Mở rộng cơ hội vay vốn, tín dụng có tăng tốc?

Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung phương án sử dụng vốn trong hồ sơ cho vay với các khoản vay, cá nhân và doanh nghiệp có nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận vốn vay.

Tăng cơ hội tiếp cận vốn

Loay hoay tìm nguồn vốn để đầu tư vào một dự án BĐS ở Hoàng Mai (Hà Nội) anh Nguyễn Huy Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Sau khi thông tư 06 của NHNN ban hành, anh đã dễ dàng tiếp cận vốn vay cho lĩnh vực này.

"Trước đây nếu vốn vay phục vụ các dự án chưa hoàn thiện pháp lý hay các hợp đồng góp vốn, đặt cọc đều bị kiểm soát chặt chẽ. Nhưng hiện tôi đã hoàn tất thủ tục vay hơn 5 tỉ đồng tại ngân hàng OCB với lãi suất 7,5%/năm đối với hình thức cho vay mua nhà", anh Nam nói.

Anh Nam là một trong những khách hàng được gia tăng cơ hội vay vốn nhờ quy định mới trong Thông tư 06. Theo đó, người dân và doanh nghiệp có thể được vay cho hợp đồng góp vốn, đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.

Ngoài ra, NHNN cũng bỏ quy định không được cho vay để bù đắp tài chính, trừ khi đáp ứng đủ 2 điều kiện là bên vay đã ứng vốn thanh toán và trả các chi phí thực hiện dự án.

Việc sửa quy định về tiếp cận vốn vay bất động sản còn có tác động tích cực đến các ngân hàng. (Ảnh minh họa)

Việc sửa quy định về tiếp cận vốn vay bất động sản còn có tác động tích cực đến các ngân hàng. (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, một số quy định mới cởi mở hơn về chính sách tiếp cận vốn, không chỉ gia tăng cơ hội cho người dân, doanh nghiệp, mà còn góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng vốn đang ở mức thấp trong thời gian gần đây.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Phong, Giám đốc công ty TNHH XNK Hoàng Đại Phát cho biết: Hiện Hoàng Đại Phát có hơn 1.000 sản phẩm tồn kho, cần vốn để duy trì các kênh marketing, bán hàng, xử lý hàng tồn; đồng thời nhập mới một số nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, nuôi công nhân. Tổng nhu cầu vốn của doanh nghiệp khoảng 6 tỉ đồng.

Mặt khác, theo ông Phong, trước đây cái khó của doanh nghiệp là loay hoay huy động vốn khi đến kì đáo hạn ngân hàng. Thông tư mới có điều khoản cho vay để đảo nợ, nên doanh nghiệp đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để đảo món nợ cũ 7 tỉ đồng của Vietcombank với lãi suất 7%/năm.

Kiểm soát rủi ro thế nào?

Việc "cởi mở" hơn trong quan hệ tín dụng có làm tăng rủi ro cho các ngân hàng? Trả lời câu hỏi này của Báo Giao thông, đại diện Agribank cho biết: Tùy vào khẩu vị từng ngân hàng, vốn vay sẽ kiểm soát theo từng cách khác nhau. Agribank là ngân hàng 100% vốn nhà nước nên đặc biệt chú trọng hoạt động quản lý rủi ro.

"Đối với các dự án bất động sản chưa đủ pháp lý, hợp đồng góp vốn, đặt cọc, có thể một số ngân hàng vẫn cho vay, nhưng Agribank không làm", vị đại diện thông tin.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết: Với khách hàng cá nhân, OCB đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 1 - 2,5%/năm và công bố 8 gói lãi suất kích cầu cùng nhiều lựa chọn ưu đãi tùy vào nhu cầu của từng đối tượng khách hàng, mức lãi suất chỉ từ 6,5%/năm cho sản xuất - kinh doanh, 7,5%/năm cho vay mua nhà.

Riêng phân khúc khách hàng doanh nghiệp, OCB cũng triển khai hàng loạt các gói hỗ trợ lãi suất như giảm đến 2,5%/năm khi vay USD; gần đây nhất là gói ưu đãi lãi suất VND chỉ từ 6,99%/năm cho các khoản vay có kỳ hạn ngắn từ 3 tháng trở xuống và từ 7,99%/năm cho các khoản vay từ 6 tháng trở lên, chương trình được triển khai từ nay đến hết 31/10/2023.

Song song với hoạt động đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng với khách hàng, OCB đặc biệt chú trọng hoạt động quản lý rủi ro, tuân thủ đúng các chỉ đạo từ NHNN, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Ngân hàng cũng luôn luôn kiểm soát mục đích sử dụng vốn của khách hàng đảm bảo không sử dụng vốn sai mục đích. OCB đã xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng tín dụng phù hợp với từng phân khúc khách hàng, theo ngành nghề và địa bàn kinh doanh. Đặc biệt, là công tác kiểm soát và giám sát sau cho vay, nhất là dòng tiền từ phương án vay.

Anh Hoàng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thong-tu-06-sua-doi-ai-huong-loi-192230828192145511.htm