Nhóm chuyên gia khai quật đến từ Viện Ai Cập học Czech ở Đại học Charles, Prague xác định ngôi mộ cổ tại Abusir thuộc về một vị tướng có tên Wahibre-mery-Neith.
Ngôi mộ có niên đại từ đầu thế kỷ 5 trước Công nguyên, ở bên trong, các nhà nghiên cứu tìm thấy phòng ướp xác lớn nhất Ai Cập bao gồm 370 hũ gốm chứa vật liệu dùng để ướp xác vị tướng quân Ai Cập này.
Ngôi mộ của Wahibre-mery-Neith có kích thước 14 x 14 m. Ở đáy mộ sâu gần 16 m có một bộ quan quách từng bị kẻ trộm phá hủy.
Phần quách ở bên ngoài được làm từ hai khối đá vôi khổng lồ.
Quan tài hình người ở bên trong dài 2,3 mét, rộng 1,8 mét, chạm khắc mặt người bằng đá mịn và chữ từ Quyển sách của cái chết, mô tả sự phục sinh của vị tướng và hành trình tới thế giới bên kia.
Nhóm khai quật kinh ngạc khi không tìm thấy xác ướp của vị tướng, chỉ có hai hộp gỗ chứa 302 tượng đất được tạo ra để phục vụ người chết ở thế giới bên kia.
Ngoài ra họ cũng phát hiện thêm một số hũ thạch cao tuyết hoa, 10 chiếc cốc và bình đá vôi mang tên ostracon khắc những dòng chữ tôn giáo.
Đợt khai quật đã kết thúc vào tháng 6/2022 ở Abusir, Di sản Thế giới nằm giữa Giza và Bắc Ai Cập.
Wahibre-mery-Neith sống ở thời kỳ người Ba Tư xâm chiếm Ai Cập, bắt đầu vào khoảng năm 525 trước Công nguyên và kéo dài 100 năm.
Ngôi mộ đã giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về cuộc đời của vị tướng chỉ huy quân đánh thuê. Nhiều khả năng ông đã qua đời đột ngột vì ngôi mộ của ông và đồ mai táng chưa được chuẩn bị hoàn tất.
Lê Trang (theo Newsweek)