩy mạnh cách lập quỹ hỗ trợ nông dân chăn nuôi trâu, bò theo những mô hình đang triển khai. Chỉ đạo Ban Điều hành QHTND thực hiện tốt quản lý, điều hành nguồn quỹ do ngân sách tỉnh cấp và Trung ương Hội ủy thác, tiếp tục vận động nhân dân và các tổ chức xã hội xây dựng quỹ để ngày càng có nhiều hộ nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tham gia chăn nuôi trâu, bò. Quan tâm tuyên truyền giới thiệu những mô hình hay, những địa phương làm tốt để bà con nông dân trong tỉnh học tập nhân rộng.

Để bảo đảm phát triển chăn nuôi trâu, bò bền vững, Hội Nông dân tỉnh Sơn La sẽ phối hợp Trung tâm khuyến nông, Thú y tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các buổi tuyên truyền giúp bà con kỹ thuật chăm sóc, chống rét giữ ấm cho trâu, bò. Ngoài chăn nuôi giống trâu, bò địa phương, tiến tới nuôi bò lai sin chất lượng cao, giới thiệu những địa bàn có giống bò tốt, liên kết vùng, giải quyết đầu vào, đầu ra chăn nuôi trâu, bò hiệu quả, giúp bà con nông dân xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/dan-toc-mien-nui/item/25580102-mo-hinh-nuoi-bo-sinh-san-o-son-la.html