Mở rộng diện tuyển chọn gắn với hoàn thiện chính sách thu hút nhân tài

Để xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội có chất lượng cao, số lượng và cơ cấu phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi phải tiến hành toàn diện và đồng bộ nhiều khâu, nhiều bước, nhiều nội dung biện pháp, trong đó tạo nguồn đào tạo cán bộ chính trị (ĐTCBCT) cấp phân đội là khâu đầu tiên hết sức quan trọng, trực tiếp chuẩn bị lực lượng để đào tạo bổ sung thay thế đội ngũ cán bộ chính trị (CBCT) một cách chủ động và có kế hoạch.

Từng bước nâng cao số lượng, chất lượng nguồn đào tạo

Tại Hội thảo “Nghiên cứu giải pháp tạo nguồn ĐTCBCT cấp phân đội hiện nay” do Trường Sĩ quan Chính trị (SQCT) tổ chức, có nhiều tham luận tâm huyết. Thiếu tướng Nguyễn Đình Long, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 1 cho rằng: "Việc tạo nguồn ĐTCBCT cấp phân đội ở địa bàn Quân khu 1 nói riêng và toàn quân nói chung có nhiều thuận lợi, bởi những năm gần đây, số lượng nguồn dự xét tuyển, thi tuyển nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh các đối tượng đào tạo hằng năm, tạo thuận lợi cho việc tạo nguồn đào tạo; cơ cấu của các nhóm nguồn ĐTCBCT cấp phân đội cũng bảo đảm tốt hơn yêu cầu cân đối về vùng miền, dân tộc…".

Qua khảo sát của cơ quan chức năng tại một số địa phương thuộc Quân khu 3, 4, 5… cho thấy, các nhóm nguồn ĐTCBCT cấp phân đội hiện đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức theo quy định; tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đạt và vượt các tiêu chuẩn về sức khỏe, hình thể ngày càng cao; trình độ, năng lực của thí sinh trúng tuyển được nâng cao trong những năm gần đây…

Những năm qua, Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP), Tổng cục Chính trị thường xuyên coi trọng chỉ đạo nghiên cứu mở rộng phạm vi, đối tượng tạo nguồn, nâng cao tiêu chuẩn nguồn ĐTCBCT cấp phân đội. Hệ thống văn bản thường xuyên được bổ sung, ban hành, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho công tác tạo nguồn ĐTCBCT cấp phân đội cả về tạo nguồn qua tuyển sinh quân sự và tạo nguồn đào tạo từ sĩ quan, QNCN, đối tượng cử tuyển, sinh viên...

Cùng với việc đặt ra điều kiện, tiêu chuẩn cao hơn để nâng cao chất lượng nguồn đào tạo, các văn bản hướng dẫn tạo nguồn chú trọng mở rộng phạm vi tuyển chọn nguồn đào tạo đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng ĐTCBCT cấp phân đội. Cùng với chú trọng đổi mới, mở rộng diện tuyển chọn tạo nguồn đào tạo chủ yếu từ thanh niên, quân nhân đã tốt nghiệp THPT và tuyển chọn nguồn đào tạo chuyển loại, từ năm 2006 đến nay đã mở rộng tạo nguồn ĐTCBCT cấp phân đội từ nhiều đối tượng, như: Đào tạo văn bằng hai từ sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn; sĩ quan tốt nghiệp các chuyên ngành chỉ huy tham mưu, quân, binh chủng, hậu cần, kỹ thuật; ĐTCBCT cấp phân đội từ đối tượng Trung đội trưởng 801, từ QNCN tốt nghiệp trung cấp chuyên môn kỹ thuật; từ hạ sĩ quan, binh sĩ đã tốt nghiệp đại học...

Qua các cuộc tọa đàm, trao đổi, hội thảo khoa học ở các địa phương, đơn vị, nhà trường, hầu hết các ý kiến, tham luận đều khẳng định: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tạo nguồn ĐTCBCT cấp phân đội có nhiều đổi mới, sáng tạo; các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, thiết thực hơn. Quy trình tạo nguồn ĐTCBCT cấp phân đội ở các địa phương, đơn vị, nhà trường quân đội bảo đảm chặt chẽ, nền nếp; nội dung, biện pháp các khâu, các bước tạo nguồn có nhiều sáng tạo, đổi mới... Tại một số địa phương, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền tạo nguồn nên việc đăng ký xét tuyển, thi tuyển vào Trường SQCT thu hút nhiều học sinh, sinh viên. Điển hình như tại các tỉnh: Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… những năm gần đây luôn có số học sinh đăng ký xét tuyển, trúng tuyển ĐTCBCT cấp phân đội cao hơn so với các địa phương khác. Cùng với đó, một số địa phương đã chú ý theo dõi tỷ lệ, cơ cấu, số lượng học sinh đăng ký dự tuyển, trúng tuyển vào các trường quân đội từng năm theo địa bàn các vùng để có sự điều chỉnh trong hoạt động tuyển sinh, nhằm khắc phục sự mất cân đối về vùng miền, như tại các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 9, Quân khu 7, Quân khu 1...

 Học viên Trường Sĩ quan Chính trị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập.

Học viên Trường Sĩ quan Chính trị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập.

Giải quyết đồng bộ những vấn đề đặt ra

Tuy nhiên, công tác tạo nguồn ĐTCBCT cấp phân đội những năm qua và hiện nay còn gặp không ít khó khăn, bất cập. Theo Thiếu tướng, TS Nguyễn Xuân Trường, nguyên Phó hiệu trưởng Trường SQCT, cùng với những kết quả đạt được thì nhận thức, trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tạo nguồn ĐTCBCT cấp phân đội của cấp ủy, cán bộ chủ trì một số địa phương còn hạn chế; tổ chức lực lượng, triển khai nhiệm vụ, tiến hành công tác bảo đảm tạo nguồn ĐTCBCT cấp phân đội còn nhiều bất cập. Việc thực hiện quy trình tạo nguồn đào tạo ở một số địa phương, đơn vị chưa nghiêm túc, còn để xảy ra sai sót; nội dung, biện pháp tạo nguồn chưa thực sự đổi mới, thiếu hợp lý, kém hiệu quả…

Tạo nguồn ĐTCBCT cấp phân đội là một nội dung, một khâu quan trọng của công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội về chính trị trong thời kỳ mới. Do vậy, nhất thiết hoạt động này phải quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm, tư tưởng của Đảng, của QUTƯ, BQP về công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội về chính trị trong thời kỳ mới.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách hướng vào thu hút nhân tài, mở rộng diện tuyển chọn để nâng quy mô, số lượng, chất lượng nguồn ĐTCBCT cấp phân đội. Theo đó, cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động về công tác tạo nguồn đào tạo; bổ sung, hoàn chỉnh các quy định về công tác tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp quân sự cho các đối tượng nguồn đào tạo, bảo đảm phối hợp tạo nguồn ĐTCBCT cấp phân đội một cách chặt chẽ, hiệu quả; hoàn chỉnh các chính sách, quy định về nguồn ĐTCBCT cấp phân đội… Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của các tổ chức, các lực lượng đối với việc tạo nguồn ĐTCBCT cấp phân đội. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần xác định rõ, việc tạo nguồn đào tạo cán bộ quân đội nói chung, CBCT cấp phân đội nói riêng là nhiệm vụ thường xuyên trong phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của mình. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, tạo nguồn cán bộ, về xây dựng QĐND Việt Nam...; các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành, cơ quan chức năng về tạo nguồn đào tạo cán bộ quân đội nói chung, CBCT cấp phân đội nói riêng, cần nắm chắc tình hình mọi mặt, nhất là thực trạng chất lượng học sinh, sinh viên, thanh niên trên địa bàn. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và chương trình, kế hoạch sát đúng đối với việc tạo nguồn tuyển sinh quân sự nói chung, tạo nguồn ĐTCBCT cấp phân đội nói riêng.

Đối với Trường SQCT, cùng với nâng cao vị thế, vai trò, sức hút, thương hiệu của cơ sở ĐTCBCT cấp phân đội, cần tiếp tục quảng bá, khẳng định giá trị xã hội, vị thế, lợi ích của đối tượng đào tạo cán bộ quân đội, CBCT cấp phân đội; vai trò, vị thế, thương hiệu giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học của cơ sở ĐTCBCT cấp phân đội. Tập trung nâng cao, thực hiện cam kết về chất lượng, hiệu quả, củng cố niềm tin, độ tin cậy về hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của cơ sở ĐTCBCT cấp phân đội; tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác giữa cơ sở ĐTCBCT cấp phân đội với các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong và ngoài quân đội.

THẢO NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/mo-rong-dien-tuyen-chon-gan-voi-hoan-thien-chinh-sach-thu-hut-nhan-tai-602774