Mở rộng 'cánh cửa' việc làm cho phụ nữ

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã luôn quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo nghề giúp nhiều hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tạo điều kiện để phụ nữ có nghề nghiệp ổn định

Chiếm hơn 50% tổng số lao động toàn tỉnh, lực lượng lao động nữ có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chị em, nhất là lao động lớn tuổi, lao động nông thôn miền núi, chưa qua đào tạo nghề nên khó tìm kiếm việc làm. Do đó, hàng năm Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở Hội khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp mở lớp dạy nghề phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đồng thời, mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành hợp tác xã, tổ hợp tác cho phụ nữ; xây dựng các mô hình liên kết, tổ sản xuất, kinh doanh.

Lớp học nghề nấu ăn mở tại xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết

Lớp học nghề nấu ăn mở tại xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết

Trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ tỉnh lần thứ XV (2021 – 2026), từng cấp Hội đã chủ động, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khó khăn về kinh tế và khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Kết quả kết nối các nguồn vốn từ ngân hàng, chương trình, dự án hỗ trợ phụ nữ với tổng số vốn gần 3.000 tỷ đồng, giúp hơn 56.000 hội viên, phụ nữ vay. Đồng thời, duy trì và phát huy các tổ, nhóm tiết kiệm, tổ hùn vốn, góp vốn xoay vòng, đến nay có 761 tổ/70,21 tỷ đồng, giúp gần 19.000 phụ nữ vay. Hội còn tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, chú trọng giới thiệu, quảng bá, kết nối, tiêu thụ các sản phẩm của địa phương, sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ.

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa đã được tạo điều kiện vay vốn

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa đã được tạo điều kiện vay vốn

Từ sự trợ giúp của Hội, nhiều phụ nữ ở nông thôn đã vươn lên, có cuộc sống ổn định. Chị Nguyễn Thị Kim Thoa (thôn Phú Điền, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc) là một trong những điển hình như vậy. Là phụ nữ khuyết tật, bám vào nghề may kiếm sống. Nhưng khi lập gia đình, sinh con, kinh tế lại càng khó khăn. Cơ duyên khi 5 năm trước, chị tham gia vào tổ chức Hội và đã được chia sẻ, tạo điều kiện vay 50 triệu đồng để sửa chữa lại nhà ở. Từ đó chị có phòng đặt máy may rộng rãi và khách hàng từ các nơi biết đến nhiều hơn. “Tuy vất vả, nhưng rất vui vì có việc luôn tay, luôn chân, kinh tế gia đình đã ổn định”, chị Thoa vui mừng nói.

Diễn đàn kết nối các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, giao dịch trên sàn thương mại điện tử

Diễn đàn kết nối các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, giao dịch trên sàn thương mại điện tử

Giải pháp giảm nghèo bền vững

Đẩy mạnh dạy nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ cũng là một trong những giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đặc biệt, hoạt động dạy nghề được linh động mở tại xã, thị trấn, thời gian học hợp lý và hướng tới nhiều đối tượng phụ nữ khác nhau như lao động nông thôn, lao động thuộc diện hộ nghèo, phụ nữ khuyết tật…

Hàng năm, các cấp Hội trong tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn hỗ trợ kiến thức ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất, chăn nuôi với 133 lớp/4.760 phụ nữ tham gia. Phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu được 57 lớp/1.526 phụ nữ tham gia; tư vấn và giới thiệu việc làm cho 8.551 phụ nữ có việc làm ổn định với mức thu nhập khá, cải thiện đời sống gia đình. Qua các lớp dạy nghề, học viên được tiếp cận với những kiến thức khoa học, kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, nắm vững biện pháp phòng, tránh dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cách tổ chức mô hình kinh tế hợp lý. Nhờ đó, nhiều hội viên, phụ nữ nông thôn đã vươn lên trở thành những chủ cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ khác và số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ giảm dần qua các năm.

Sản phẩm nông nghiệp do phụ nữ sản xuất

Sản phẩm nông nghiệp do phụ nữ sản xuất

Bà Lê Thị Hải Yến – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Để hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, góp ý các quy định về những vấn đề liên quan đến phụ nữ trong giảm nghèo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Vận động nguồn lực giúp phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các ngân hàng để hỗ trợ phụ nữ tiếp cận vốn. Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, “Chương trình phát triển du lịch nông thôn” trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ, tập trung nguồn lực phát triển mô hình kinh tế tập thể, phụ nữ khởi nghiệp nhằm tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn… Qua đó, tập trung vào thay đổi tư duy, giúp hội viên, phụ nữ mạnh dạn, tự tin, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để phát triển ngành nghề.

THÙY LINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/mo-rong-canh-cua-viec-lam-cho-phu-nu-125211.html