Mở rộng quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế

Góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), nhiều ý kiến cho rằng, việc mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT là quy định nhân văn, song cần xem xét, cân nhắc để bảo đảm tính khả thi, khả năng cân đối Quỹ BHYT phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao

Với nhiều giải pháp, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đến nay đã đạt gần 94% và quyền lợi thụ hưởng của người tham gia cũng ngày càng nâng cao, đáp ứng yêu cầu về chăm sóc sức khỏe.

Báo cáo tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHYT năm 2023 của Bộ Y tế cho thấy: Trong năm 2023, với lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ; sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương đối với lĩnh vực BHYT, công tác quản lý và sử dụng Quỹ BHYT đã được nâng cao, Quỹ BHYT được bảo toàn và có kết dư.

Tuyên truyền về chính sách BHYT tới người dân.

Tuyên truyền về chính sách BHYT tới người dân.

Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao, công tác giám định BHYT đã phát huy được hiệu quả trong việc quản lý Quỹ BHYT, tình trạng lạm dụng trục lợi Quỹ BHYT giảm rõ rệt, giải quyết được cơ bản các vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT còn một số bất cập. Dù hết năm 2023 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số với 93,628 triệu người tham gia (tăng 2,8% so với năm 2022). Song một số tỉnh chưa thực hiện đúng theo quy định dẫn đến việc chậm chuyển kinh phí phần ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng BHYT cho cơ quan BHXH trong năm tài chính; việc chấp hành pháp luật về BHYT của một số nhóm đối tượng như người sử dụng lao động, người tham gia BHYT theo hộ gia đình chưa nghiêm túc; tình trạng một số doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng, nợ đóng BHYT vẫn xảy ra ở nhiều địa phương (số tiền nợ đóng BHYT tính lãi gần 778 tỷ đồng, chiếm 0,615% số phải thu BHYT). Đặc biệt, việc xử lý hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, BHYT và khởi kiện của tổ chức Công đoàn còn nhiều vướng mắc.

Cùng với tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng, cơ quan BHXH đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trực tiếp với 2.830 cơ sở y tế (1.784 cơ sở công lập, 1.046 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, 46 cơ sở tuyến Trung ương, 563 cơ sở tuyến tỉnh, 2.088 cơ sở tuyến huyện và 133 y tế cơ quan (tương đương tuyến xã). Ngoài ra, có gần 10.000 trạm y tế thực hiện khám chữa bệnh BHYT thông qua hợp đồng với bệnh viện huyện hoặc Trung tâm y tế hoặc cơ sở được Sở Y tế giao nhiệm vụ. Đặc biệt, số lượng khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã hiện chiếm khoảng 74,3%.

Như vậy, với số cơ sở khám chữa bệnh tăng, số người tham gia BHYT tăng nên dù cơ quan BHXH đã tăng cường lực lượng cán bộ làm công tác giám định BHYT nhưng vẫn còn một số bất cập, dẫn đến cơ sở khám chữa bệnh BHYT chưa thống nhất với kết quả giám định của cơ quan BHXH, nảy sinh vướng mắc trong thanh toán góp phần ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh và quyền lợi người tham gia BHYT…

Cân đối phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ

Để tăng hiệu quả hoạt động quản lý khám chữa bệnh và sử dụng Quỹ BHYT, Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật BHYT cũng như các văn bản hướng dẫn, triển khai Luật trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10. Trong đó, đã khắc phục một số nội dung vướng mắc, bất cập liên quan đến đối tượng tham gia BHYT, quyền lợi của người tham gia BHYT…

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đang được trình cho ý kiến bổ sung 40 điều về: Đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám, chữa bệnh BHYT, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến BHYT.

Dự thảo Luật thể hiện đầy đủ theo 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua gồm: Điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối Quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT; phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.

Liên quan đến bổ sung phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT phải phù hợp với khả năng cân đối quỹ BHYT cũng như mở rộng phạm vi BHYT đối với các hoạt động khám, chuẩn đoán, đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khỏe và điều trị sớm một số bệnh, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản…

“Chúng ta đã mở rộng diện bao phủ BHYT cũng như quyền lợi được hưởng cho người tham gia BHYT nhưng cần nghiên cứu thêm để nếu có thể mở rộng thêm các nội dung được thanh toán sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hơn”- ông Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra, để khắc phục vướng mắc về kéo dài thời gian thanh, quyết toán, dự thảo Luật đã bổ sung làm rõ thời hạn thông báo kết quả giám định chi phí khám chữa bệnh quý IV trong năm. Đồng thời, quy định rõ “trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở khám chữa bệnh, tổ chức BHXH có trách nhiệm thông báo kết quả giám định và số quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT”.

Cho ý kiến về dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, BHYT là chính sách an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT phải bám sát các Nghị quyết của Đảng, các quy định của pháp luật có liên quan. Khẳng định việc bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT là quy định nhân văn, song Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần xem xét, cân nhắc để bảo đảm tính khả thi, phổ quát, công bằng, khả năng cân đối Quỹ BHYT phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

B.Duy - N.Hà

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/mo-rong-quyen-loi-nguoi-tham-gia-bao-hiem-y-te-178474.html