Mở lối xuất khẩu xanh để không bị loại khỏi cuộc chơi

Xuất khẩu xanh đang là xu hướng không thể đảo ngược và doanh nghiệp buộc phải nắm vững xu thế này nhằm giữ tốc độ tăng trưởng, giữ được thị phần để tham gia cuộc chơi trên toàn cầu.

Nhận định từ các chuyên gia, sản xuất xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu và quy định xanh của nước nhập khẩu có lộ trình và thời gian để cho các nước sản xuất, xuất khẩu như Việt Nam có thể từ từ thích ứng chứ không phải là những quy định bắt buộc thực hiện ngay lập tức.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) triển khai mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường cho các doanh nghiệp thành viên. Ảnh minh họa: TTXVN

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) triển khai mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường cho các doanh nghiệp thành viên. Ảnh minh họa: TTXVN

Thời gian qua, doanh nghiệp của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực qua việc áp dụng công nghệ vào sản xuất nhằm đáp ứng quy định. Thế nhưng, trong quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn hạn chế, nhất là chi phí chuyển đổi công nghệ, vùng nguyên liệu. Hơn nữa, quy định có sự thay đổi vì có lộ trình có thể năm nay áp dụng với mặt hàng này, sang năm mở rộng ra các mặt hàng khác. Hoặc năm nay là các quy định này, sang năm các quy định sẽ chặt chẽ hơn đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt thông tin kịp thời và nắm bắt thông tin cụ thể.

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.

Cụ thể như Chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM); Quy định chống phá rừng châu Âu (EU Deforestation-free Regulations - EUDR); Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan); Đạo luật cạnh tranh sạch của Hoa Kỳ; cũng như các điều khoản trong Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Theo ông Hoàng Minh Chiến, thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm thải carbon, nghiên cứu ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ triển khai các giải pháp áp dụng công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sản xuất sạch hơn, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời, Bộ Công Thương với đơn vị đầu mối là Cục Xúc tiến thương mại đã thường xuyên tổ chức chuỗi hội nghị giao ban định kỳ với Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhằm trao đổi thông tin, cập nhật các thông tin mới nhất về quy định của quốc tế, chính sách pháp luật quốc gia nhập khẩu, nhất làquy định liên quan tới thương mại xanh và bền vững.

Đặc biệt, trong các lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt như dệt may, da giày và nông sản, thực phẩm, việc sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường hoặc tối ưu hóa quy trình sản xuất theo hướng bền vững sẽ giúp doanh nghiệp gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng toàn cầu.

Là doanh nghiệp dệt may chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, Công ty cổ phần Phong Phú đã chủ động thay đổi dây chuyền công nghệ robot và thực hiện kiểm soát yêu cầu kỹ thuật với đơn hàng cho EU và Hoa Kỳ.

Cùng đó là siết chặt quản lý tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải; xây dựng kế hoạch giảm tiêu hao năng lượng, hóa chất; thay thế dần thiết bị cũ, tạo môi trường làm việc tốt cho người lao động. Điều này không chỉ giúp dệt may Phong Phú đáp ứng tiêu chuẩn, nâng cao uy tín với đối tác mà sản phẩm còn tăng tính cạnh tranh, thêm nhiều đơn hàng mới, nhất là nhãn hàng cao cấp.

Nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho cà phê arabica Sơn La trên thị trường thế giới, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết, Tập đoàn Phúc Sinh đã đẩy mạnh thực hiện ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) trong sản xuất.

Hiện tại, Phúc Sinh đã có 2 vùng cà phê được công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La. Sản phẩm cà phê Sơn La cũng đã được xuất khẩu sang thị trường 20 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN với giá tiêu thụ ổn định ở mức cao.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nâng chất cho sản phẩm cũng như xây dựng kế hoạch bài bản, xác định được thị trường mục tiêu, đặc biệt sản xuất và xuất khẩu theo tín hiệu thị trường.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ triển khai các chương trình hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thể lựa chọn những loại chứng chỉ hay tiêu chuẩn nào để áp dụng phù hợp nhất đối với thị trường, mục tiêu của từng sản phẩm.

Qua đó, doanh nghiệp tiết kiệm tối đa chi phí tuân thủ và hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm cũng như doanh nghiệp.

Hơn nữa, để tránh vi phạm quy định của các nước nhập khẩu, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu thị trường, nhất là những vấn đề liên quan đến biện pháp kỹ thuật của từng thị trường để bảo đảm tuân thủ đầy đủ trước khi xuất khẩu. Bộ đã chỉ đạo mạng lưới Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá nỗ lực của doanh nghiệp Việt thích ứng, đáp ứng được tiêu chuẩn xanh của các nước.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ phối hợp các hiệp hội, ngành hàng để đào tạo, tập huấn liên quan đến mẫu mã, thương hiệu, thiết kế để sản phẩm xuất khẩu có thể phát triển bền vững tại thị trường nhập khẩu.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/mo-loi-xuat-khau-xanh-de-khong-bi-loai-khoi-cuoc-choi/352046.html