Mở hướng thoát nghèo ở Quảng Ngãi

Với việc phát huy hiệu quả của những 'cánh tay nối dài', hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở Quảng Ngãi trong những năm qua đã thu được những kết quả ấn tượng; đóng góp vào công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Bệ đỡ” để bà con thoát nghèo

Quảng Ngãi nằm ở duyên hải miền Trung, diện tích tự nhiên hơn 5.155 km2, với dân số khoảng 1,2 triệu người với trên 30 thành phần dân tộc; chủ yếu là dân tộc Kinh và 3 dân tộc thiểu số là Hre, Cor và Cadong...

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, những năm gần đây với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW đã góp phần tích cực trong việc mở rộng, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhất là những vùng nghèo, vùng khó khăn ở Quảng Ngãi… Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn cũng đã tích cực vào cuộc, phát huy tốt vai trò trách nhiệm, quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các chính sách tín dụng xã hội, hỗ trợ cơ sở vật chất, nguồn vốn nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Gia đình ông Đinh Cầm, thôn Long Thượng, xã Long Mai, huyện Minh Long, là gia đình đồng bào dân tộc thiểu số Hrê còn gặp khó khăn. Năm 2019, gia đình được vay vốn từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, với số tiền 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, ông Đinh Cầm tập trung đầu tư trồng cây keo. Ngay trong lứa cây keo đầu tiên, sau khi trừ các chi phí đầu tư gia đình còn có lãi 120 triệu đồng. Sau đó, gia đình tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay theo nguồn vốn hộ gia đình sản suất kinh doanh tại vùng khó khăn với số tiền 100 triệu đồng để trồng 25 nghìn cây keo lai. Dự kiến, đến kỳ thu hoạch keo thu nhập gần 350 triệu đồng, sau trừ chi phí, lợi nhuận gia đình trên 200 triệu đồng.

Ông Đinh Cầm chia sẻ, nhờ vay vốn tín dụng chính sách ưu đãi, lãi suất thấp mà đến nay gia đình đã ổn định cuộc sống, tạo được thu nhập, đã trả hết nợ gốc, lãi tiền vay đầy đủ và đúng thời gian quy định để nguồn vốn này tiếp tục hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác ở địa phương...

Trong khi đó, gia đình bà Nguyễn Thị Minh Hương, ở tổ dân phố Phú Vinh Đông, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành cũng thuộc hộ nghèo, cuộc sống khó khăn, chật vật. Năm 2014, con của gia đình là cháu Nguyễn Diên Bình trúng tuyển vào Đại học Y Khoa Huế. Đến năm 2015, người em là Nguyễn Diên An tiếp tục trúng tuyển vào trường đại học này. Mừng cho các con chăm chỉ học hành và đỗ đạt, song bà Hương nặng trĩu lo âu, bởi gia đình còn khó khăn, chi phí học tập khá lớn vượt quá khả năng của gia đình. Rất may, sau đó gia đình được vay vốn chương trình học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ NHCSXH với số tiền 72 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình có nguồn vốn lo cho con ăn học.

Sau đó, gia đình bà Hương còn được vay 50 triệu đồng nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo để phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ vậy, gia đình có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập và nay đã thoát nghèo bền vững. Bà Hương tâm sự, gia đình chúng tôi rất vui không còn chật vật, lo lắng như trước. Đến nay, các con đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định. Gia đình cũng từng bước ổn định kinh tế, các cháu ra trường đi làm cũng đã phụ giúp gia đình gửi tiền về để nuôi dạy các em ăn học…

Mô hình vay vốn từ NHCSXH phát triển chăn nuôi ở huyện Ba Tơ

Mô hình vay vốn từ NHCSXH phát triển chăn nuôi ở huyện Ba Tơ

Hiệu quả của những ”cánh tay nối dài” góp phần để hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở Quảng Ngãi thu được những kết quả ấn tượng

Hiệu quả của những ”cánh tay nối dài” góp phần để hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở Quảng Ngãi thu được những kết quả ấn tượng

Vai trò của những “cánh tay nối dài”

Đến nay, tại Quảng Ngãi nhờ nguồn vốn từ NHCSXH đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn làm ăn, phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình, thoát được nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương...

Trao đổi với phóng viên thoibaonganhang.vn, ông Trần Duy Cường, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Quảng Ngãi cho biết, để nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác... đơn vị đã đẩy mạnh phương thức quản lý thông qua hình thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn và tổ chức giao dịch trực tiếp tại UBND cấp xã. Nhờ vậy, mạng lưới hoạt động của NHCSXH đã được “phủ sóng”, đến tất cả các xã, phường, thị trấn, góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chương trình tín dụng chính sách đến người dân; vận động tổ viên tham gia gửi tiết kiệm; đồng thời hướng dẫn người vay thiết lập hồ sơ vay vốn, tổ chức họp bình xét cho vay và giám sát, hướng dẫn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả... Theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi, hằng năm đơn vị đưa chỉ tiêu phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn vào tiêu chí thi đua trong các cấp hội. Nhờ vậy, chất lượng tín dụng được nâng lên rõ rệt, dư nợ năm sau tăng hơn năm trước, tăng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, các cấp hội phụ nữ ở địa phương đang quản lýý 1.025 tổ tiết kiệm và vay vốn với 45.233 hộ còn dư nợ, mức vay bình quân hơn 52,4 triệu đồng...

Bà Đinh Thị Trun, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, thôn Làng Ranh, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, cho biết, Sơn Ba là một xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện miền núi Sơn Hà. Trong quá trình làm tổ trưởng, bản thân tôi luôn được sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ của NHCSXH huyện Sơn Hà, đặc biệt là cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn. Các tổ viên trong tổ luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, mạnh dạn vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập cải thiện đời sống.

Khi nguồn vốn được phân bổ về thôn, bà Trun phối hợp cùng trưởng thôn và hội phụ nữ tổ chức họp bình xét cho vay vốn công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, tại các cuộc họp bà cũng tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến tổ viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các tổ viên, thông báo, đôn đốc, nhắc nhở tổ viên khi nợ đến hạn, vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm, tích lũy. Các tổ viên trao đổi kinh nghiệm, tương trợ giúp đỡ nhau trong làm ăn phát triển kinh tế...

Có thể nói, với việc phát huy hiệu quả của những ”cánh tay nối dài” đã góp phần để hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở Quảng Ngãi trong những năm qua thu được những kết quả ấn tượng; đóng góp vào công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế trên quê hương núi Ấn, sông Trà.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/mo-huong-thoat-ngheo-o-quang-ngai-156222-156222.html