Mở lối đi trong đào tạo trung cấp lí luận chính trị - hành chính cho cán bộ Lào. Bài 2: Nghĩa tình dưới mái trường

Từ lâu, trong trái tim nhiều cán bộ hai tỉnh Salavan và Savannakhet, Trường Chính trị Lê Duẩn không đơn thuần là cái nôi đào tạo lí luận chính trị - hành chính mà còn là tổ ấm thân thương. Sự quan tâm, giúp đỡ của các cán bộ, giảng viên trong trường giúp mỗi học viên cảm thấy như đang sống, học tập trên chính quê hương mình.

 Cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn tham gia một nghi lễ truyền thống với các học viên Lào

Cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn tham gia một nghi lễ truyền thống với các học viên Lào

Gửi trọn niềm tin

Đến giờ, anh Salongxay Xayabanha (34 tuổi), Phó Ban Đối ngoại, Sở Ngoại vụ tỉnh Salavan, Lào vẫn nhớ như in cảm giác lâng lâng khi nhận quyết định sang Quảng Trị học lí luận chính trị. Salongxay không xa lạ với đất nước Việt Nam và đặc biệt là tỉnh Quảng Trị. Thường xuyên sang tỉnh bạn để làm công tác phiên dịch, hình ảnh mảnh đất, con người nơi đây đã để thương, để nhớ trong lòng anh. Trước hôm lên đường nhập học, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Salavan Viseth Soulingavonse gọi Salongxay vào phòng làm việc ân cần nhờ chuyển lời thăm hỏi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn và chia sẻ một số kinh nghiệm học tập, sinh hoạt. Ông Viseth là một trong 30 cán bộ Lào đầu tiên sang Quảng Trị học lí luận chính trị. Trở về nước đã 10 năm nhưng hình ảnh Trường Chính trị Lê Duẩn và các thầy cô giáo vẫn in sâu trong tâm trí ông. Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Salavan Viseth Soulingavonse có lẽ không biết rằng, chính những lời chia sẻ của mình đã khiến Salongxay Xayabanha ấm lòng và đặt nhiều niềm tin hơn trên con đường sắp tới. “Lúc chưa qua Quảng Trị nhập học, tôi đã cảm nhận rằng những điều tốt đẹp đang chờ mình phía trước và sự thật đúng là vậy”, anh Salongxay khẳng định.

Trong lớp trung cấp lí luận chính trị - hành chính khóa IX dành cho cán bộ Lào, chị Siensavanh Boutthipanya (47 tuổi), Trưởng Phòng Hành chính, Cục Thuế tỉnh Salavan có lẽ là học viên đặc biệt nhất. Năm 2017, chị Siensavanh từng được cử sang Quảng Trị theo học tại Trường Chính trị Lê Duẩn. Tuy nhiên, căn bệnh ung thư khiến việc học của chị bị gián đoạn. Hôm nhận tin báo từ bác sĩ Việt Nam, chị gần như suy sụp. Chính những lời động viên và sự chăm sóc tận tình, chu đáo của các thầy cô ở Trường Chính trị Lê Duẩn đã nâng người phụ nữ Lào dậy. Sau này, trong tháng ngày về nước chống chọi với căn bệnh, chị Siensavanh rất ấm lòng khi vẫn nhận được sự quan tâm của các thầy cô, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Đó chính là một trong những động lực giúp chị vượt qua bạo bệnh. Chị Siensavanh chia sẻ: “Hôm hạnh ngộ, tôi và các thầy cô ôm lấy nhau mà khóc. Tôi không ngờ mình lại nhận được nhiều tình yêu thương đến thế từ những người khác dòng máu, quốc tịch. Chồng mất, hai người con là vốn quý nhất của tôi. Tôi mong các cháu sẽ có cơ hội học tập dưới mái trường này”.

Cũng như anh Salongxay và chị Siensavanh, các học viên lớp trung cấp lí luận chính trị - hành chính khóa IX dành cho cán bộ Lào đều gửi trọn niềm tin cho Trường Chính trị Lê Duẩn. Niềm tin ấy nảy nở, tỏa lan ngay từ những ngày họ chưa xuất hành. Tai nghe, mắt thấy, các cán bộ Lào nhận ra phần lớn những người từng sang Quảng Trị học tập trung cấp lí luận chính trị - hành chính đều có sự biến chuyển tích cực về cả nhận thức lẫn hành động, qua đó sớm được cất nhắc lên vị trí cao hơn. Trong câu chuyện được người trong cuộc kể lại, các học viên khóa mới tin rằng những điều tốt đẹp đang chờ đợi mình.

Không phụ sự kì vọng, ngay khi mới đặt chân sang, các tân học viên rất vui mừng trước sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Trường Chính trị Lê Duẩn và thầy cô giáo. Họ được tạo điều kiện tốt từ nơi ăn, chốn ở đến những thứ rất nhỏ như cuốn giáo trình, bộ đồng phục, viên thuốc khi ốm đau… Thành ra, những nỗi lo lắng về việc ăn ở, sinh hoạt vơi đi rất nhiều. Học viên khóa IX Ketkeo Laosadith, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Amin, huyện Sa Muội, tỉnh Salavan cho biết: “Là phụ nữ nên tôi có chút lo lắng về điều kiện sống. Tuy nhiên, sau khi sang đây, nỗi lo ấy không còn nữa. Tôi được bố trí ở cùng phòng với một học viên nữ khác trong lớp. Phòng rất sạch sẽ, gọn gàng, có máy điều hòa, bình nóng lạnh, giường nệm, tủ áo quần, bàn học…”.

Ấm áp tình thầy trò

Thực tế, việc sang một đất nước khác học tập chưa bao giờ là chuyện đơn giản. Trong số học viên Lào bước chân vào Trường Chính trị Lê Duẩn, chỉ một số ít người trò chuyện được bằng tiếng Việt. Vì vậy, khó khăn trong giao tiếp là điều tất yếu. Đó là chưa kể đến sự khác biệt về văn hóa, phong tục, tập quán. Những ngày đầu, nỗi nhớ quê hương, gia đình cũng trở thành thách thức không nhỏ đối với một số học viên. Một số người phải cần đến sự trợ giúp của y bác sĩ vì gặp vấn đề về sức khỏe.

Trước những khó khăn ấy, điều khiến học viên Lào rất ấm lòng là các thầy cô ở Trường Chính trị Lê Duẩn đã luôn thấu hiểu, sẻ chia, xem họ như người thân. Những lời hỏi thăm, động viên, khuyên nhủ đúng lúc, đúng nơi giúp các cán bộ xa quê yên lòng. Một số thầy cô còn nhiệt tình mời học viên về dùng cơm hay dẫn đi đây đó để giới thiệu về mảnh đất, con người Quảng Trị. Đặc biệt, các học viên Lào rất vui mừng khi những khó khăn, vướng mắc tưởng chừng rất nhỏ trong những ngày đầu đều nhanh chóng được tháo gỡ. Rào cản ngôn ngữ phần nào được xóa bỏ sau khi học viên trải qua 3 tháng đào tạo Tiếng Việt do giảng viên Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị đảm nhiệm. Học viên được nhà trường mua bảo hiểm y tế, tổ chức khám sức khỏe toàn diện. Trong những đợt khám bệnh thế này, một số trường hợp học viên mắc bệnh nặng như chị Siensavanh Boutthipanya đã được phát hiện, kịp thời điều trị.

Chỉ một thời gian ngắn sau ngày nhập học, hình ảnh các thầy cô giáo luôn hết lòng vì học viên đã in sâu trong lòng cán bộ Lào. Một trong những người được nhiều học viên yêu quý, tôn trọng chính là thầy giáo chủ nhiệm Trần Đức Dương. Đến nay, thầy Dương đã chủ nhiệm 7/9 khóa học viên đến từ nước bạn Lào. Ngoài thời gian truyền đạt kiến thức trên bục giảng, hễ bất cứ lúc nào học viên trong lớp cần, thầy đều sớm có mặt. Ở khóa III, học viên Phoukham Xaysongkham, hiện là Trưởng Phòng Nội vụ huyện Van Pi, tỉnh Salavan được các bác sĩ phát hiện bị sỏi thận. Hơn 20 ngày anh Phoukham điều trị, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn, đặc biệt là thầy giáo chủ nhiệm Trần Đức Dương thường xuyên túc trực. Năm 2017, một học viên khóa VII bất ngờ bị tai biến mạch máu não, nhận tin báo, ngay trong đêm, thầy Dương cùng các thầy cô, học viên trong trường đến tận phòng để đưa đi cấp cứu, rồi thay phiên nhau chăm sóc.

Những tình cảm và hành động cụ thể của cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn nói chung, thầy giáo Trần Đức Dương nói riêng đã chạm đến trái tim học viên Lào. Ai cũng dành cho thầy cô những tình cảm thân thương, trìu mến nhất. Hiểu điều cán bộ, giảng viên nhà trường kì vọng, các học viên Lào đáp đền bằng cách chuyên tâm học tập. Họ cũng mở lòng hơn với thầy cô và không còn ngại ngần khi dùng những từ ngữ thể hiện sự yêu thương, tôn trọng, biết ơn.

“Đất lạ hóa quê hương”

Trong một lần tác nghiệp, chúng tôi có dịp tham dự lễ bế giảng lớp trung cấp lí luận chính trị - hành chính khóa V dành cho cán bộ Lào. Đối với các học viên, đây là một sự kiện trọng đại. Vì thế, rất nhiều người thân của họ đã từ bên kia biên giới sang để chúc mừng. Trong vòng tay gia đình, bạn bè, đồng nghiệp nhưng không ít học viên vẫn đượm buồn vì giờ chia tay mái trường, thầy cô đã điểm. Ai cũng rưng rưng khi nghe lời nhắn nhủ của thầy Nguyễn Hữu Thánh, Hiệu trưởng Trường Chính trị Lê Duẩn: “Nhà trường mong rằng sau khóa học, trở về cơ quan, các đồng chí sẽ phát huy cao nhất những điều đã được học vào thực tiễn công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hi vọng hình ảnh mái trường Chính trị Lê Duẩn sẽ mãi mãi in sâu trong tim các đồng chí”. Nhiều học viên tinh ý nhận ra, trong buổi lễ bế giảng, thầy giáo hiệu trưởng và các giảng viên khác đều đổi cách xưng hô từ “em” thân thuộc sang “đồng chí” đầy tôn trọng, như gửi gắm tất cả niềm tin. Một hành động nhỏ như thế cũng đủ khiến họ nhớ lại những ngày bỡ ngỡ vào nhập học, để rồi không biết từ lúc nào “đất lạ” đã “hóa quê hương”.

Câu chuyện về những buổi lễ bế giảng “nhiều cảm xúc lẫn lộn” luôn được các khóa học viên trung cấp chính trị - hành chính dành cho cán bộ Lào truyền tai nhau. Một số người chưa đặt lòng tin về lời được kể, thậm chí cho rằng đây là câu chuyện mang tính “hoa mĩ”. Thế nhưng, khi bắt đầu làm quen với cuộc sống trên đất bạn, gắn bó với trường lớp, thầy cô, họ mới nhận ra những điều cựu học viên chia sẻ là rất thật. Vì thế, càng đến gần ngày bế giảng, các học viên Lào càng trân quý thời gian sống, học tập trên đất Quảng Trị. Lớp phó lớp trung cấp lí luận chính trị - hành chính khóa IX Lamphone Syvilaysouk hồn hậu nói: “Chúng tôi khó có thể quên những giờ học hay trên lớp, bữa cơm đầm ấm tại nhà riêng của thầy cô, chuyến tham quan thực tế thú vị hay trận bóng chuyền, buổi giao lưu văn nghệ với học viên Việt… Những ngày này, tôi và anh em trong lớp chỉ mong thời gian chậm lại để có thể học được nhiều điều, cảm nhận sâu sắc hơn nghĩa tình Quảng Trị”.

Theo năm tháng, cán bộ từ hai tỉnh Savannakhet và Salavan đến Trường Chính trị Lê Duẩn nhập học rồi bịn rịn nói lời chia tay. Tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế quan trọng, các thầy cô lại đón một khóa học viên mới với không ít khó khăn, thử thách. Điều đáng trân quý là dẫu xa nhau về khoảng cách địa lí, giữa bộn bề công việc, cả người ở lẫn người đi đều luôn nhớ về nhau. Đặc biệt, dẫu ở cương vị nào, các cựu học viên Trường Chính trị Lê Duẩn đều vững bước trên con đường thầy cô mở lối, biết gắn nhiệm vụ góp sức dựng xây quê hương với chung tay vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào, Quảng Trị - Savannakhet - Salavan.

Trương Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=142922